Nhà sản xuất Phil Trần: Tiếng quê gọi nhớ

ĐOÀN GIA thực hiện| 09/10/2013 06:59

Tiếng gọi từ truyền thống gia đình đã khiến Phil Trần, dù ở tận bên kia bờ đại dương và đã chọn con đường tiến thân xa hẳn tổ nghiệp, quay về. Đó cũng chính là yếu tố giúp anh tự tin bước vào nghệ thuật thứ bảy, dẫu biết có không ít thách thức.

Nhà sản xuất Phil Trần: Tiếng quê gọi nhớ

Tiếng gọi từ truyền thống gia đình đã khiến Phil Trần, dù ở tận bên kia bờ đại dương và đã chọn con đường tiến thân xa hẳn tổ nghiệp, quay về. Đó cũng chính là yếu tố giúp anh tự tin bước vào nghệ thuật thứ bảy, dẫu biết có không ít thách thức.

Đọc E-paper

Sang Mỹ định cư từ nhỏ, nhà sản xuất Phil Trần được xem là một người Việt thành đạt trên đất khách bởi trong tay ông có Glass Egg Digital Media Limited, một công ty chuyên gia công đồ họa cho lĩnh vực game. Khách hàng của Glass Egg là các công ty phân phối và phát hành game rất lớn trên thế giới: Microsoft, EA, Activision, Sony, Namco Bandai...

Glass Egg được thành lập cách đây 14 năm, là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này trên thế giới. Hiện Glass Egg có gần 300 nhân viên và được công nhận là một trong những đối tác làm game kinh nghiệm và uy tín nhất thế giới. Do vậy, chuyện Phil Trần trở về Việt Nam để làm phim thay vì kinh doanh ở lĩnh vực thuộc thế mạnh của mình khiến nhiều người ngạc nhiên.

* Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành sản xuất game giáo dục, trở về quê hương, với thị trường internet đầy tiềm năng như hiện nay, đây cũng là lĩnh vực giúp anh có thể kiếm tiền?

- Thực ra, Glass Egg của tôi không chỉ làm game giáo dục. Chúng tôi còn làm cả game "không giáo dục nữa" (nói đùa nhé), như đua xe hay bắn súng. Vì bạn biết đấy, nhu cầu giải trí của người dùng cũng quan trọng không thua gì nhu cầu học hỏi.

Tuy nhiên, khi trở về quê hương, điều khiến tôi thấy hứng thú hơn cả là thị trường điện ảnh, bởi còn có quá nhiều thứ để khai thác, phát triển và cả kinh doanh trong thị trường này. Đầu tiên tôi thử sức ở lĩnh vực này là bộ phim Tiền chùa của đạo diễn Thiện Đỗ.

Nhiều người hỏi tôi sao lại sang "bến lạ” như thế, nhưng thật ra điện ảnh không phải là hướng rẽ ngang của tôi đâu. Ngày xưa, ông, cha, bác tôi đã từng làm phim, lập gánh cải lương. Hồi còn nhỏ, tôi từng xem phim Kiếp hoa do nhà làm và rất thích xem cải lương ở rạp Olympic.

* Gia đình có truyền thống nghệ thuật như vậy, ắt hẳn nhiều người thân của anh theo nghiệp tổ?

- Gia đình tôi còn rất ít người làm nghệ thuật. Thế hệ ông, cha tôi thì đã qua đời hoặc đã hết hoạt động nghệ thuật từ lâu, như bà Kim Chung, bầu Long, ca sĩ Mai Khanh, nhạc sĩ Hoàng Vân...

Cùng thế hệ với tôi chỉ có nhạc trưởng Lê Phi Phi là anh họ của tôi. Điều thú vị là khi gia đình và người thân nghe tôi đầu tư làm phim thì họ ủng hộ hết mình. Máu nghệ thuật có lẽ vẫn đang rần rật chảy trong huyết quản của các thành viên trong gia đình.

* Được biết, đạo diễn và biên kịch Thiện Đỗ là bạn thân của anh. Đây có phải là lý do chính khiến anh quyết định làm phim Tiền chùa?

- Khi Thiện đưa kịch bản cho xem là tôi thấy thích ngay và quyết định làm phim này chỉ trong vòng 10 phút. Khi quen biết ai đó hơn 20 năm thì hẳn nhiên mình cũng biết khá nhiều về khả năng của người đó.

Tôi không nghi ngờ chút nào khả năng chuyển tải kịch bản này thành một bộ phim thật có duyên của Thiện. Xem xong bản dựng của phim Tiền chùa thì tôi đoan chắc mình nghĩ không sai. Tôi có thêm niềm vui là thủ vai nhân vật Thinh trong phim.

* Phim Việt thường được làm để chiếu vào dịp Tết Nguyên đán vì có khả năng thắng lớn, nhưng sao anh lại quyết định đưa Tiền chùa ra rạp vào mùa Thu?

- Tết Nguyên đán là dịp thuận lợi để đưa phim ra rạp vì các bạn trẻ có thì giờ và tiền lì xì để xem phim. Nhưng cũng do vậy mà rất nhiều phim được tung ra nên không hẳn phim nào cũng thắng.

Có thể Tiền chùa ra rạp vào mùa Thu sẽ nhiều rủi ro hơn nhưng bù lại sẽ ít bị cạnh tranh hơn. Bất kỳ dự án nào cũng vậy, có rủi ro thì cũng sẽ có lợi thế nhất định nào đấy.

* Anh có thể cho biết điểm giống nhau và khác nhau giữa một nhà sản xuất game với một nhà sản xuất phim?

- Thật ra ngành game với ngành điện ảnh có rất nhiều điểm giống nhau. Game nào mà trúng thì hốt bạc, hụt thì mất hết, phim cũng vậy. Phim chưa phát hành nên tôi chưa biết chính xác liệu việc tôi đi trái ngành có là giải pháp an toàn hay không, nhưng an toàn quá thì còn gì vui nữa!

* Rất nhiều Việt kiều về nước thử sức với nghệ thuật thứ bảy nhưng không phải ai cũng thành công. Anh có tự tin với những dự định của mình?

- Tự tin 100%, nếu không tự tin tôi đã không làm. Cái khó của lớp Việt kiều ra nước ngoài từ sớm là khó cảm nhận được đầy đủ những thay đổi ở quê nhà. Đây cũng là điểm hạn chế của họ khi làm phim.

Nhưng riêng tôi thì 19 năm gần đây thường xuyên về Việt Nam, cộng thêm 12 năm sống ở Sài Gòn ngày còn nhỏ, nên nhiều khi tôi còn "Việt Nam" hơn các bạn trẻ bây giờ ấy!

* Vậy anh cảm nhận thế nào về quê hương sau một thời gian dài mới trở lại?

- Bất cứ ai khi nghĩ về quê hương cũng cảm nhận được điều gì đó rất thiêng liêng. Ai cũng thấy quê mình là đẹp nhất. Ngày còn nhỏ tôi sống ở quận Phú Nhuận, TP.HCM và có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở đó. Với tôi, Phú Nhuận là vùng đất đẹp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà sản xuất Phil Trần: Tiếng quê gọi nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO