Sân khấu hài TP.HCM: Cười chát

PHƯƠNG QUYÊN| 27/11/2009 00:13

Thiếu đầu tư và thiếu cả đội ngũ viết kịch bản, sân khấu hài đang trong tình trạng "gặm mòn chính mình" để tồn tại.

Sân khấu hài TP.HCM: Cười chát

Thiếu đầu tư và thiếu cả đội ngũ viết kịch bản, sân khấu hài đang trong tình trạng "gặm mòn chính mình" để tồn tại.

Xích lô tuổi 20

Trong khi sân khấu chính kịch đóng cửa, nghỉ một ngày sau những ngày cuối tuần đón khán giả kín rạp, thì sân khấu hài kịch ngày nào cũng sáng đèn. Nghịch lý là ngay cả rạp Nam Quang hay sân khấu 135 Hai Bà Trưng vốn là những tụ điểm tấu hài nổi tiếng của TP.HCM, trừ những ngày cuối tuần, lượng vé bán ra chỉ bằng 25% công suất phục vụ của rạp.

Có mặt tại sân khấu hài 135 vào những ngày đầu tuần, mới hiểu vì sao khán giả lại lèo tèo như vậy. Tiếng cười nơi đây đã không còn rộn ràng như trước. Điểm qua tám kịch bản cho một đêm diễn, có thể thấy Xích lô, Kén rể, Gậy ông đập lưng ông... đều là những vở tấu hài đã có mặt trong chương trình truyền hình "gala cười" từ ba, bốn năm về trước.

Đã phổ biến trên truyền hình, băng đĩa..., nên những tiểu tiết của kịch bản, khán giả hầu như thuộc lòng. Họa hoằn lắm mới có mẩu đối thoại lạ, gây được sự bất ngờ nơi khán giả. Đạo diễn Lê Văn Thảo tiết lộ: “Hầu hết kịch bản tấu hài hiện nay đều rất cũ, tồn tại từ bốn, năm năm qua”. Trong đó, điển hình là Xích lô của Phước Sang, "tuổi thọ" đã lên đến hơn 20 năm.

Tình hình tại các sân khấu hài khác cũng tương tự. Các cây cười được ưu ái gọi là "danh hài" ngày nào giờ vẫn “trung thành” trình diễn kịch bản có mô-típ cũ như người cha bị người yêu của con mình quyến rũ, moi tiền mà không biết; người già đối đáp, thách đố người trẻ ca hát để được quyền lấy chồng/vợ; các nhân vật trong nhà thương điên bày trò, khám bệnh cho nhau...

Tiếng cười hiện nay chủ yếu được gây bằng hình thể. Danh hài Hồng Tơ mặc áo đầm, để râu; danh hài Lê Quốc Nam mặc áo dài, khăn đóng với quần tây; nghệ sĩ Minh Béo với hình thể ục ịch; nghệ sĩ Sơn Tùng với dáng đi giống king kong... Với các diễn viên trẻ, cách ăn mặc lòe loẹt, phục sức hoa lá rườm rà, vẽ thêm chi tiết quái dị lên mặt... còn phổ biến hơn.

“Để một tiết mục tấu hài sống được là điều cực khó. Mỗi phút đều phải có một điểm nhấn để gây cười, nên trước khi đem ra trình diễn, các nhóm đều phải ra vùng ven, diễn thử một tuần để xem tiết mục của mình có được đón nhận hay không”, đạo diễn Lê Văn Thảo cho biết. Chọn lọc và đào thải khốc liệt như vậy, nhưng mỗi nhóm hài cũng chỉ có vài “chiêu” gây cười, nên cho ra đời cả một kịch bản hoàn chỉnh, có độ dài từ 10 - 12 phút là điều không đơn giản.

Sân khấu chợ chiều

Túng kịch bản nên tình trạng các nghệ sĩ ăn cắp bản quyền lẫn nhau ngày càng trầm trọng. Một nghệ sĩ hài kể lại, lần đó, nhóm hài của anh lưu diễn ở Cần Thơ. Tấu đáp suốt 10 phút mà khán giả chỉ cười “lai rai” dù nhóm đã chọn kịch bản hấp dẫn nhất của mình. “Hỏi ra mới biết, đêm trước, nhóm hài của tỉnh nhà đã bắt chước y hệt kịch bản của mình, diễn trước”, anh ấm ức. Phổ biến hơn là tình trạng ăn cắp mảng miếng của nhau theo kiểu “cũ người mới ta” để diễn. Tuy nhiên, cách làm mới này của các nhóm hài vẫn không thể làm khán giả hài lòng.

Không có cái mới, đặc sắc để hấp dẫn khán giả, tấu hài đương nhiên lâm vào cảnh chợ chiều. “Tấu hài bây giờ hết thời rồi”, nghệ sĩ Anh Vũ nhận định. Vì vậy, hầu hết nghệ sĩ hài nổi tiếng hiện nay đều chọn đường khác, trong đó, phổ biến nhất là đầu quân về các sân khấu chính kịch như một giải pháp an toàn. Điển hình như Tiết Cương, Anh Vũ, Minh Nhí... đầu quân về Kịch Phú Nhuận. Nghệ sĩ Trung Dân đầu tư mở sân khấu Trẻ diễn chính kịch. Đây chính là giải pháp an toàn, đảm bảo thu nhập vì muốn có được thù lao tương đương mỗi đêm diễn hài trước đây, ngoài các sân khấu hài, các nghệ sĩ phải chạy sô diễn ké các sân khấu ca nhạc, bar...

Vậy là, sân khấu hài chỉ còn lại khoảng 60 nhóm hài đang hoạt động tại TP.HCM. Thừa duyên dáng nhưng thiếu khả năng sáng tác, các nhóm hài này đang loay hoay trong lĩnh vực của mình. “Chúng tôi sẵn sàng mua kịch bản” là câu nói mà hầu hết nghệ sĩ đưa ra khi bàn về kịch bản. Đáng tiếc, trong bối cảnh đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp không có như hiện nay, các nghệ sĩ hài sẽ khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của các kịch bản cũ, nếu không tự vận động, đầu tư để làm mới mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sân khấu hài TP.HCM: Cười chát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO