Rời chốn nhân gian như trên đường trở về

NS Bạch Tuyết| 06/07/2009 07:13

0g30 phút ngày 5/7/2009, NSND Phùng Há đã từ giã cõi trần, hưởng thọ 99 tuổi. Trong giờ phút bối rối với bao tâm sự và thương nhớ, Cải lương chi bảo Bạch Tuyết đã nhớ NSND Phùng Há với bao kỉ niệm...

Rời chốn nhân gian như trên đường trở về

0g30 phút ngày 5/7/2009, NSND Phùng Há đã từ giã cõi trần, hưởng thọ 99 tuổi. Trong giờ phút bối rối với bao tâm sự và thương nhớ, Cải lương chi bảo Bạch Tuyết đã nhớ NSND Phùng Há với bao kỉ niệm...

NS Bạch Tuyết mừng thọ bà Phùng Há 99 tuổi bà

Những dịp hiếm hoi, khi tôi gác lại mọi công việc đón bà qua nhà hoặc chạy lên chùa Nghệ sĩ, hai thầy trò cười đùa rồi sắm vai những tuồng xưa vở cũ. Thầy là Lữ Bố uy dũng, trò là Điêu Thuyền lả lướt; thầy là Võ Minh Thành, trò là cô Lựu... cả hai tung tung hứng hứng. Bà điệu nghệ và lịch lãm lạ thường, không chỉ trong điệu bộ, dáng vẻ mà cả ánh mắt, bờ vai.

Trừ vai Nữ trạng sư trong video Đoạn tuyệt, tôi và bà chưa một lần cùng xuất hiện trên sàn diễn vì khi tôi vào nghề thì bà đã là nghệ sĩ bậc thầy, chuyên chỉ đạo nghệ thuật và đảm nhận công việc truyền nghề cho các đoàn hát lớn.

Nhưng chỉ cần thế này thôi, trong chốn riêng tư này, không phấn không son, không đèn không kiệu, không đàn không trống, chỉ duy nhất một niềm cảm hứng cao trào làm tan chảy mọi mỏi mệt, già nua để sống lại tuổi thanh xuân của nghệ thuật.

Bất giác, tôi nắm tay bà như thể sợ tuột mất, hỏi: “Má có sợ chết không hả má ?”. Bà cười, cũng nắm lấy tay tôi: “Má sống tới giờ này là đủ lắm rồi con… Miễn sao khi sống thì được sống vui, nhẹ nhàng thôi con hả…” Nặng lòng với nghề, bà thỉnh thoảng gọi để “trút” nỗi niềm với tôi “sao hồi này tụi nhỏ ca ít, nói nhiều, làm biếng ca quá con ơi.Ra bộ tay chân cũng không phải nữa. Hát vậy là có tội với khán giả lắm”.
Có những bài học vỡ lòng gần nửa thế kỷ trước mà học cả đời, tôi vẫn không sao thấu hiểu.

Bà bảo: “Con làm đào thương, chỉ mỗi động tác đưa cánh tay ra thôi thì cũng phải học để làm sao khán giả ngồi xem mà muốn chạy đến để nâng niu lấy nó. Diễn xuất tâm trạng bi thương, gương mặt con chỉ mới thoáng buồn thì khán giả đã khóc chứ không phải con khóc đầm đìa rồi mà khán giả vẫn… ráo hoảnh tỉnh bơ thì xem như về kiếm nghề khác”.

Cách tuyển học trò của bà cũng…lạ đời. Xin bà học nghề, điều đầu tiên bà bảo ca bài bản, nói lối, chứ không phải vọng cổ. Không bài bản, không biết nói lối để trau chuốt tiếng Việt cho tròn vành rõ chữ bà khuyên nên đi học nghề khác. Tôi nằm lòng điều này. Xuống hò dứt câu vọng cổ ngọt ngào, ấy thế là tạo nên một giấc mơ thành nghệ sĩ cải lương; trong khi linh hồn của âm nhạc cải lương còn chất chứa trong biết bao nhiêu bài bản giàu có, phong phú khác.

Nếu NSƯT Kim Cúc (vợ của NSND Nguyễn Thành Châu) thiên về tính mô phạm với những nguyên lý sáng tạo thuộc về khuôn vàng thước ngọc thì NSND Phùng Há lại trao cho các học trò sự bay bổng, phá cách. Dưới sự chỉ dắt của hai nữ nghệ sĩ bậc thầy này, tôi lẫn NSƯT Ngọc Giàu khi vào Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga hay Thúy Kiều và Hoạn Thư đều tự hào để được “trả bài” với hai người thầy khả kính của mình.

Nặng tình với người, ở tuổi 99, khi nhắc lại tình xưa nghĩa cũ, bà lại ngoái nhìn ra phía mảnh vườn, nơi còn lưu lại khoảng trống của di hài người bạn tri âm. Tôi nghe con cháu của bà kể, sau khi gia đình cải táng mộ phần của NSND Năm Châu về chùa nhà, chiều nào, cô Bảy cũng đi dạo một vòng quanh nghĩa trang Nghệ sĩ, ngang phần mộ của ông Năm trước đây, bà chậm bước rồi thở dài. Bà cũng ít ngủ hơn.

Còn nhớ, đôi lần bà tự trách cứ cái số của mình: “Lạ lùng cái là, khi tui có chồng thì ông không vợ; khi ông có vợ thì tui cũng mới thôi chồng nên cứ đi so le vậy hoài, làm sao gặp được !” Hơi hám ngặt lắm rồi nhưng nhắc về ông Năm, bà lại khe khẽ ca mấy câu trong 20 câu ông Năm viết giúi gởi riêng cho bà cái ngày ông biết bà vừa thôi chồng…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó CT UBND TP.HCM tặng khánh mừng thọ NSND Phùng Há

Cũng phải hơn hai mươi năm sau cái ngày chia tay ấy, ngay trước giờ ông Năm nhắm mắt, bà đã không còn giữ nổi lòng mình. “Anh nghe tui nói đây anh Năm, không phải tụi phụ anh, tui thương anh nhiều lắm, anh nghe không anh Năm…” Hai giọt nước trào ra nơi khóe mắt, bà bảo, vậy là sau cùng ổng cũng hiểu lòng tui, may mà má kịp nói ra chứ không ăn năn cho tới giờ đó con…

Rồi bà đúc kết: “Làm nghệ sĩ, khán giả đang thương mình trên sân khấu. Bỗng dưng mình đi thương đi lấy chồng của người khác, có phải là mang tội với khán giả không. Thôi thà chịu buồn chịu cô độc một chút con ạ…” Tôi không biết đó là lời tâm sự riêng mang của bà hay cũng là một phần số phận của bất kỳ người nghệ sĩ đa đoan nào…

Đêm nay, quá mười hai giờ, như mọi lần, bà vẫn ngủ trễ, thói quen của nghề hát mà. Nhưng khác với mọi hôm, bà không trở mình để lục lọi phấn son, xiêm áo, bà đã lặng lẽ chìm sâu vào giấc ngủ của đời mình.

Thủy, cháu gái của bà bảo: “Ngoại đi ngay trên xe cô Ba ơi, nhẹ nhàng lắm…” Đời ca nữ, có khi thay đổi xiêm y trên xe, ngủ vội vàng dưới bến, ăn lót dạ trước giờ diễn cũng trên thuyền, và nay, rời chốn nhân gian cũng như đang trên đường trở về…

Nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo. Bà sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, TP Mỹ Tho, Tiền Giang.

Vai diễn đầu tiên do Phùng Há thể hiện khi mới 13 tuổi là vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ quy châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Từ năm 14 tuổi, Phùng Há bắt đầu hát vai chính với nhiều dạng nhân vật khác nhau từ bi đến hài và cả những vai kép võ.

Vai đào chính đầu tiên Phùng Há đảm nhận là nàng Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Sau này, bà còn thủ vai chính trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như Tái sanh duyên, Mổ tim Tỷ cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Tình sử Dương Quý Phi, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân...

Ngoài ra, NSND Phùng Há còn tham gia giảng dạy tại khoa Diễn viên cải lương, trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1963. Học trò của bà sau này đều là các nghệ sĩ ưu tú như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa...

Sau ngày miền Nam giải phóng, Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo các nghệ sĩ thế hệ sau như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng...

Khi về già, nghệ sĩ Phùng Há lại là người tổ chức sáng lập nên chùa Nghệ sĩ, nghĩa trang Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp và Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP HCM để chăm lo cho đời sống của các nghệ sĩ tuổi cao, sức yếu, không nơi nương tựa.

Không những có nhiều đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật cải lương Nam Bộ, bà còn là người có tấm lòng nhân hậu cao đẹp. Tuổi đã già, tóc bạc trắng như cước nhưng trong những năm tháng cuối đời, nữ nghệ sĩ vẫn nhiều lần tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo.

14g ngày 5/7, lễ nhập quan của NSND Phùng Há được tổ chức tại chùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp, TP HCM. 18g cùng ngày, lễ viếng được bắt đầu tại nhà tang lễ thành phố. 10g ngày 8/7, linh cữu nghệ sĩ Phùng Há được đưa về chùa Nghệ sĩ để tổ chức lễ truy điệu vào 7g sáng ngày 10/7. Sau đó, thi hài bà sẽ được an táng tại nghĩa trang Nghệ sĩ,quận Gò Vấp, TP HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rời chốn nhân gian như trên đường trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO