Nhớ Tết đoàn viên ở xứ người

Tôn Thất Thọ| 24/01/2023 07:42

Sáng sớm mồng một, gia đình họp mặt. Cháu nhỏ được mẹ dẫn ra chúc Tết ông bà. Bằng cách phát âm tiếng Việt ngọng nghịu, cháu ước mong ông bà sống lâu trăm tuổi. Xong cả nhà cùng ra ga tàu điện ngầm đến quận 13 để thưởng thức các món ăn truyền thống Việt và vui đón năm mới cùng bà con quê nhà.

Bốn năm trước, lúc đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, vợ chồng tôi đã sang tận Paris ăn Tết sum họp cùng gia đình con gái đang định cư ở đây. 

Tết Nguyên đán ở Pháp thời tiết rất lạnh. Những ngày trước Tết có những lúc tuyết rơi trắng xóa bầu trời cả ngày lẫn đêm. Tháng Chạp đến rất gần mà không thấy không khí đón Tết như ở quê nhà. Vợ chồng hai cháu vẫn đi làm, cháu nhỏ vẫn đi học và với người châu Á, Tết Âm lịch chỉ được nghỉ duy nhất ngày mồng một Tết.

Sáng chủ nhật trước Tết độ một tuần, cả nhà rủ nhau đi chợ quận 13, ngôi chợ tọa lạc trong khu vực có rất đông người Việt Nam sinh sống, tại đây bán đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu cũng như bánh kẹo hoa trái phục vụ cho ngày Tết.

Cũng như các ngôi chợ ở Việt Nam, bên ngoài khu chợ cũng có bày bán các loại hoa kiểng, trái cây. Bên trong bán đủ loại thực phẩm của người Hoa và của người Việt nhập khẩu từ trong nước sang như cà phê Trung Nguyên, bánh tráng, chả giò, mắm nêm, mắm cá lóc, mắm tôm chua, mắm ruốc xào xả, mắm cá cơm..., có cả bia Sài Gòn. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, khu chợ này luôn có đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm đón Tết của bà con  người Việt tại Paris và nhiều vùng lân cận như: gạo nếp, đậu xanh, lá dong, bánh mứt, ô mai, lạc rang, dưa món… Trái cây nào xoài, mãng cầu, thanh long, thêm lạp xưởng, bánh đa nem… thậm chí cả tỏi, ớt cũng được mang từ quê nhà sang, có thể nói không thiếu một thứ gì. 

-6038-1674183130.jpg

Ảnh: Internet

Đặc biệt, ở đây cũng có những cửa hàng bán các loại hoa chưng Tết. Hoa đào được bày bán khá nhiều. Một kỷ niệm đáng nhớ là trên đường đi vào chợ, chúng tôi gặp một cụ bà người Việt vừa mới mua được một cành đào ưng ý, gặp người quen bà cười rất tươi: “Vui quá vì ngày trước ở Việt Nam, năm nào nhà tôi cũng phải sắm một cành đào Nhật Tân chưng Tết. Sang đây, đào bên này nhỏ và ít hoa, nhưng có đào trong nhà thì mới có không khí ấm áp của ngày Tết...”.

Theo lời con gái tôi kể thì vào mỗi dịp Tết, nơi đây có bày ra thêm khu ẩm thực trong khoảng từ 29 tháng Chạp đến hết Tết Nguyên đán. Tại gian chợ này, bà con có thể đến thưởng thức các món đặc sản như hủ tiếu, bún bò, bánh tét, xôi vò, phở bò… Rất nhiều gia đình Việt đã đến đây để thưởng thức các món ăn không dễ nấu được ở nhà. Nhiều người đến chợ Tết từ rất sớm để thưởng thức các món ăn mà mình ưa thích, cùng chia sẻ những câu chuyện về Tết xưa ở quê nhà. Ngoài ra, cộng đồng người Việt còn tổ chức chương trình văn nghệ giao lưu để đón chào năm mới...

 Sau hai lần đi chợ tại đây, chúng tôi đã mua sắm đầy đủ các nguyên liệu chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, làm dưa món...Ngoài ra, cháu còn mua nguyên liệu làm giò thủ và tré, mua trái cây, hoa  cúng 30, mua hoa đào chưng Tết...

Do bận đi làm, con gái tôi chỉ làm các món vào mỗi buổi chiều sau khi tan sở về. Đi làm về con gái lo thái thịt làm chả, làm tré, thái củ quả để làm dưa món, nồi thịt kho tàu chuẩn bị ăn mấy ngày Tết. Riêng chiều tối 28 Tết, cả nhà xúm xít ngồi gói bánh chưng không khác chi ở quê nhà, số lượng chừng đâu hơn hai chục cặp. Phần để cúng Tết, phần để biếu bà con anh em ăn Tết xa quê.

-3006-1674183130.jpg

Ảnh:Internet

Chiều 30 Tết đến, ở xứ lạ quê người, bên ngoài tuyết rơi nhè nhẹ. Trong nhà, vợ chồng tôi giúp hai cháu bày biện lễ vật lên bàn thờ ông bà. Mâm cơm cúng tất niên đầy đủ các món ăn thấm đậm hương vị quê nhà. Phòng ở hẹp, do đó chỉ thắp một cây hương thôi thế nhưng không khí gia đình vô cùng ấm áp. Con gái tôi mời thêm bà con thân thuộc cùng chung vui trong bữa cơm cuối năm của gia đình. 

Sáng sớm mồng một, gia đình họp mặt. Cháu nhỏ được mẹ dẫn ra chúc Tết ông bà. Bằng cách phát âm tiếng Việt ngọng nghịu, cháu ước mong ông bà sống lâu trăm tuổi. Xong cả nhà cùng ra ga tàu điện ngầm đến quận 13 để thưởng thức các món ăn truyền thống Việt và vui đón năm mới cùng bà con quê nhà.

Ngày mồng 7 Tết năm đó, vợ chồng tôi chia tay gia đình con gái trở về quê và hứa với các cháu là 2 năm nữa, tức Tết con trâu (2021) chúng tôi lại sang đón năm mới cùng gia đình cháu. Thế nhưng đùng một cái, cuối năm đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, vì thế việc sang đón Tết hội ngộ cùng gia đình của cháu đã không thực hiện được.

-1161-1674183130.jpg

Suốt năm 2020, đại dịch Covid-19 lan tràn khắp cả châu Âu. Ở Pháp, số lượng người dân nhiễm bệnh rất cao, số tử vong cũng nhiều. Cả nhà con gái tôi đều nhiễm virus Covid-19, nhưng may mắn, tất cả đều đã được qua khỏi….    

Dự định dịp Tết năm nay, chúng tôi sẽ trở lại Pháp ăn Tết đoàn viên cùng gia đình cháu ở phương xa, dù thời gian đón Tết chỉ được có vài ngày Mong ước tưởng chừng đơn giản mà có lẽ đó là nỗi niềm của hầu hết những người con đất Việt Nam xa xứ, cũng như người ở tại quê nhà là được ăn Tết sum vầy cùng con cháu.

Ai cũng có quyền hy vọng ở tương lai và dĩ nhiên, Tết về mang theo cả một niềm hy vọng mới, hy vọng người Việt Nam, dù ở đâu cũng được đón Tết cổ truyền của dân tộc bằng những bữa cơm sum họp, ấm áp không khí gia đình....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ Tết đoàn viên ở xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO