Nghĩ về ngành công nghiệp bảo tàng

NGUYÊN BẢO| 03/09/2018 06:20

Ngành công nghiệp bảo tàng ở nhiều quốc gia không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại, mà còn tạo ra những giá trị vật chất cho nền kinh tế.

Nghĩ về ngành công nghiệp bảo tàng

Bảo tàng lịch sử Việt Nam - TP.HCM

Trong lần ghé thăm Seoul (Hàn Quốc) năm 2017, đoàn chúng tôi được Nam Huy - một hướng dẫn viên du lịch đã định cư hơn chục năm ở xứ sở kim chi đưa đi tham quan Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc (National Folk Museum of Korea - gọi tắt là Bảo tàng). Tiết trời tháng 3 lành lạnh, những hàng đào ở Seoul chỉ chực chờ bung nụ, mọi thứ đều sạch sẽ, tinh tươm - đặc điểm dễ nhận thấy nơi đường sá hay những khu vực công cộng ở Seoul.

Dù không phải ngày cuối tuần nhưng Bảo tàng không ngớt khách vào ra, từ các nhóm học sinh, sinh viên, người dân địa phương đến du khách Đông - Tây hội tụ. Song chẳng vì thế mà diễn ra cảnh nhốn nháo, chen lấn, mọi thứ đều rất trật tự. Nam Huy đưa chúng tôi đến khu vực trọng yếu của Bảo tàng - nơi người Hàn muốn cả thế giới biết về con người, phong tục, văn hóa, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của họ.

Link bài viết

Thông qua những hình ảnh và cổ vật, Bảo tàng tái hiện một cách sống động "vòng đời" của người Hàn: từ khi mới sinh ra, các nghi thức gia đình thực hiện để đón thành viên mới, rồi thời điểm bắt đầu đến trường (giới thiệu sự hình thành hệ thống chữ viết của người Hàn), đến khi trưởng thành, già nua, bệnh tật (giới thiệu y học của Hàn Quốc) và qua đời, nghi thức cúng giỗ của người Hàn thế nào...

Cách bài trí, sắp xếp khoa học giữa các khu vực trong Bảo tàng dễ dàng đưa câu chuyện về con người, văn hóa Hàn Quốc đi vào lòng du khách. Thậm chí, một số du khách Việt còn nhận ra nhân vật "thầy thuốc" của Bảo tàng là thần y Hur Chun - một danh y có thật dưới triều đại Joseon, trong bộ phim truyền hình cùng tên đã ra mắt khán giả Việt Nam.

Nằm trong khuôn viên Cung điện Gyeongbokgung, Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc lưu giữ hàng trăm nghìn hiện vật có giá trị, được xếp vào top 20 bảo tàng lớn nhất trên thế giới (xét cả về quy mô lẫn lượng khách đến tham quan - trên 3 triệu lượt mỗi năm).

Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cũng là 2 quốc gia có các bảo tàng nằm trong top này.

Xét trên phạm vi toàn cầu, theo thống kê của AECOM về ngành công nghiệp bảo tàng và công viên giải trí, Mỹ và Anh là 2 nước đóng góp đáng kể vào top 20, chia nhau mỗi nước 6 bảo tàng. Khác với châu Á, bảo tàng ở các quốc gia phương Tây không chỉ do chính phủ quản lý mà khu vực tư nhân cũng tích cực tham gia đầu tư bảo tàng và xem đây là ngành công nghiệp hái ra tiền.

Báo cáo của IBISWorld về ngành công nghiệp bảo tàng ở Mỹ cho thấy, doanh thu của ngành này năm 2017 đạt khoảng 12 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn từ 2012 - 2017 là 3,4%. Số lao động làm việc trong ngành xấp xỉ 104.000 người và có gần 10.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Khách đến tham quan Bảo tàng dân gian quốc gia Hàn Quốc

Khách đến tham quan Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc

IBISWorld dự báo ngành công nghiệp bảo tàng sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ kinh tế ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng và các hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành cũng phần nào bị tác động bởi sự phổ biến của các chuyến "tham quan ảo" mà công nghệ internet dẫn dắt.

Một thống kê về ngành công nghiệp văn hóa và nghệ thuật phi lợi nhuận (trong đó có bảo tàng) cho thấy, hằng năm khu vực chung này mang về 135 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ hơn 4,1 triệu việc làm toàn thời gian và đóng góp hơn 22 tỷ USD tiền thuế cho các tiểu bang và liên bang. Một báo cáo khác cũng ghi nhận, các bảo tàng sẽ trả lại 5 USD tiền thuế cho mỗi 1 USD họ nhận tài trợ từ các cơ quan quản lý.

Điều này ngầm xác định họ phải hoạt động có hiệu quả, chí ít về mặt kinh tế, và muốn làm được điều này, ngoài việc lưu giữ các cổ vật hoặc những tác phẩm, công trình nghệ thuật có giá trị (đối với các bảo tàng liên quan đến nghệ thuật), các đơn vị quản lý, đầu tư (đối với tư nhân) phải có hệ thống quản trị, chiến lược quảng bá tốt, nhân sự có chuyên môn...

Cung điện Gyeongbokgung luôn đông khách đến tham quan

Cung điện Gyeongbokgung luôn đông khách đến tham quan

Ông Đỗ Hùng - Chủ tịch HĐQT Kim Group, người có gần 25 năm đam mê sưu tầm cổ vật chia sẻ, quản trị bảo tàng cũng như quản trị doanh nghiệp, đây cũng là nơi kết nối cộng đồng với những giá trị nghệ thuật của lịch sử. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho xã hội. Ở nước ngoài, các bảo tàng nổi tiếng hầu như đều của tư nhân.

Theo ông Hùng, trong lĩnh vực này, lợi nhuận thuộc hàng cao nên việc quản lý đòi hỏi tính đẳng cấp. Dù so với nhiều quốc gia, Mỹ còn "non trẻ" về bề dày lịch sử so với các nước châu Âu (như Pháp, Anh) nhưng đến nay, bảo tàng được xem là đặc sản của họ. Trong ngành công nghiệp này, Mỹ đang dẫn đầu thế giới.

"Không thể đem kiến thức quản trị ngành công nghiệp áp dụng vào việc quản trị mấy nghìn cổ vật với rất nhiều nền văn hóa, việc trưng bày cổ vật, sản phẩm, miêu tả chi tiết phải qua đào tạo và quảng bá cũng phải khéo léo vì doanh thu của ngành này tỷ lệ thuận với phát triển du lịch...", ông Hùng bày tỏ.

Tại Mỹ, khu vực tư nhân tham gia khá nhiều vào ngành công nghiệp bảo tàng nhưng ở châu Á, các quỹ tư nhân, nhà đầu tư chưa mặn mà với ngành này. Từng có ý định xây dựng một bảo tàng cổ vật tại Việt Nam, ông Đỗ Hùng cho biết, bảo tàng thu hút một lượng lớn cổ vật nên chi phí đầu tư không nhỏ, đó là chưa kể vốn đầu tư cho hệ thống bảo vệ.

Ông Hùng dẫn chứng, ở Bảo tàng Louvre (Pháp) - nơi trưng bày bức Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci, dù được 2 lớp kính dày bao bọc nhưng cũng phải có 2 bảo vệ cao to đứng gác.

Theo đại diện Kim Group, vì cổ vật không dễ kiếm nên việc nghèo nàn về cổ vật trong các bảo tàng có thể dễ được tha thứ hơn là tư duy, kiến thức, tính khoa học cũng như cách quản trị kém. Ông Hùng kể, một tiến sĩ kiến trúc bảo tàng có kinh nghiệm 20 năm làm việc cho các bảo tàng lớn của Mỹ đã chia sẻ, các bảo tàng của Việt Nam còn nhiều mặt hạn chế. Để một bảo tàng sống và hoạt động không chỉ đơn giản mang cổ vật đặt vào đó là xong. Không tổ chức các hoạt động cũng như không có nghệ thuật, kiến thức trưng bày phù hợp, không tạo ra tính độc đáo để thu hút người xem, không có kiến thức về bảo quản và vẫn còn tư duy ỷ lại thì rất khó để ngành này trở thành "gà đẻ trứng vàng".

Nhưng đó là tương lai, còn trước mắt chỉ cần thu hút đông đảo người đến tham quan đã là kết quả đáng ghi nhận.

Tại Việt Nam, dù hiện có hàng trăm bảo tàng nhưng theo nhìn nhận của ông Hùng, 3 bảo tàng được xem là phong phú về cổ vật, hiện vật gồm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Hà Nội và Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Song, để các bảo tàng này ngày càng được du khách, đặc biệt là khách quốc tế, biết đến nhiều hơn thì công tác quảng bá cũng cần được chú trọng. Muốn vậy, phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, thậm chí thạo về công nghệ, bởi hiện nay, các thông tin trực tuyến giữ vai trò quan trọng trong việc giới thiệu điểm đến của một quốc gia với du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ về ngành công nghiệp bảo tàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO