![]() |
Trong bối cảnh nhạc “trẻ “ và nhạc “hát như nói” đang được các ca sĩ trẻ hát ra rả hằng ngày, loại nhạc được xem là “sến” bỗng dưng trỗi dậy và phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm.
![]() |
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng |
Dạo một vòng thị trường băng đĩa nhạc phát hành trong thời gian gần đây, không khó để tìm thấy ấn phẩm thu âm các ca khúc trữ tình sáng tác trước 1975 được các ca sĩ trẻ thể hiện. Khán giả ưa thích giai điệu nhẹ nhàng có thể tìm đến CD Thiên thần tình yêu của Hiền Thục với Bảy ngày đợi mong (Trần Thiện Thanh), Mùa thu lá bay (Mạnh Thái), Ngàn thu áo tím (Hoàng Trọng). Ngọt ngào hơn là ca sĩ Cẩm Ly với Sao anh nỡ đành quên (Tô Thanh Tùng), Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ)…
Tuy nhiên, rầm rộ nhất có lẽ là Đàm Vĩnh Hưng. Qua ba tuyển tập Dạ khúc cho tình nhân, Hạnh phúc lang thang và Qua cơn mê do Tiếng hát Việt Entertaiment thực hiện. Nam ca sĩ này gần như đem hết những ca khúc một thời vang bóng để thể hiện khả năng đa dạng trong trình diễn của mình.
Ca sĩ Giao Linh: Cơ chế đã cởi mở hơn Vẫn biết mọi người dùng chữ “sến” với ý coi thường những ca khúc mà tôi hát từ ngày trước đến tận bây giờ. Thế nhưng, tôi tin nhạc “sến” vẫn có đất sống bởi dù không sang trọng, nhưng nó rất gần gũi với người Việt. Tôi biết chắc, ai trong chúng ta cũng thuộc vài câu nhạc “sến” và khi có dịp cũng hát theo được. Đến nay, cơ chế về dòng nhạc này đã thoáng hơn, danh mục bài hát cho phép lưu hành ngày càng dài nên ca sĩ có cơ hội chọn lựa nhiều hơn. |
Đang “ăn khách” trên thị trường âm nhạc với những ca khúc trẻ trung, sôi động, bỗng dưng lại trình diễn những tác phẩm bị xem là “não tình”, phải chăng ca sĩ không còn tìm được nguồn cung cấp tác phẩm mới? Trả lời câu hỏi này, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khẳng định: “Thế hệ nhạc sĩ trẻ chúng tôi vẫn sáng tác, nhưng so với giai đoạn trước, quả là có ít hơn”. Anh tự nhận xét, tác phẩm của nhạc sĩ trẻ chỉ tạo dấn ấu với những người cùng thế hệ hoặc nhỏ hơn mình. Những tình khúc cũ đã có sức sống và phục vụ cho các thế hệ trước đó nay được hát lại, tất nhiên có lợi thế hơn vì không chỉ tìm thấy người nghe mới, mà còn “gặp lại” những khán giả ngày trước. “Nói như vậy không có nghĩa là âm nhạc VN quay đầu, trở lại điểm xuất phát. Mặt bằng chung thị trường nhạc trẻ Việt cũng đang rút gần khoảng cách so với thế giới”, Hồ Hoài Anh chia sẻ.
Từ khi những nhạc phẩm sáng tác theo lối chậm, đều... (như giai điệu Boléro chẳng hạn) ra đời đến nay, có một cuộc tranh luận bất phân thắng bại để kết luận những nhạc phẩm này được (hay bị) liệt vào hàng... “sến”. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhận định: “Dù chưa thống nhất được tên gọi, nhưng xét chung, những tác phẩm đó vẫn thuộc dòng nhạc đại chúng (popular - pop). Mà đã là đại chúng, thì nó có sức sống riêng”.
Xét về mặt nhạc lý, theo nhạc sĩ Quốc Dũng, những bản nhạc tạm gọi là “sến” được viết bằng ký âm Tây phương, nhưng có cấu trúc tiết tấu đều, chậm... gần với ngũ cung của nhạc dân tộc VN. Trong bối cảnh người Việt vừa mới làm quen với âm nhạc Tây Phương thì sự giao thoa về mặt nhạc lý như thế khiến những bản nhạc này có khả năng đi vào lòng công chúng, bởi bất cứ người Việt nào cũng từng nghe qua nhạc dân tộc. Như vậy, dù ngày nay có ngập trong nhạc Thái, nhạc Tàu, nhạc Hàn, và nhất là những ca khúc sáng tác theo kiểu chắp nối, vay mượn và dễ dãi..., thì thói quen thưởng thức và ảnh hưởng của âm nhạc đối với người Việt cũng không thay đổi. Khi có ca sĩ hát, đặc biệt là những ca sĩ mới nổi, gần gũi và là thần tượng của giới trẻ thì nhạc “sến” được đón nhận là chuyện đương nhiên.
Nhạc sĩ Quốc Dũng: Nhạc "sến" phản chiếu tâm lý xã hội Nhạc “sến” ra đời trong bối cảnh xã hội phân hóa giàu nghèo khá rõ rệt. Thợ thuyền, người làm thuê làm mướn có mức sống rất thấp. Nội dung được các nhạc sĩ truyền tải vào bài hát tập trung vào nỗi buồn, cái nghèo..., do vậy, dòng nhạc này lập tức được phổ biến. Ngày nay, nhiều người giàu lên quá nhanh, số khác lại lâm vào cảnh nghèo, cảm thấy trở nên xa lạ với cuộc sống phố thị. Vậy là, nghe nhạc “sến” họ thấy “cảm” hơn. |