Phim truyền hình Việt: "Lép vế” trên sân nhà?

HOÀNG HOÀI PHƯƠNG| 22/07/2015 06:54

Hiệu ứng khán giả từ bộ phim truyền hình Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ một lần nữa khiến các nhà làm phim Việt Nam phải nhìn lại sự kém sức sống và thiếu sức hút của các bộ phim truyền hình nước nhà.

Phim truyền hình Việt:

Hiệu ứng khán giả từ bộ phim truyền hình Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ một lần nữa khiến các nhà làm phim Việt Nam phải nhìn lại sự kém sức sống và thiếu sức hút của các bộ phim truyền hình nước nhà.

Đọc E-paper

Những ngày gần đây, bộ phim truyền hình Ấn Độ Cô dâu 8 tuổi đang trở thành tâm điểm bàn luận của các trang mạng bởi độ dài lê thê của nó. Song, thực tế cho thấy, đối tượng "chê” Cô dâu 8 tuổi và đối tượng xem phim hoàn toàn khác nhau. Nói như biên kịch Huỳnh Tuấn Anh, rating là yếu tố cần bàn đến trước tiên khi quyết định chiếu một bộ phim trên sóng truyền hình, và nếu lượt xem thấp thì nhà đài ngừng phát sóng.

Trước Cô dâu 8 tuổi, nhà đài đã phát sóng hàng loạt phim truyền hình nước ngoài có độ dài lên đến hàng trăm tập như: Vợ tôi là cảnh sát (phim Ấn, 1.077 tập), Mối tình kỳ lạ (phim Ấn, 398 tập), Đời sống chợ đêm (phim Đài Loan, 820 tập, 3 phần), Khi người ta yêu (phim Đài Loan, 711 tập)... Những bộ phim này được khán giả hào hứng đón xem mỗi ngày, và trở thành đề tài bàn luận của cánh phụ nữ mọi lúc, mọi nơi.

Hiệu ứng khán giả là điều hầu như bất cứ nhà làm phim điện ảnh hay truyền hình nào cũng đều mong muốn. Bởi, nhà sản xuất nào cũng cần quảng cáo để thu hồi vốn. Điều này gợi nhớ đến một thời vàng son của phim truyền hình Việt Nam với hàng loạt phim đi sâu vào đời sống của người xem: Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Miền đất phúc... Sau này có Hướng nghiệp, Bỗng dưng muốn khóc, Cổng mặt trời... Tuy nhiên, số lượng phim khiến khán giả phải "bàn ra tán vào" như trên ngày càng ít dần.

Theo số liệu thống kê của Phòng Khai thác phim truyện, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), số lượng phim Việt phát sóng so với phim nước ngoài trên truyền hình Việt trong năm 2014 ngang ngửa ở mức 30 - 30.

Trong nửa đầu năm 2015, phim Việt có phần nhỉnh hơn với tỷ lệ 15 - 13. Hầu hết các đài, từ truyền hình quốc gia đến địa phương, đều có khung giờ vàng dành cho phim Việt (từ 20g - 21g). Rõ ràng, "hụt hơi" ở đây không nằm ở số tập phim, số lượng phim, khung giờ phát sóng mà thuộc về chất lượng của mỗi bộ phim. "Giờ vàng phim Việt" bên cạnh ưu tiên và tạo điều kiện cho phim Việt "trăm hoa đua nở" thì mặt trái của nó là làm nảy sinh sự dễ dãi dẫn đến hiện trạng làm cho có, cho kịp chỉ tiêu, cho đủ giờ phát sóng. Kết quả là không ít bộ phim ăn xổi, kém chất lượng được trình chiếu.

Nguyên nhân chính khiến phim truyền hình Việt "èo uột" là sự hiếm hoi kịch bản hay, gần gũi, dễ xem nhưng vẫn có nút thắt, có bối cảnh, nội dung lôi cuốn để giữ khán giả xem đến tập cuối cùng. Cô dâu 8 tuổi và nhiều phim dài tập của nước ngoài từng lên sóng truyền hình Việt cho thấy cái hay của họ là "kéo" khán giả vào mê cung của câu chuyện, tạo được những nút thắt, mở và kịch tính đúng lúc.

Chỉ cần nhìn vào một phương diện là cái kết ở mỗi tập phim sẽ thấy trong khi khán giả hồi hộp chờ đợi để xem các tập tiếp theo của phim nước ngoài thì với phim Việt, kết thúc phim khiến khán giả có thể xem hoặc không xem tiếp, hoặc quá dễ để đoán biết nội dung của tập tiếp theo", cây bút bình phim Tuấn Nguyễn cho biết. Nói như vậy không có nghĩa phim truyền hình Việt không có kịch bản hay, nhưng thiếu đầu tư vào kịch bản là điều khiến nhiều hãng phim khủng hoảng!

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhất là khi so sánh với những quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, nhưng trong bối cảnh "chợ chiều" của phim Việt như hiện nay thì rõ ràng phim Việt đang hụt hơi trong cuộc đua với phim ngoại.

Bởi, ở Việt Nam, kinh phí làm một bộ phim truyền hình khoảng từ 80 - 120 triệu đồng một tập là đã bao gồm tất cả các chi phí cho đoàn phim (trang phục diễn viên tự xoay xở), chưa kể bị bớt xén vì nhiều lý do. Để kịp tiến độ của nhà đài, và để diễn viên có thể chạy show sang phim khác, các nhà làm phim thường quay gói gọn kiểu 1 ngày 1 tập phim, có đoàn 2 ngày 3 tập phim! Với tốc độ đó, chất lượng phim, chất lượng diễn xuất của diễn viên sẽ như thế nào?

"Nhiều khi mình cũng muốn đào sâu, nghiên cứu nhân vật để diễn xuất cho tốt nhưng cứ quay cuốn chiếu kiểu như vậy, mình chậm lại thì ảnh hưởng tới guồng quay của cả đoàn, tới tiến độ của nhà sản xuất...", diễn viên Lương Thế Thành chia sẻ.

>Phim Việt vẫn nhiều người xem

>Siêu lừa Madoff được dựng thành phim

>Làm phim cấp tốc

>Phim kinh dị lên ngôi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim truyền hình Việt: "Lép vế” trên sân nhà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO