Nghệ sĩ và trách nhiệm xã hội

V.LONG| 31/07/2009 07:52

Không chỉ làm từ thiện, đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ và tham gia các hoạt động vì cộng đồng, nhiều nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm xã hội bằng chính tác phẩm của họ.

Nghệ sĩ và trách nhiệm xã hội

Không chỉ làm từ thiện, đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ và tham gia các hoạt động vì cộng đồng, nhiều nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm xã hội bằng chính tác phẩm của họ.

“Cô gái hip-hop” Kim - gương mặt mới trong làng nhạc với những bài rap tự sáng tác và phong cách hip-hop khá ấn tượng đưa vào album vol2 bảy ca khúc xoay quanh những vấn đề xã hội: bạo lực gia đình, yêu quá sớm hay quan hệ trước hôn nhân, nạo phá thai ở lớp trẻ... “Kim thấy chưa có bài hát nào nói về những vấn đề này mà chỉ có những bài hát đẹp đẽ và tô hồng về trường, lớp và sự thơ ngây của lứa tuổi học trò, thậm chí phủ định toàn bộ cuộc sống lớp trẻ”, Kim chia sẻ.

Cảnh trong phim Nhà có nhiều cửa sổ

Đạo diễn Phi Tiến Sơn không chỉ nổi tiếng bởi những bộ phim điện ảnh như Vào Nam ra Bắc, Lưới trời... mà còn bởi những dự án phim truyền hình “dài hơi” gắn với những vấn đề xã hội của giới trẻ. Như Nhà có nhiều cửa sổ không chỉ cảnh báo về HIV/AIDS mà còn khích lệ người trẻ vượt qua những cám dỗ và khó khăn trong cuộc sống để sống có nghị lực và vươn lên trở thành người có ích. Anh thổ lộ, làm những bộ phim như vậy là một cách thể hiện trách nhiệm công dân trước các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, tâm lý e ngại tác phẩm sẽ trở nên khô khan, minh họa hay sa vào tuyên truyền, khiến nhiều nghệ sĩ... tránh xa những đề tài xã hội, thậm chí lo ngại bị bó hẹp sáng tạo nghệ thuật. Thực tế cho thấy, mức độ thành công của những tác phẩm ở nhiều thể loại về đề tài xã hội còn vượt xa hình dung ban đầu của người viết. Viết theo đơn đặt hàng hay nhận lời mời từ các dự án hướng đến cộng đồng, điều quan trọng ở nghệ sĩ vẫn là cảm xúc thật và tài năng. Lá diêu bông của nhạc sĩ Trần Tiến lộ rõ thông điệp tuyên truyền cho kế hoạch hóa gia đình nhưng vẫn làm cho trái tim bao người nghe khắc khoải. Cổ cồn trắng, Chạy án... do nhà báo Nguyễn Như Phong viết kịch bản dễ khiến người ta hình dung tới những bộ phim về vụ án điều tra nhưng đã trở thành những bộ phim hay trong loạt phim Cảnh sát hình sự. Vở kịch Stereo man của Nhà hát Tuổi trẻ khi biểu diễn cho sinh viên nhiều trường đại học đều nhận được những phản hồi tích cực, dù nó đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm là hiện tượng đồng tính...

Nhà văn Thùy Linh - Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình VN, người đã biên tập hàng loạt phim về đề tài chính luận, như Cảnh sát hình sự, Ma làng, Gió làng Kình... và biên tập Bí thư tỉnh ủy (48 tập) cho rằng: “Trước khi trở thành nhà biên kịch, đạo diễn hay đảm nhận một công việc nào khác thì chúng ta đều là công dân”. Theo chị, chính nghệ sĩ phải đối mặt với những vấn đề xã hội, vì chúng xảy ra trong cuộc sống thường nhật, liên quan đến lợi ích “sát sườn” của nghệ sĩ. Làm phim về đề tài xã hội cũng là cách thể hiện những nghĩ suy, trăn trở và trách nhiệm của nghệ sĩ trước những vấn đề của xã hội, của đất nước.

Vậy Kim - ca sĩ thế hệ “9X” với những đề tài xã hội nhạy cảm và tế nhị thì lấy kiến thức thực tế và cảm hứng từ đâu? Theo Kim, điều quan trọng là viết theo phương thức nào. Cô viết những vấn đề xã hội bằng những ca từ đơn giản, gần gũi, đời thường. Chứng kiến nhiều bạn của mình yêu, quan hệ trước hôn nhân... nên Kim không cảm thấy xa lạ khi đề cập đến những vấn đề này trong tác phẩm. Cô cũng muốn người nghe tự suy ngẫm chứ không áp đặt suy nghĩ của bản thân trong tác phẩm.

Suy cho cùng, những vấn đề xã hội mà nghệ sĩ đối mặt chính là hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Mà tác phẩm thì không thể thoát thai khỏi hiện thực xã hội, dù có thể đó là hiện thực trực tiếp hay gián tiếp. Dưới lăng kính của nghệ sĩ, vấn đề xã hội được “khúc xạ” nhiều chiều hơn, có thể dễ khiến người tiếp nhận “cảm” được thông điệp một cách hiệu quả và rõ ràng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ sĩ và trách nhiệm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO