Những "người khổng lồ" mới của ngành giải trí thế giới

CHIÊU ANH (theo The Guardian)| 01/10/2017 06:23

Các công ty công nghệ đang tung tiền để biến chính họ thành những "chúa tể" mới của ngành giải trí thế giới.

Những

Các công ty công nghệ đang tung tiền để biến chính họ thành những "chúa tể" mới của ngành giải trí thế giới.

Đọc E-paper

Gần đây, Apple đã chi 1 tỷ USD cho các bản nội dung gốc và được cho là đang để mắt tới Xưởng phim Culver Studios - nơi đã quay Gone with the wind. Dịch vụ giải trí trực tuyến Netflix và Hulu tranh đua để được vinh danh ở Giải thưởng Truyền hình Emmy 2017 với những chiến dịch quảng bá rầm rộ nhất trong lịch sử Emmy.

Cụ thể, Hulu có 18 đề cử, còn Netflix có tổng cộng 91 đề cử. Kết quả, The Handmaid's Tale của Hulu đã "càn quét" hầu hết các hạng mục giải thưởng lớn như Phim truyền hình xuất sắc thể loại chính kịch, Nữ diễn viên chính xuất sắc thể loại chính kịch, Đạo diễn xuất sắc thể loại chính kịch, Nữ diễn viên phụ xuất sắc thể loại chính kịch và Kịch bản chương trình chính kịch xuất sắc.

Trong khi đó, YouTube đang đẩy mạnh sản xuất các chương trình truyền hình và phim gốc. Còn Facebook hiện chi tới cả tỷ USD và có thể chi tới 4 triệu USD/tập phim mới, cùng với Snapchat báo hiệu sẽ tiến vào nội dung kịch bản.

Phát thanh - truyền hình truyền thống và các mạng cáp - những người "khổng lồ" từng thống trị các chương trình truyền hình hàng thập kỷ qua đang phải tranh đua để theo kịp các mạng trực tuyến.

Craig Erwich - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nội dung của Hulu nói: "Tại thời điểm này, theo tôi, cũng có thể nói là một cuộc "chạy đua vũ trang". Nó cho thấy sự hội tụ của vô tuyến truyền hình, mạng internet và công nghệ không dây. Phát thanh - vô tuyến truyền thống và mạng cáp hiện không còn đủ khả năng để làm các chương trình truyền hình thành công. Họ phải làm cho chúng khả dụng để phát trực tuyến và tải xuống trên nhiều nền tảng, hoặc có nguy cơ bị mất doanh thu quảng cáo và đăng ký thuê bao. Tuy nhiên, để lấy được một phần doanh thu và phân biệt các sản phẩm, dịch vụ của họ, các công ty công nghệ phải tự lo nội dung, bằng cách mua hay tạo ra. Độc quyền là chìa khóa quyết định".

>>Hollywood giảm sức hút với các nhà làm phim?

Đối với Apple, xâm nhập Hollywood có thể giúp bù lại doanh số bán iPhone và iPad đang giảm, đồng thời mở rộng dịch vụ nghe nhạc. Thêm một thư viện phim và chương trình truyền hình vào dịch vụ của Apple sẽ đem đến cho những người đăng ký hiện tại trải nghiệm tốt hơn nhiều với khoản phí 10 USD/tháng và thu hút những người đăng ký mới. Mặc dù Apple đã vấp phải việc mua Planet of the Apps và Carpool Karaoke - những chương trình truyền hình thực tế bị phê bình khi phát trên dịch vụ nghe nhạc của Hãng, nhưng với việc thuê Jamie Erlicht và Zack Van Amburg - những nhà điều hành của Sony Pictures Television, từng có chương trình giành được 36 giải Emmy và hàng chục giải Quả cầu vàng, AFI và WGA - vào vị trí giám sát chương trình video và dành riêng 1 tỷ USD để xây dựng kho dữ liệu các chương trình truyền hình gốc, nhà sản xuất iPhone được kỳ vọng sẽ trở thành một người "khổng lồ" đáng gờm.

Jan Dawson - nhà phân tích truyền thông của trang Jackdaw Research cho rằng: "Con số 1 tỷ USD là tín hiệu rất rõ ràng cho thấy Apple đã nghiêm túc hơn về vấn đề nội dung gốc. Họ muốn đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng và làm những chương trình như Game of Thrones (Trò chơi vương quyền)". Ngoài ra, công ty công nghệ này sẽ ghi dấu trong lịch sử Hollywood nếu bộ phận sản xuất nội dung gốc di chuyển về Culver Studios, theo tiết lộ của tờ Financial Times. Tuy nhiên, Apple từ chối bình luận về việc này.

Amazon được thông báo đang cạnh tranh với Apple trong việc mua lại nhượng quyền thương hiệu của bộ phim James Bond. Còn Giám đốc nội dung Ted Sarandos của dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix cho biết, vào năm 2013 họ đã quyết định "trở thành HBO trước khi HBO có thể trở thành chúng tôi". Ý ông nói rằng các nhà sáng tạo nội dung rồi sẽ tạo ra các nền tảng phát trực tuyến của riêng họ và ngừng cung cấp cho Netflix. Ông đã đúng, khi tháng 8 vừa qua, Disney thông báo sẽ ngừng cung cấp phim cho Netflix và giới thiệu dịch vụ phát trực tuyến của riêng Hãng vào năm 2019.

Tuy vậy, Netflix đang bận rộn tạo một thư viện lớn với ngân sách chi cho chương trình gốc tăng từ 300 triệu USD năm 2013 lên đến 6 tỷ USD năm nay - số tiền khổng lồ có thể tài trợ cho ít nhất 20 chương trình truyền hình mới.

Tự hào với 1,5 tỷ người dùng đăng nhập mỗi tháng và 1 tỷ giờ xem mỗi ngày, YouTube cũng cảm thấy cần thâm nhập vào mảng nội dung gốc. Hãng đã sắp lịch để ra mắt hơn 30 chương trình truyền hình và phim gốc qua Red - dịch vụ thuê bao của Hãng trong năm nay và hơn 40 năm sau. Thêm nữa, Facebook - mạng xã hội lớn nhất toàn cầu - sẽ chi khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và năm sau để quảng bá các chương trình truyền hình gốc cho nền tảng xem video mới, theo tờ Wall Street Journal...

Tất nhiên, những dòng tiền mà Netflix, Amazon, Facebook và Apple đổ vào Hollywood để giành sự thống trị trong thị trường video giải trí đã gây ra không ít khó chịu. Tháng trước, John Landgraf - Giám đốc điều hành của FX Networks nói rằng phải đối mặt với các đối thủ kỹ thuật số cạnh tranh kia khiến ông có cảm giác giống như "bị bắn tiền vào mặt mỗi ngày". Và trong cuộc cạnh tranh này, các đối thủ có ngân sách kém hơn sẽ phải vật lộn với "ông lớn". Nhưng rõ ràng, cuộc "cách mạng" đã đem lại cho người xem chất lượng, sự lựa chọn và tiện lợi trong những gì đã được gọi là thời đại hoàng kim của truyền hình.

>>Khi các siêu sao ngành giải trí chơi tranh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những "người khổng lồ" mới của ngành giải trí thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO