Những thách thức của hệ thống thư viện Việt Nam

CẨM TÚ/DNSGCT| 30/03/2013 09:35

Trong vòng 10 năm qua, hệ thống thư viện ở nhiều nước trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc với sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin và internet.

Những thách thức của hệ thống thư viện Việt Nam

Trong vòng 10 năm qua, hệ thống thư viện ở nhiều nước trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc với sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin và internet. Theo đó, thư viện tại các nước tiên tiến không chỉ là trung tâm tư liệu mà còn là trung tâm tri thức, phục vụ cho nhu cầu tự học, học từ xa, học liên tục và học suốt đời của người dân, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức.Hệ thống thư viện Việt Nam vốn đã bị đánh giá là đi sau thế giới từ 20-30 năm nay lại càng có nguy cơ tụt hậu nhanh hơn nữa nếu không có một sự thay đổi toàn diện.

Đọc E-paper

Luật thư viện cần đi vào đời sống

Cách đây 20-30 năm, phần lớn các nước trên thế giới đều nhận thức được vai trò của thư viện trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí nên đều đã xây dựng các khung pháp lý để bảo vệ và phát triển ngành thư viện.

Hầu hết các nước đều có hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến thư viện: từ các quy định, nghị định, pháp lệnh đến luật, hoặc điều chỉnh hoạt động của các loại hình thư viện nói chung hoặc chỉ riêng hoạt động của Thư viện quốc gia.

Đa số các nước đều có chính sách đầu tư xây dựng các hệ thống và mạng lưới thư viện ngày càng hiện đại theo hướng biến thư viện trở thành các cơ quan thông tin, trung tâm học liệu, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu khoa học và học tập suốt đời, trung tâm lưu trữ và bảo quản di sản thư tịch.

Các thư viện công cộng tiến tới trở thành các trung tâm văn hóa cộng đồng, là một mắt xích của chính phủ điện tử…

Tại Việt Nam, cách đây hơn mười năm Pháp lệnh Thư viện mới được ra đời, nhưng theo nhiều người trong ngành thì văn bản pháp lý cao nhất này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trong các kỳ họp Quốc hội năm 2012, đa số đại biểu cho rằng Luật Thư viện là cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hướng đến nền kinh tế tri thức.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì cơ sở hạ tầng, dịch vụ, phương thức phục vụ, trình độ cán bộ ngành thư viện của Việt Nam đang chậm hơn các nước trong khu vực từ 10-15 năm.

Vì thế, việc có một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh thư viện, để tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội đối với hoạt động thư viện và để xem thư viện là một trong những thiết chế văn hóa không thể thiếu là cần thiết.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, để Luật Thư viện đi được vào cuộc sống, chúng ta cũng phải chú ý tới việc tăng cường quảng bá, giới thiệu luật.

Hiện nay, dự án Luật Thư viện đang chờ thông qua có nhiều điểm bổ sung đáng chú ý về thư viện có yếu tố nước ngoài, thư viện tư nhân, xã hội hóa thư viện.

Tuy nhiên theo góp ý của TSKH Nguyễn Thị Đông, Viện Khoa học thống kê thì dự án Luật nhìn tổng quát vẫn chưa làm rõ và thể chế hóa được cụ thể quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan: Nhà nước, thư viện, độc giả.

Hầu hết các điều khoản còn mang nặng tính hướng dẫn nghiệp vụ, trong khi các điều khoản quan trọng để điều chỉnh hoạt động thư viện giữa bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cơ chế thị trường thì lại thiếu.

Đặc biệt, dự án Luật còn mang nặng cơ chế “xin-cho” trong thủ tục cấp phép thành lập thư viện, chưa quan tâm đúng mức quyền được phục vụ thư viện của công dân trong xã hội…

Việc chuẩn hóa thư viện không thể chậm trễ

Theo ông Nguyễn Minh Hiệp, Giám đốc Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh thì ngoài tác động của công nghệ và internet, hệ thống thư viện thế giới phát triển nhanh chóng là do có sự chuẩn hóa cao độ.

Trong ngành thư viện, các tiêu chuẩn chính là những quy tắc do các tổ chức quốc gia hay quốc tế như Hội thư viện Hoa Kỳ (ALA), Liên hiệp các hội và cơ quan thư viện quốc tế (IFLA) và Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) thiết lập, chẳng hạn như chuẩn ISBN (International Standard Book Number).

Quan niệm chuẩn hóa ngày nay đang lan nhanh trên phạm vi toàn cầu vì có sự bùng nổ thông tin và vì nhu cầu và lợi ích của việc chia sẻ tài nguyên thông tin, đặc biệt là thông tin điện tử. Để không mãi “đứng bên lề” của sự phát triển, chuẩn hóa là nhu cầu hết sức bức bách của thư viện Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Hiệp còn cho rằng để rút ngắn khoảng cách với ngành thư viện thế giới, chúng ta phải nỗ lực đưa công nghệ thông tin, internet vào các chương trình quản lý cũng như việc đào tạo cán bộ thư viện.

Ngành thư viện phải có những chuyển biến tích cực theo hướng hội nhập để đi đến hoàn toàn liên thông; nhằm biến thư viện từ kho chứa sách trở thành trung tâm hình thành tri thức và học tập, hỗ trợ tích cực cho việc giáo dục đào tạo theo xu hướng mới.

Ông Nguyễn Minh Hiệp cũng cho biết: Việc phân chia loại hình thư viện cũng cần được chuẩn hóa để thống nhất về mặt nghiệp vụ cho mỗi loại hình.

Trên thế giới, người ta chia hệ thống thư viện thành năm loại hình, được Hiệp hội thư viện thế giới (IFLA) thừa nhận như sau:

1. Thư viện quốc gia

2.Thư viện đại học

3.Thư viện chuyên ngành

4.Thư viện công cộng

5.Thư viện trường học

Sự phân chia này cũng hiện hữu trong tất cả các giáo trình giảng dạy thông tin thư viện ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, hệ thống thư viện Việt Nam được phân chia thành các loại hình như sau:

(1) Thư viện công cộng bao gồm: Thư viện quốc gia Việt Nam; Thư viện do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập.

(2) Thư viện chuyên ngành, đa ngành bao gồm: Thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học; Thư viện của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác; Thư viện của đơn vị vũ trang; Thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp.

Cách phân chia này tiện lợi cho việc quản lý nhà nước, tuy nhiên, để phù hợp với nghiệp vụ thông tin thư viện nhằm phát triển ngành nghề và tuân theo tiêu chuẩn chung trên thế giới nhằm tiện việc liên kết hợp tác trên phạm vi toàn cầu thì chúng ta nên sử dụng cách phân chia theo năm loại hình thư viện như được trình bày ở trên.

Trên thế giới, thư viện đang đóng vai trò rất tích cực trong vấn đề đổi mới giáo dục. Ngoài hệ thống thư viện truyền thống thì các hình thức thư viện điện tử, thư viện số và thư viện ảo giúp người đọc có thể tra tìm tư liệu nhanh chóng, đầy đủ, chính xác hơn và có nhiều điểm truy cập thông tin hơn.

Để dân trí không bị tụt xa hơn nữa, ngành thư viện Việt Nam cần được đầu tư xứng đáng để góp phần biến thông tin, dữ liệu thành tri thức cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thách thức của hệ thống thư viện Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO