Ngàn năm áo mũ

ĐOÀN GIA| 04/09/2013 01:36

Kết hợp giữa triển lãm và xuất bản sách, Trần Quang Đức đã mang đến cho thế hệ trẻ cái nhìn tương đối đầy đủ về đời sống của người Việt xưa thông qua những câu chuyện được kể từ trang phục.

Ngàn năm áo mũ

Kết hợp giữa triển lãm và xuất bản sách, Trần Quang Đức đã mang đến cho thế hệ trẻ cái nhìn tương đối đầy đủ về đời sống của người Việt xưa thông qua những câu chuyện được kể từ trang phục.

Đọc E-paper

Mãng bào đại triều của quan chính nhị phẩm triều Nguyễn

Sinh năm 1985 tại Hải Phòng, Trần Quang Đức là cái tên khá trẻ trong giới nghiên cứu. Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đoạt giải nhất cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ lần thứ 3 dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới.

Năm 2009, anh tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Hiện anh là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam.

Từ năm 2010 - 2012, trong khi đang là biên tập viên của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Trần Quang Đức đã bắt đầu tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt Nam và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ.

Đây được xem là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: Dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).

Theo Trần Quang Đức, trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Do đó, Ngàn năm áo mũ vừa đưa ra hình ảnh hiện vật, vừa lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam.

Coi thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo so với trang phục cung đình Trung Quốc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.

Xuất phát từ đặc trưng này, để dựng nên bức tranh phục trang một cách khách quan và chân thực, tác giả Trần Quang Đức đã tìm kiếm và xử lý một lượng tư liệu lớn, cố gắng truy nguyên về nguồn, tìm ra tư liệu gốc chuẩn làm cơ sở, diễn dịch những tư liệu đó một cách chuẩn xác.

Trần Quang Đức cũng đã khảo sát thận trọng dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan, đồng thời, cũng cung cấp nhiều tư liệu tranh tượng để người xem có thể đối chứng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, Ngàn năm áo mũ đã bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung bởi từ trước tới nay, trang phục Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử là một chủ đề luôn được các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa và công chúng dành sự quan tâm sâu sắc. Đó chính là lý do ngay từ khi mới ra mắt, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

Không muốn dừng ở trang sách, Trần Quang Đức cùng đơn vị xuất bản quyết định mang áo mũ nghìn xưa ra để ai muốn có thể tiếp kiến. Triển lãm Ngàn năm áo mũ tổ chức tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội, diễn ra từ ngày 23/8 là kết quả của nỗ lực đó.

Tuy chỉ trưng bày 15 tranh, ảnh tư liệu khổ lớn trong sách, trong đó có bức tranh khổ lớn "Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” dài 4m và 2 bộ triều phục đời Nguyễn, nhưng triển lãm đã thu hút được khá đông khách thưởng lãm.

Mới thấy, nếu có những hoạt động giàu tính văn hóa, nối dài từ sách bước ra đời như thế, những đầu sách tưởng chừng "khó nhằn" ấy sẽ đến với người đọc dễ biết bao. Đây cũng là một cách để giảng dạy và lĩnh hội kiến thức lịch sử khá nhẹ nhàng.

>>Nguyễn Xuân Hoàng một đời viết văn, làm báo, dạy học
>>
Thương hiệu nhà văn, hành vi độc giả
>>
Ai được như ông Nguyễn Ánh 9?
>>
NSND Bạch Diệp - hai lần đò, một đời cô độc


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngàn năm áo mũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO