Thi người mẫu: Hết chiêu sẽ đến trò?

MINH ĐỨC| 28/05/2016 06:36

Trong năm nay, có 2 chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu nhưng không ưu tiên chiều cao, là Vietnam's Next Top Model và The Face.

Thi người mẫu: Hết chiêu sẽ đến trò?

Trong khi The Face phiên bản Việt rục rịch chuẩn bị phát sóng mùa đầu tiên thì Vietnam's Next Top Model (VNTM) bất ngờ đổi thể lệ, ưu tiên các thí sinh có khuôn mặt đẹp. Như vậy, trong năm nay, có 2 chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu nhưng không ưu tiên chiều cao (?!).

Đọc E-paper

Cạnh tranh gay gắt

Việc VNTM bỗng dưng tuyên bố mùa 7 sẽ tuyển luôn thí sinh cao 1,5m khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng lại không mấy khó hiểu. Bởi từ sau mùa phát sóng thứ 4, khi sức nóng giảm nhiệt, Ban tổ chức cuộc thi này liên tục "tung hỏa mù” với các thông tin như "sắp hết hợp đồng với đối tác nước ngoài", "mùa cuối cùng"... để hâm nóng chương trình. Bên cạnh đó, từ mùa thứ 5, VNTM đã bắt đầu tổ chức đề tài cho các mùa, đúng như bản gốc America's Next Top Model (ANTM).

Thế nhưng, trong khi ANTM luôn làm mới hình ảnh quán quân mỗi năm thì dường như VNTM "giậm chân tại chỗ” với công thức cũ mòn: thí sinh cao, gầy, quê mùa... sẽ trở thành người chiến thắng cuối cùng.

Tại sao từ một cuộc thi với mục đích tìm kiếm người mẫu Việt đủ tầm ra quốc tế thi thố (ưu tiên hình thể, chiều cao, gương mặt chuẩn), nay VNTM lại chuyển mình như vậy? Hãy nhìn vào danh sách Forbes công bố năm ngoái trong lĩnh vực người mẫu, tất cả 20 siêu mẫu đều kiếm bộn tiền nhờ đóng quảng cáo, từ hàng hiệu cho đến đồ điện tử.

Trong nước, các thương hiệu quốc tế khá ít và đều trực thuộc sự quản lý của các công ty đa quốc gia có văn phòng đại diện tại châu Á, nên người mẫu hay nghệ sĩ Việt rất khó lọt vào ống kính của họ. Khó nhưng không phải không có đường lách, các người mẫu Việt vẫn có thể quảng cáo sản phẩm may mặc cho các hãng thông qua nhiều hình thức, từ chụp ảnh bìa tạp chí cho đến bộ sưu tập, hoặc xuất hiện tại nhiều sự kiện lớn. Người mẫu hay nghệ sĩ càng nổi tiếng thì trị giá hợp đồng càng cao, đấy là tính riêng thị trường trong nước. Trong khi đó, người mẫu quảng cáo đồ gia dụng, đồ điện tử lại "dễ chịu" hơn với những cái tên hút khách như Thanh Hằng, Minh Hằng, Tóc Tiên...

Nếu trước kia, các công ty quảng cáo luôn phải đi tìm những ngôi sao nổi tiếng hoặc tổ chức thử vai để tìm diễn viên đóng quảng cáo thì nay, VNTM có thể giúp thị trường này sôi động hơn chăng?

Nhìn thấy được điểm mạnh của thị trường người mẫu quảng cáo trong nước, The Face phiên bản Việt ngay lập tức ra mắt khán giả trong năm nay. Tại Mỹ, vào năm 2013, The Face ra đời và mặc định là sân chơi mang tính thương mại rõ rệt: tất cả các thí sinh tham gia sẽ lần lượt thử sức với nhiều thương hiệu thời trang lớn. Người chiến thắng không phải là người có chiều cao vượt trội, khung xương theo tỷ lệ chuẩn, mà sở hữu một gương mặt hội đủ các yếu tố cần thiết để đại diện cho các nhãn hàng từ bình dân đến trung và cao cấp.

Việc Việt hóa The Face vào thời điểm này khá hợp lý, dù chưa biết chương trình thành công tới đâu và thế hệ người mẫu bước ra từ đây sẽ ra sao. Nhưng có điều chắc chắn rằng, chính VNTM và The Face phiên bản Việt đang vô tình đứng chung sân và cạnh tranh gay gắt để tìm cho mình nhân tố sở hữu nhan sắc có tính thương mại cao.

Khát nhân lực, khát thành công?

Chưa thể khẳng định sự tham gia của Hồ Ngọc Hà hay Phạm Hương trong The Face phiên bản Việt có thể cứu vớt chương trình nếu nó quá tệ hay không, nhưng nhìn vào bản gốc, The Face không phải là kẻ may mắn.

Đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất The Face là Công ty Truyền thông Oxygen, Mỹ. The Facehiện đã bán bản quyền cho 3 quốc gia Anh, Úc, Thái Lan, nhưng chỉ mỗi xứ sở chùa vàng thực hiện tiếp mùa 2 (vừa chiếu trên Channel 3 đầu năm nay), còn hai phiên bản Anh và Úc vì tỷ suất xem đài quá thấp nên buộc phải dừng thực hiện mùa 2. Khán giả ở các quốc gia này dường như không mấy hứng thú xem chuyện hậu trường của giới "chân dài", càng không bận tâm theo dõi các trận cãi vã giữa... 3 huấn luyện viên trên truyền hình.

Ngay tại Mỹ, 2 quán quân của The Face vẫn hoạt động cầm chừng như nhiều cô gái vô danh dù có "hồ sơ trong sạch" - yếu tố then chốt giúp họ thành công ở lĩnh vực quảng cáo. Nhưng nếu The Face phiên bản Việt tìm kiếm gương mặt đẹp và không tai tiếng (để đóng quảng cáo) thì không khác gì các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu. Và như vậy thì "đào" đâu ra thí sinh hằng năm?

Với VNTM, từ chuyện "mở cửa" cho thí sinh nam tham gia đến không ưu tiên chiều cao vừa thích nghi với thị hiếu, vừa "giải nhiệt cơn khát" nhân lực. Mỗi năm một mùa, không tính đến các cuộc thi nhan sắc khác, VNTM đang khan hiếm "chân dài" đến nỗi có những mùa thí sinh vào nhà chung sở hữu chiều cao thấp hơn tiêu chí đề ra.

Với tiêu chuẩn 1,5m, VNTM không chỉ thu hút thêm hàng ngàn thí sinh mà còn dễ dàng tìm thấy nhiều gương mặt đẹp nhưng "ẩn mình" vì không đủ chiều cao để tham gia. Liệu thành công có dễ dàng khi nhân tố thì ít mà cỗ máy khai thác lại quá nhiều?

>Ca sĩ “mất giá” thời truyền hình thực tế?

>Bài toán bảo vệ quyền trẻ em trong truyền hình thực tế

>Truyền hình thực tế: Thành công nhờ… phi thực tế?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thi người mẫu: Hết chiêu sẽ đến trò?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO