Sân khấu kịch chật vật từng đêm diễn

HOÀNG LINH LAN| 08/05/2014 01:09

Ít ai biết để ánh đèn sân khấu sáng bừng từng đêm, nhiều sân khấu kịch phải chạy vạy địa điểm cho từng suất diễn, chứ chưa biết ngày mai sẽ ra sao...

Sân khấu kịch chật vật từng đêm diễn

Ít ai biết để ánh đèn sân khấu sáng bừng từng đêm, nhiều sân khấu kịch phải chạy vạy địa điểm cho từng suất diễn, chứ chưa biết ngày mai sẽ ra sao...

>Xem kịch, thấy đời

Thấp thỏm tìm điểm diễn

"An cư lạc nghiệp" - câu này đúng với tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm về địa điểm của các sân khấu kịch tư nhân tại Sài Gòn. Hiện có khoảng 9 sân khấu kịch tư nhân sáng đèn thường xuyên là: Kịch Sài Gòn, IDECAF, Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, Kịch Phú Nhuận, Thế Giới Trẻ (Sài Gòn Phẳng), Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Thuần Việt, Sao Minh Béo và một cà phê diễn kịch.

Hầu hết mặt bằng của các sân khấu này là thuê lại từ các trung tâm văn hóa hoặc nhà thiếu nhi. Do thời gian thuê ngắn hạn nên các sân khấu này thường hoạt động không ổn định, tạm bợ hoặc xuống cấp trầm trọng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến sau một thời gian, khán giả đến với sân khấu giảm trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới hấp dẫn hơn.

Ví dụ điển hình là trường hợp của sân khấu kịch tạp kỹ Sao Minh Béo. Ban đầu, nghệ sĩ Minh Béo có ý định thuê lại rạp Vườn Lài (Q.10). Được hứa cho thuê trong thời gian 10 năm, nghệ sĩ này mạnh dạn đầu tư sửa chữa. Tuy nhiên, sau một vài lùm xùm về mặt bằng, nhắm xoay không nổi thu chi, Minh Béo đành lắc đầu "bỏ của chạy lấy người".

Hiện tại, dù đã tạm ổn khi đóng quân tại Trung tâm Văn hóa Q.11 nhưng Minh Béo vẫn phải liên tục bù lỗ để kéo khán giả và trả lương cho nhân viên. Ngay cả các sân khấu có lượng khách ổn định như Kịch Phú Nhuận hay 5B cũng rơi vào tình trạng hạ tầng xuống cấp do không có đầu tư mới vì thu không đủ bù chi.

Được biết, chi phí thuê sân khấu trung bình khoảng 5 triệu đồng/suất/đêm hoặc gần 100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các sân khấu còn chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, thuế VAT trên đầu vé là 10%, thuế thu nhập cá nhân...

Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đang trong tình trạng đứng ngồi không yên khi tháng 11 này phải trả lại địa điểm cho Nhà thiếu nhi Q.3 mà vẫn chưa tìm được địa điểm mới. Nghệ sĩ Ái Như, quản lý Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, đã đôn đáo tìm kiếm mặt bằng mới, thậm chí tìm đến những nhà kho cũ nhưng vẫn chưa tìm được địa điểm ưng ý. Trong 4 năm hoạt động, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã ra mắt công chúng 28 vở diễn chất lượng, nhưng hầu hết các vở chỉ dừng ở mức độ hòa vốn là may.

Lo lắng của nghệ sĩ Ái Như cũng là mối lo chung của nhiều sân khấu kịch. Bởi chỉ riêng chuyện địa điểm, họ phải cân nhắc, tính toán rất nhiều thứ: từ diện tích, đầu tư trang thiết bị, số lượng ghế, bãi giữ xe và cả sự thuận tiện về đường sá...

Đứng trước khó khăn chung, một số đại diện của các sân khấu kịch đã gặp gỡ đại diện của Hội đồng Nhân dân TP.HCM cũng như các ban, ngành liên quan với mong muốn tìm được sự hỗ trợ. Tuy nhiên, đa phần đều thừa nhận đây chỉ là hành động "cầu may" chứ chưa dám hy vọng có ngay giải pháp giúp đỡ kịp thời.

Cơm áo không đùa với kịch nghệ

Trước đây, khoảng một tháng trước khi vở lên sàn tập, các sân khấu phải xếp lịch với nghệ sĩ, còn bây giờ, thời gian có thể kéo dài một tháng rưỡi hoặc hơn. Nhiều quản lý sân khấu kịch nói vui: "Bây giờ là thời sân khấu phải chạy theo lịch của diễn viên". Bởi ngoài chất lượng vở diễn, mỗi sân khấu còn cần khoảng 4 - 5 gương mặt đủ nổi tiếng để thu hút khán giả.

Chẳng hạn, IDECAF có NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Đại Nghĩa, Lê Khánh; 5B có NSƯT Việt Anh, Công Ninh, Cát Tường, Mỹ Uyên; Hoàng Thái Thanh có Ái Như, Thành Hội, Thanh Thủy, Tuyết Thu, Hồng Ánh; Kịch Phú Nhuận có NSND Hồng Vân, Minh Nhí, Anh Vũ, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Hữu Nghĩa...

Nhưng so với mặt bằng thù lao chung của nhiều loại hình nghệ thuật hiện nay thì thù lao của diễn viên kịch thuộc loại "hẩm hiu". Ngay cả những "ngôi sao" như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Công Ninh... thù lao cũng chỉ khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng hoặc nhỉnh hơn một chút cho một suất diễn kéo dài 3 tiếng đồng hồ. "Nếu diễn đều đặn 2, 3 suất vào mỗi cuối tuần, trừ đi chi phí trang điểm, áo quần, đi lại, thuế thu nhập cá nhân... thì cuộc sống vẫn khá chật vật", một nghệ sĩ than thở.

Để đảm bảo cuộc sống, đa phần diễn viên kịch đều bươn chải chạy sô ở các tụ điểm hài, hay nhảy qua đóng phim, kịch truyền hình, làm người dẫn chương trình, giám khảo hay tham gia các sự kiện. Thực tế, hiện nay rất ít nghệ sĩ ở TP.HCM sống được nếu chỉ dựa vào thù lao đóng kịch. Và nếu họ bớt mặn mà với sân khấu cũng là điều dễ hiểu.

Đồng cảm với điều này, nghệ sĩ Ái Như cho biết: "Mình không thể đòi hỏi diễn viên phải bám trụ với sân khấu kịch khi cuộc sống của họ ở đây không được đảm bảo. Cho nên, mỗi lần lên vở mới, Hoàng Thái Thanh phải mất rất nhiều thời gian để xếp lịch mời diễn viên. Điều này khiến chúng tôi càng lúc càng bị động về kế hoạch biểu diễn". Chưa kể trường hợp một số diễn viên cả ngày ở ngoài phim trường, tối về sân khấu rơi vào tình trạng hết "năng lượng", khó có thể toàn tâm toàn ý vào vai diễn.

Để chủ động về lực lượng diễn viên, nhiều sân khấu chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ nhưng hầu như rất ít diễn viên trụ lại được. Thành ra chỉ có nghệ sĩ thực sự tâm huyết với sân khấu mới bám trụ mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sân khấu kịch chật vật từng đêm diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO