Người đã hóa mưa nguồn gió biển

TS. NGUYỄN SĨ ĐẠI| 23/07/2009 05:21

Nhà thơ Tế Hanh đã vĩnh biệt nhân gian về với cõi vô thường vào 12g20 phút ngày 16/7/2009 tại Hà Nội sau đúng 10 năm nằm liệt giường vì căn bệnh xuất huyết não.

Người đã hóa mưa nguồn gió biển

Nhà thơ Tế Hanh đã vĩnh biệt nhân gian về với cõi vô thường vào 12g20 phút ngày 16/7/2009 tại Hà Nội sau đúng 10 năm nằm liệt giường vì căn bệnh xuất huyết não. Ông rơi vào tình trạng này khi đang dự Lễ kỷ niệm 40 năm Đường Trường Sơn, khép lại sự nghiệp văn chương phục vụ cách mạng và kháng chiến, khép trọn đời mình vào thế kỷ XX. Tin ông mất có lẽ không làm cho nhiều người quá ngạc nhiên hoặc quá đau buồn, vì ông đã mang trọng bệnh chừng ấy năm trời. Nhưng mà có gì nhói lòng. Có gì hơn cả nỗi buồn...

Nhớ năm 1985, khi nhà thơ Xuân Diệu qua đời, Báo Văn nghệ có một nhận định: Một cây cao đổ xuống, cả khoảng trời trống vắng. Nhận định đó khiến nhiều người xúc động. Niềm xúc động đó trở lại với tôi khi nghe tin nhà thơ Tế Hanh mất. Nhưng nó xao xác hơn, vì sau cái chết của Xuân Diệu, lớp các nhà thơ mới còn nhiều, sau cái chết của Tế Hanh, các thi sĩ từng làm nên một thời đại rực rỡ trong lịch sử thơ ca VN chỉ còn có hai người: Xuân Tâm và Nguyễn Xuân Sanh.

Trước đó, nhất là mười năm gần đây, qua nghiên cứu thơ Tế Hanh, tôi cảm nhận ông có một đường thơ riêng. Cho đến nay, tôi vẫn chưa hoàn thành công trình của mình nhưng đã có thể khẳng định: Tế Hanh là một nhà thơ thuần Việt, một tài thơ xuất chúng. Tài thơ của ông được hun đúc và lóe sáng ở những điều tự nhiên nhất của con người VN trong thế kỷ XX đánh giặc, gắn bó thiết tha với bờ tre, giếng nước, con sông, cánh buồm, với những mồ mả của tổ tiên, họ tộc...

Năm 1939, Tế Hanh được Tự lực Văn đoàn trao giải khuyến khích về thơ. Trong lễ trao giải, nhà văn Nhất Linh phát biểu: “Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông có một tâm hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc; và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ”. Sau này, năm 1941, khi soạn Thi nhân Việt Nam, phần viết về Tế Hanh, hai anh em Hoài Thanh- Hoài Chân nhận định: “Tế Hanh là một người tinh lắm”; “Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết”. Nhận định một nhà thơ trẻ nhất trong Phong trào Thơ mới khi mới xuất hiện như thế thì tinh quá! Càng đọc, càng thấy cảm phục... Nhưng ấy là sau này. Còn ngày nhỏ, tôi chỉ đọc thơ, đâu chú ý đến phê bình.

Trước cách mạng, Tế Hanh là nhà thơ chân thành, cảm thông và san sẻ với mọi số phận con người. Trong hai cuộc kháng chiến, Tế Hanh là nhà thơ hàng đầu vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất. Nhiều học giả bình luận rằng Tế Hanh là một trong những nhà thơ tình VN hay nhất của thế kỷ XX. Nếu tầm vóc của một nhà thơ lớn còn được biểu hiện qua những tác phẩm dịch thuật, thì những bản dịch thơ Louis Aragon của Tế Hanh, nhất là bài Văn xuôi về En-xa và hạnh phúc (Prose d’Elsa et du bonheur) chứng tỏ ông là một nhà thơ có tầm. Thơ Aragon qua bản dịch Tế Hanh đã mang đến cho thanh niên, nhất là thanh niên trí thức VN thời ấy niềm tin và hy vọng vào con người, tình yêu, hạnh phúc:

Các anh tin hay không tin lời tôi nói
Tôi đã khổ đau nên tôi có đủ quyền
Dầu Mặt trời cứ xa khi người bước tới
Dầu cổ con người dành cho tay đao phủ
Dầu cánh tay giang chờ đinh đóng treo lên
Hạnh phúc con người vẫn có- và tôi tin...

Con sông quê hương - hình ảnh tiêu biểu trong thơ Tế Hanh

Khi xét về thơ, người ta có thể xét ở đơn vị câu, và nếu như mỗi câu thơ hay như một hạt ngọc, người có một câu thơ hay cũng đủ bầu nên một thi sĩ, thì Tế Hanh có cả một chuỗi minh châu lấp lánh: Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa / Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa; Em đi trăng sắp độ tròn/ Mùa thi qua nửa lá giòn khua cây; Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em; Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài; Đêm nay sẽ có văn công múa/ Trời rộng chiều xanh sắp mở màn; Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu; Biển một bên em một bên/ Ta đi trên bãi cát êm đềm/ Thân buông theo gió hồn theo mộng/ Sóng biển vào anh với sóng em; Giấc chiêm bao ngày trước/ Soi sáng cả ngày sau; Năm xưa bóng đá hăm hai đứa/ Cờ tướng anh nay đánh một mình; Cúi đầu từ biệt mẹ/ Từ biệt cả làng quê/ Quê mẹ không còn mẹ/Bao giờ con lại về...

Nhớ nhà thơ Tế Hanh, không thể không nhớ đến Bài thơ tình ở Hàng Châu, và nhất là Nhớ con sông quê hương - bài thơ nằm lòng trong nhiều thế hệ. Vào năm 1981, sinh nhật tuổi sáu mươi, nhà thơ Tế Hanh băn khoăn:

Khi tôi hai mươi tuổi, người ta đọc thơ tôi
Khi tôi ba mươi tuổi, người ta quên thơ tôi
Khi tôi bốn mươi tuổi, người ta lại đọc thơ tôi
Khi tôi năm mươi tuổi người ta còn đọc thơ tôi
Tôi phải làm thế nào
Khi tôi bảy mươi, tám mươi tuổi ngươi ta vẫn còn đọc thơ tôi?

Thưa nhà thơ Tế Hanh, thưa chú Tế Hanh: cha cháu đã đọc thơ chú, cháu đã say mê thơ chú, hai con của cháu đều được học thơ chú ở trường... Thơ chú đã hóa mưa nguồn gió biển, mãi lưu luyến trên dòng sông cuộc sống.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người đã hóa mưa nguồn gió biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO