Sự bắt chước hoàn hảo

V.LONG| 07/01/2010 08:30

Hồng Ánh - Nữ diễn viên chính xuất sắc Liên hoan Phim Việt Nam hai kỳ liên tiếp thêm một lần nữa đăng quang ở LHP Việt Nam lần thứ 16 với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc...

Sự bắt chước hoàn hảo

Hồng Ánh - Nữ diễn viên chính xuất sắc Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam hai kỳ liên tiếp (13 và 14) thêm một lần nữa đăng quang ở LHP Việt Nam lần thứ 16 với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong bộ phim truyện nhựa Trái tim bé bỏng của đạo diễn Thanh Vân.

Vào vai một người đàn bà nghèo vùng biển buôn thúng bán mẹt, dù chỉ là vai phụ và xuất hiện không nhiều, nhưng “đánh dấu sự thay đổi tuyệt đối của Hồng Ánh”, như lời đạo diễn Thanh Vân nhận xét, sau những vai diễn làm nên tên tuổi của cô trong các phim Cầu thang tối, Đời cát, Người đàn bà mộng du, Thung lũng hoang vắng…

Nhận vai “chữa cháy”

Thoạt trông Ánh xuất hiện trên phim, bên bốn đứa con sàn sàn tuổi nhau mà đứa lớn đã 17 tuổi, có người giật mình vì Ánh trông trẻ hơn nhân vật cô thủ vai. Nhưng rồi người xem bị hút vào vẻ lam lũ, xốc vác và hình ảnh “thân tàn ma dại” của người đàn bà uống rượu, hút thuốc.

Hồng Ánh trong phm Trái tim bé bỏng

Điều thú vị là khi 22 tuổi, Ánh làm mẹ của cô bé Gianh 12 tuổi trong Đời cát, thì bảy năm sau, ở tuổi 29, cô làm mẹ của Mai, 17 tuổi. Gianh và Mai đều do Lan Hà thủ diễn. Ánh thú thật, trong ý nghĩ ban đầu của cô, Cháy sẽ do người lớn tuổi hơn cô đảm nhiệm. Việc chọn diễn viên đã “đâu vào đó”. Song, do lịch quay dời hoãn, diễn viên không bố trí kịp thời gian nên cô đành “thế chân”.

Tên của nhân vật là Cháy, nhưng cái tên này chỉ xuất hiện trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trên phim, chồng và con gọi Cháy theo cách của người Quảng Bình là “mạ”. Thế nên, xem phim chẳng ai nhớ tên nhân vật Ánh đóng. Nhưng người xem nhớ cô là mẹ của Mai - nhân vật chính với hành trình đầy bi cực từ làng quê nghèo lên thành phố tìm việc làm, rồi rơi vào “lầu xanh” và nhiễm HIV/AIDS.

Họ nhớ rất kỹ hết thảy ba lần người đàn bà ấy uống rượu suông và cũng ngần ấy lần ngồi rít thuốc một mình. Khán giả nhớ kỹ như vậy là nhờ khả năng khắc họa chân dung nhân vật rõ nét của Hồng Ánh. Cái nghèo; sự phụ bạc của chồng; nỗi bất lực, cùng quẫn của người mẹ rất mực thương con trước những khao khát và ước muốn đổi đời của con gái đến tuổi trưởng thành. Tất cả đều dồn cả vào những hình ảnh “đắt giá” ấy trong diễn xuất thuyết phục của Hồng Ánh.

Trong kịch bản, Cháy xuất hiện khá mờ nhạt qua hình ảnh bà mẹ lam lũ và chịu đựng. Cháy khóc lóc và than thở khi chồng ngoại tình, nhưng Cháy trong phim lại “vùng lên” chửi té tát vào mặt chồng và nằm lăn ra uống rượu khi biết chồng léng phéng. Cả lúc anh ta rầu rĩ nhận lỗi, Cháy chỉ ực một hơi rượu và thét trong cổ họng: “Im đi!”. Ấn tượng hơn cả có lẽ là dáng vẻ liêu xiêu của Cháy tìm đến nhà thím Tư giữa đêm khuya, trong cơn say để hỏi cho ra lẽ "Mai vào Nam làm gì". Thím Tư giận dữ không trả lời, nên Cháy nhất quyết ngồi ngoài cửa và đốt thuốc cho đến sáng...

Bắt chước từ những quan sát tinh tế và khổ luyện

“Ánh muốn tạo hình khác cho nhân vật và tìm tòi cái mới trong cách thể hiện để không lặp lại các vai diễn trước đây”, Ánh tâm sự. Ánh nói rằng, cô đã gặp những bà mẹ 17, 18 tuổi, một nách ba, bốn đứa con, đứa lớn nhất bốn, năm tuổi ở Quảng Bình, những phụ nữ miền Trung lao động cực nhọc hơn đàn ông và trở thành trụ cột trong gia đình.

Có người uống rượu nhiều, hút thuốc lá triền miên đến mức môi thâm và răng vàng ố. Ánh quan sát kỹ và nhận ra, đó là thứ rượu rẻ tiền để giải tỏa nỗi buồn và lúc uống rượu, họ thường ít nói. Những con người này tính khí thường hơi thô, cục nhưng sức chịu đựng dẻo dai, xốc vác và thương con hết mực. Mỗi khi con cái gặp rắc rối, họ luôn đứng ra che chở, bênh vực giống như gà mẹ xù lông bảo vệ gà con. Hỏi Ánh thâm nhập thực tế đến mức nào để diễn những cảnh say rượu và hút thuốc y như thật, Ánh cười nhẹ nhàng: “Diễn viên là nghề bắt chước mà”.

Hình ảnh bà Cháy bước phăm phăm trên cát thì rõ ràng không phải là bắt chước mà được. Ánh bảo, cô đã quen với cát trắng nóng bỏng ở Quảng Bình từ hồi làm phim Đời cát. Ngoài diễn xuất, công việc của một phó đạo diễn suốt gần một tháng ở Quảng Bình khiến cô phải chạy tới chạy lui hoài, nên không cần thức dậy mỗi sáng tập chạy trên cát, hay tập nhúng đôi chân vào lớp cát bỏng giẫy giữa trưa nắng như bài tập mà đạo diễn áp dụng với một số diễn viên trẻ.

Ánh kể, cảnh Cháy vác chiếc tivi mua bằng tiền Mai gửi về, đạo diễn muốn tạo hình ảnh ấn tượng nên Ánh phải vác tivi đi từ chân trảng cát ngược lên đỉnh dốc. Cảnh chấm đỏ của chiếc tivi hiện dần trên nền chân trời và nhấp nhô cùng với bước chân Cháy vừa đi vừa chạy cho đến lúc bóng Cháy đổ lênh khênh trên cát cùng cảnh lũ trẻ hò reo chạy theo quả thật rất “đắt”.

Leo dốc cát Ánh không ngại, nhưng phải đi với tốc độ vừa phải để đám trẻ con có thể theo kịp nên cảnh này phải quay đến hai lần. “Cũng may, suốt những ngày quay, “phó đạo diễn” mang vác đồ quen rồi”, Ánh cười.

Khi được hỏi: “Đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai diễn này sau nhiều lần đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc (ở LHP Việt Nam lần thứ 13: vai Tâm trong Đời cát và Giao trong Thung lũng hoang vắng; ở LHP Việt Nam lần thứ 14: vai Quỳ trong Người đàn bà mộng du; ở LHP quốc tế Dubai và Cánh diều Vàng 2008: vai cô giáo Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng), Ánh... có buồn không?”, Ánh cười lớn: “Ánh không phân biệt vai chính hay vai phụ, đôi khi vai phụ xuất hiện có chút xíu mà mang lại hiệu quả hơn vai chính. Bản thân vai phụ không có nhiều đất diễn, nên được khán giả nhớ đến và còn có giải thì còn gì bằng!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự bắt chước hoàn hảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO