Nghệ sĩ trẻ tìm đến ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế

KHẢI LY| 04/10/2014 06:01

Các nghệ sĩ trẻ vẫn kiên nhẫn theo đuổi đam mê, tựa như từng giọt nước mưa cứ nhỏ xuống thấm dần, tìm khán giả đồng điệu để nuôi dưỡng xu hướng nghệ thuật mới.

Nghệ sĩ trẻ tìm đến ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế

Những đổi mới được ghi nhận ở các hình thức nghệ thuật từ điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, hội họa... đến những thể loại mới mẻ như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện... vẫn còn kén người xem nhưng các nghệ sĩ trẻ vẫn kiên nhẫn theo đuổi đam mê, tựa như từng giọt nước mưa cứ nhỏ xuống thấm dần, tìm khán giả đồng điệu để nuôi dưỡng xu hướng nghệ thuật mới.

Đọc E-paper

Live show múa Sống do Dance Center và biên đạo John Huy Trần thực hiện đã được giới thiệu trong một buổi họp báo diễn ra trong không khí sôi động, trẻ trung của những màn biểu diễn đầy ngẫu hứng. Sự hứng khởi của các vũ công trẻ đã truyền tải thành công đến người xem câu hỏi "Sống là thế nào?".

Nghệ thuật mới lạ, tìm tòi bản ngã cá nhân

Với kịch bản được viết bởi biên đạo múa người Pháp gốc Việt Linh Rateau, Sống chỉ là một từ đơn giản nhưng lại truyền tải đầy đủ mong muốn của các nghệ sĩ đến những người trẻ rằng cuộc sống cũng như một trò chơi, khi ăn được điểm, bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

Vậy nên hãy chọn con đường đúng đắn xuất phát từ đam mê và biết đứng lên sau những lần vấp ngã. Theo John Huy Trần, Sống là thực đơn nghệ thuật múa jazz, múa ballet, beat box, hip hop, vẽ graffiti và đặc biệt có sự tham gia của hai ca sĩ khách mời là Mỹ Tâm và Phương Vy.

"Mỹ Tâm và Phương Vy sẽ không còn là những ca sĩ đơn thuần đến hát trong chương trình, mà họ là một phần của vở diễn. Họ sẽ kể chuyện và dẫn dắt khán giả thông qua câu chuyện của Sống. Và dù có khá nhiều thể loại trong buổi biểu diễn múa này nhưng tất cả đều đi theo một phong cách chung, đó là phong cách hơi bụi bặm, thoải mái của đường phố”, John nói.

Thật sự người xem ai cũng mong Sống sẽ được đón nhận nhờ tài năng của diễn viên và sự mới lạ của những trích đoạn hát và múa hiện đại, ngôn ngữ hình thể như biểu tượng chứ không phải là minh họa như xem các tiết mục múa trong chương trình ca nhạc. Để sáng tạo ra Sống, cả người viết kịch bản lẫn biên đạo đều học nghệ thuật ở nước ngoài và quyết định về nước lập nghiệp.

Những ngôn ngữ nghệ thuật mới lạ, có phong cách riêng, họ đem theo về xu hướng tìm tòi bản ngã của con người trong vòng xoay cuộc sống, phân tích và tuyên ngôn rất... cá nhân. Đồng hành với cuộc sống hiện đại của người trẻ, nói bằng ngôn ngữ của họ thì mới có khả năng tạo dấu ấn thu hút.

Nhóm kịch Buffalo trở thành hiện tượng khi dàn dựng vở Vũ nữ. Một câu chuyện về luật nhân quả của đời người, tưởng như truyền thống nhưng phong cách thể hiện hình thể và vũ đạo kể một câu chuyện đời người dài mấy chục năm, không thiếu tiếng cười và lạ nhất là lấy được nước mắt khán giả.

Và ở đó nổi bật lên là trăn trở về khao khát khám phá bản ngã con người. Càng diễn, nhóm kịch Buffalo càng tạo ra những cơn sốt vé, diễn viên càng quên mình trong những điệu nhảy múa kéo dài thật lôi cuốn. Một vở nhạc kịch nếu người nước ngoài xem dù không hiểu lời thoại cũng nắm được nội dung.

Lao động như niềm đam mê không hối tiếc

Các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng không hiếm sự bứt phá. Trong nhiếp ảnh, Maika với bộ ảnh Yêu là yêu nói về người đồng tính được giải World Press Photo 2012.

Bộ ảnh thể hiện sự công phu, chuyên nghiệp, nhưng vấn đề là nó khác hẳn phong cách của những tác phẩm cũng từng được giải thưởng quốc tế. Maika bắt kịp những phóng sự ảnh báo chí hiện đại, khai thác một chủ đề với nhiều tầng sâu thẳm trong số phận một người chỉ biết "yêu là yêu" với những khung hình kiên nhẫn như thể cô cùng các cặp đôi trải qua những tháng ngày yêu thương chưa biết khi nào kết thúc và cô chứng minh, mặc dù rất nhẫn nại nhưng cô không thấy gì đặc biệt, đó là những mối tình rất bình thường, tình thật.

Đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm có phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, ròng rã với đoàn người lang bạt biểu diễn tạp kỹ, những người đồng tính.

Góc máy quay trực tiếp, không dàn dựng, sắp xếp, chia sẻ với họ giờ phút vinh quang ở một sân khấu làng hay cảnh yêu đương khổ sở của một "chị gái" vốn là người đàn ông già đầy cảm tính và yêu người đồng tính. Thắm quay phim bằng trực giác, bỏ hết những ý tưởng dàn dựng ban đầu để kể một câu chuyện bản thân cô không thấy hồi kết.

Xem phim của Thắm mới thấy, chỉ có sự dấn thân, nhiều tháng trời ăn ở và sống cùng những thành viên trong đoàn lô tô của chị Phụng, lê la từ tỉnh này qua tỉnh khác không khác gì một thành viên trong đoàn, Thắm mới ghi lại được những chi tiết đắt giá đến thế, những lời thoại vừa chân chất vừa gan ruột đến thế.

Gần như không có điều gì cần phải che giấu, không có một sự đề phòng nào, họ chia sẻ những câu chuyện của cuộc đời họ, chấp nhận sự miệt thị của người đời. Phong cách làm phim như thế chưa bao giờ được các hãng phim tài liệu chính thống thực hiện. Vì vậy, phim của Nguyễn Thị Thắm đến được nhiều liên hoan phim quốc tế.

Và để theo đuổi con đường nghệ thuật mới mẻ, một điểm chung của các nghệ sĩ là phải lao động cật lực. Nguyễn Thị Thắm làm dự án mất 5 năm, Maika cũng mất 3 năm thực hiện bộ ảnh. Thế mới thấy, những người trẻ này rất kiên trì với việc tìm đến ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế và một khi họ đã làm thì sẽ làm với niềm đam mê không hối tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ sĩ trẻ tìm đến ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO