Sự "tiến hóa" của truyền hình thế giới

CHIÊU ANH| 09/12/2016 06:28

Truyền hình đã tác động đến sự thay đổi của thế giới. Ngoài văn hóa, nó còn thúc đẩy cải tiến kỹ thuật ở nhiếp ảnh, điện ảnh, thương mại, quảng cáo và cả internet.

Sự

Phát minh vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX chính là truyền hình. Qua từng giai đoạn, truyền hình đã tác động đến sự thay đổi của thế giới, ngoài văn hóa, nó còn thúc đẩy cải tiến kỹ thuật ở nhiếp ảnh, điện ảnh, thương mại, quảng cáo và cả internet.

Đọc E-paper

Thập niên 1930 - 1940: Khởi động

Tại Hội chợ Thế giới năm 1939, những chiếc tivi gia đình đầu tiên chính thức ra mắt. Khi ấy màn hình tivi chỉ có 12 inch, thùng tivi thì "khổng lồ", được niêm giá từ 400 - 500 USD, trong khi thu nhập bình quân của cả hộ gia đình ở Mỹ chỉ khoảng 1.300 USD/năm. Chương trình truyền hình rất nghèo nàn, thỉnh thoảng mới có vài chuyên mục như tin tức đặc biệt, quyền anh, bầu cử tổng thống... nên công chúng ít quan tâm.

Tiêu điểm trên tivi những năm 1940 chỉ toàn xoay quanh tin tức về Thế chiến II. Các nhà máy dừng sản xuất tivi để tập trung phát triển công nghệ radar. Nhưng chương trình truyền hình có vẻ lại khởi sắc, khi những mẩu quảng cáo đầu tiên xuất hiện và truyền hình trở thành công cụ khuyến khích mua trái phiếu, đóng góp cho quân đội, kêu gọi nhập ngũ.

Đến cuối thập niên này, lượng tivi tăng đáng kể với 2 loại: tivi âm tủ và tivi vặn nút. Chương trình truyền hình đa dạng hơn, bắt đầu có thể loại giải trí, đối thoại, phim ảnh, âm nhạc, trò chơi...

Chiếc tivi của những năm 1930

Giai đoạn 1950 - 1970: Thời hoàng kim

Thập niên 1950 là kỷ nguyên vàng của truyền hình Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, khi người dân chi nhiều hơn cho thiết bị gia dụng điện tử và giải trí.

Năm 1951, nước Mỹ có khoảng 8 triệu chiếc tivi. Vào cuối thập niên, một chiếc tivi đen trắng 21 inch giá 200 USD, tivi màu kích cỡ tương tự là gần 500 USD và tivi điều khiển từ xa ra đời.

Những chương trình truyền hình như I love Lucy (Tôi yêu Lucy), The Honeymooners (Cặp đôi trăng mật), Father knows best (Ông bố biết hết)... rất được yêu thích. Và xem tivi là cách để mọi người tụ họp, quây quần. Với các nhà quảng cáo, tivi đã giúp giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.

Ở thập niên 1960, xem tivi là một thói quen, sở thích, truyền thống của nhiều gia đình. Họ tiếp nhận tin tức trên truyền hình nhiều hơn báo chí. Chiếc tivi ngày càng trở nên nhỏ gọn và giá cả hợp lý hơn.

Nhiều chương trình truyền hình thu hút rất đông người xem, ví như có khoảng 75 triệu người xem ban nhạc The Beatles trình diễn trong chương trình The Ed Sullivan Show. Vào cuối thập niên, có khoảng 78 triệu chiếc tivi trên khắp nước Mỹ và 200 triệu chiếc trên toàn thế giới.

Ở thập niên 1970, sự cởi mở đã giúp nhiều chương trình phát sóng ban đêm dần phá vỡ các khuôn mẫu đạo đức. Trên màn ảnh nhỏ, hai vợ chồng có thể ngủ chung, hôn nhau hoặc trò chuyện thay vì kết thúc phân cảnh ở ban ngày, hay đâu đó ngoài phòng riêng. Các diễn viên nữ có thể mặc áo hở bụng mà không bị chỉ trích. Ngôn ngữ trên truyền hình thoải mái, thân thiện hơn. Nhà sản xuất cũng mạnh dạn khai thác và sử dụng ý tưởng mới.

hiều chương trình ra đời trở thành khuôn mẫu cho sau này, chẳng hạn như Sesame street (Phố vừng), thuộc thể loại giáo dục pha lẫn giải trí, cải thiện hiệu quả khả năng đọc, viết, kỹ năng phân biệt số học... được đón xem nhiều nhất và là chương trình thiếu nhi lâu đời nhất lịch sử truyền hình.

Truyền hình vệ tinh xuất hiện năm 1972 và tivi đen trắng ngừng sản xuất từ năm 1978.

Thập niên 1980 - 1990: Cải tiến công nghệ

Ở thập niên 1980, chiếc tivi không thay đổi, nhưng phụ kiện truyền hình lại tung hoành, đầu máy video (VCR) cùng các thiết bị giải trí tại gia ngày càng phổ biến. Ở Mỹ, người ta đua nhau sắm VCR, ngoài việc có thêm nhiều kênh giải trí còn dùng để thu lại các chương trình yêu thích.

Thể loại sitcom (hài kịch tình huống) rất được ưa chuộng và được sản xuất đại trà, phổ biến là The Cosby Show (Chương trình của Cosby), Married... with children (Kết hôn khi đã có con).

Truyền hình cáp dù có từ những năm 1950 nhưng đến thập niên này mới bùng nổ, song đa số người dân chưa biết đến.

Bước sang thập niên 1990, thế hệ máy tính cá nhân mới ra đời và internet đã nằm trong tầm tay của mọi gia đình, dù hình thức kết nối phổ biến vẫn là dial up (truy cập quay số), tốc độ truy cập chậm và thường xuyên "rớt mạng".

Một số công nghệ truyền hình như LCD, Plasma bắt đầu được thử nghiệm. Tivi màn hình CRT (nguyên lý ống tia điện tử) chiếm thị phần lớn trên thị trường. Tivi có thêm tính năng xem được nhiều kênh, hẹn giờ ngủ, chế độ phụ huynh kiểm soát con cái xem truyền hình. Nội dung trên truyền hình phóng khoáng hơn, nhiều chương trình độc quyền trên truyền hình cáp được ưa chuộng.

Một loạt phim truyền hình được yêu thích nhất mọi thời đại đã ra đời như: Friends (Những người bạn), Twin Peaks (Thị trấn Twin Peaks), The Simpsons (Gia đình Simpson).

Những năm 2000: Khán giả làm chủ tivi

Đầu DVD được phát minh rất sớm nhưng đến đầu thế kỷ XXI mới gây chú ý và trở thành thiết bị giải trí được ưa chuộng. Chỉ vài năm sau, 80% hộ gia đình có một đầu DVD, công nghệ màn hình LCD, Flasma mang đến hình ảnh đẹp hơn, kích thước màn hình lớn hơn, hộp tivi mỏng và gọn hơn, xóa luôn hình ảnh chiếc tivi to tướng kê đứng trên tủ. Sự kết hợp của DVD và màn hình phẳng đã chính thức tạo nên định nghĩa "đưa rạp chiếu bóng về nhà”.

Hãng Tivo tiên phong tung ra loại đầu thu tín hiệu video kỹ thuật số, từ đây khán giả thực sự làm chủ chiếc tivi của mình, có thể tạm dừng một chương trình phát sóng trực tiếp, ghi lại cùng lúc nhiều chương trình mà không cần mở đúng kênh... Tóm lại, họ muốn xem gì tùy ý, không phụ thuộc vào lịch phát sóng của nhà đài.

Truyền hình thực tế nở rộ, thỏa mãn mong muốn tương tác của khán giả thông qua tin nhắn và giá quảng cáo tăng chóng mặt, 30 giây quảng cáo trong American Idol (Thần tượng âm nhạc Mỹ) có mức thấp nhất là 750 ngàn đô la.

HD DVD, Blu-ray ra đời với hình ảnh sắc nét vượt trội. Truyền hình trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Đường truyền internet tốc độ cao ít nhiều thay đổi khái niệm về truyền hình, chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh là bất cứ ai cũng có thể phát sóng chương trình cá nhân, buộc các nhà đài phải giới thiệu các kênh truyền hình trực tuyến, theo yêu cầu...

Giờ đây, truyền hình không chỉ giúp người xem tiếp cận thế giới, thu thập thông tin, đa dạng phương thức giải trí, mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách nhỏ nhất của cuộc sống, từ kiểu tóc, trang phục, màu son đến cả việc mua bếp lò, màn cửa, hay một chiếc búa...

>3 phim truyền hình kinh phí thấp vẫn "làm nên chuyện"

>Khán giả truyền hình Anh Quốc đã "mắc bẫy" thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự "tiến hóa" của truyền hình thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO