Phía sau sự phát triển thần kỳ của điện ảnh Hàn - Kỳ 1

Hồng Như| 11/03/2020 07:00

Từ một quốc gia có nền điện ảnh ì ạch, phụ thuộc phim Hollywood, điện ảnh Hàn trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ mang về hàng tỷ USD mà còn vươn ra thị trường thế giới và gặt hái nhiều danh tiếng. Đâu là lý do làm nên sự nhảy vọt thần kỳ này?

Phía sau sự phát triển thần kỳ của điện ảnh Hàn - Kỳ 1

Kỳ 1: Những chính sách ưu tiên phim ảnh

Bất kỳ một ngành công nghiệp nào, kể cả văn hóa, nếu muốn phát triển không thể "một mình một ngựa" tự lực cánh sinh. Điện ảnh Hàn thành công như hôm nay, vai trò đầu tiên phải kể đến tầm nhìn xa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cùng chính sách đúng đắn của Chính phủ khi xem phim ảnh (cùng với âm nhạc) như "vũ khí" quảng bá văn hóa.

Quả ngọt liên tiếp

Theo báo cáo của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, 2019 là một năm thành công đối với nền điện ảnh Hàn. Doanh thu kết hợp của ngành công nghiệp điện ảnh đạt 1,9 nghìn tỷ won (tương đương 1,6 tỷ USD), tăng 5,5% so với cùng kỳ. Số lượng khán giả đến rạp chiếu phim tăng 4,8%, ước đạt 226,68 triệu người. Đây là hai con số cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

Tổng doanh thu của các bộ phim quốc nội đạt mức kỷ lục 970,8 tỷ won, chiếm 51% số phim phát sóng tại các rạp. Trong đó Extreme Job - bộ phim hài kịch nói về cảnh sát Hàn Quốc dẫn đầu doanh thu với 16,28 triệu vé được bán ra. Tiếp đến là bom tấn Avengers: Endgame của Mỹ với 13,93 triệu vé và phim hoạt hình Frozen 2 của Disney đạt 13,37 triệu vé. 

Link bài viết

Trải qua lịch sử ảm đạm do sự thống trị của phim Hollywood vào đầu thập niên 90, định hướng cơ bản của điện ảnh Hàn Quốc trong giai đoạn hiện tại là giữ vững vai trò của các bộ phim quốc nội và hướng nhiều đến việc dùng phim ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc ra thế giới. 

Một số bộ phim và đạo diễn Hàn đã thành công trên đấu trường điện ảnh quốc tế. Tại diễn đàn toàn cầu của Korean Film Council (KOFIC), Chung Jen Feng - Phó chủ tịch tập đoàn Wanda phát biểu: "Tôi nghĩ Hàn Quốc là quốc gia tiến bộ nhất châu Á trong nền công nghiệp phim ảnh, là đất nước duy nhất có thể cạnh tranh với thế thống trị về văn hóa của Hollywood"

Và thực tế, chiến thắng gần nhất của Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho tại Cannes với giải Cành cọ vàng và phim hay nhất của Oscar 2020 đã chứng minh điều đó. CJ Entertaiment - công ty sản xuất Parasite cho biết bộ phim đã tranh giải tại 58 liên hoan phim (LHP), sự kiện điện ảnh trên thế giới và giành được 59 giải thưởng ở đa dạng hạng mục.

Mới đây, tại LHP Berlin lần thứ 70 kết thúc ngày 1/3, đạo diễn Hong Sang-soo của Hàn Quốc đã giành giải Gấu bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim The Woman Who RanLịch sử điện ảnh xứ kim chi cũng không thiếu những thành tích lớn như giải đạo diễn xuất sắc nhất của Cannes năm 1993 cho đạo diễn Im Kwon-taek với bộ phim âm nhạc dân gian SeopyeonjeIm Kwon-taek cũng là đạo diễn đầu tiên của Hàn Quốc nhận được giải thưởng quốc tế. Năm 2004, cũng tại Cannes, bộ phim Old Boy của Park Chan Wook giành được giải cao và trở thành 1 trong 50 tác phẩm hay nhất thập kỷ do New York Times bình chọn. 

Parasite là bộ phim đầu tiên không sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh trở thành Phim truyện xuất sắc nhất tại Oscar danh giá.

Parasite là bộ phim đầu tiên không sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh trở thành Phim truyện xuất sắc nhất tại Oscar danh giá.

Chính sách đúng đắn của chính phủ

Nếu như vào đầu thập niên 1990, phim Hollywood chiếm hơn 80% thị phần điện ảnh Hàn Quốc, phần lớn phim Hàn do nhà nước sản xuất với tư duy lạc hậu thì hiện tỷ lệ này đang cân bằng và thậm chí phim Hàn Quốc chiếm tuyệt đối ưu thế trên thị trường phim ảnh nước nhà.

Theo New York Times, từ năm 1998, Hàn Quốc bắt đầu hạn chế nhập khẩu các sản phẩm giải trí từ Nhật và Mỹ để tập trung phát triển thương hiệu nội địa. Nhiều chính sách về hạn ngạch phim chiếu rạp cũng được đưa ra. 

Link bài viết

Theo quy định năm 2006, mỗi rạp chiếu phim phải có 73 ngày trong năm (tương đương 20% suất chiếu) chiếu phim Hàn. Nhờ đó, vị thế của phim nội địa được nâng cao và Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia ở châu Á có số lượng phim nội chiếm lĩnh thị trường điện ảnh trong nước.

Đồng thời, chính sách xuất khẩu phim sang thị trường nước ngoài cũng được ưu tiên chú trọng. Tiêu biểu là kế hoạch "Korea Plaza" do bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Chung Dong Chea đề xuất và phụ trách thực hiện.

Theo đó, trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở các nước sẽ đưa văn hóa của họ thâm nhập sâu vào thị trường châu Á bằng cách tổ chức các buổi triển lãm và xúc tiến các hoạt động hợp tác về văn hóa, trong đó tập trung giới thiệu và công chiếu các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của xứ Hàn. Trong năm 2018, lợi nhuận từ việc xuất khẩu phim của Hàn Quốc là 2 tỷ USD. 

Các chính sách về nới lỏng sự kiểm duyệt, thúc đẩy đa dạng nội dung và đầu tư kinh phí cho các nhà sản xuất liên tục được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng. Từ năm 2004, chi phí sản xuất các bộ phim tăng lên đáng kể, trung bình hơn 100 triệu won/phim. Vai trò của tổ chức KOFIC cũng được thúc đẩy trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh. KOFIC giúp gây quỹ, nghiên cứu và phát triển, giúp đỡ marketing và tổ chức các liên hoan phim.

Tháng 10/2019, đạo luật điện ảnh Hàn Quốc được sửa đổi nhằm giải quyết các hành vi không công bằng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Bộ Văn hóa Hàn Quốc sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ các bộ phim độc lập và phim nghệ thuật. Trung tâm này sẽ xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu của các bộ phim do Hàn Quốc sản xuất, kể cả phim của đạo diễn tự do và phim kinh phí thấp, sau đó liên kết và hợp tác với các rạp chiếu phim công cộng và rạp của doanh nghiệp, đồng thời đưa lên hệ thống phát sóng trực tuyến.

Ông Kim Yong Sam - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết: "Tại Hàn Quốc, mỗi năm hơn 1.000 bộ phim được sản xuất độc lập và chưa đến 10% trong số đó được chiếu. Mục tiêu lớn nhất của trung tâm hỗ trợ này là kết nối các nhà sáng tạo với người tiêu dùng để mở rộng nền tảng điện ảnh Hàn và quảng bá các bộ phim mới".

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa cũng sẽ thành lập một quỹ phát triển để tài trợ cho các tác phẩm điện ảnh vừa và nhỏ nhằm đa dạng hóa nội dung của ngành công nghiệp điện ảnh địa phương. Khoản đầu tư bắt đầu vào năm 2019, trị giá 8 tỷ won và tăng lên 24 tỷ won vào năm 2020.

(còn tiếp)

Kỳ 2: Những mối quan hệ cộng sinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau sự phát triển thần kỳ của điện ảnh Hàn - Kỳ 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO