Nam Thiên Nhất trụ

TRẦN THANH PHƯƠNG| 18/07/2009 08:28

Tại TP.HCM cũng có một ngôi chùa được xây dựng theo đúng kiến trúc của chùa Một Cột ở Hà Nội gọi là “Nam Thiên Nhất trụ” hay chùa Một Cột phương Nam

Nam Thiên Nhất trụ

Ở Hà Nội có một cụm kiến trúc gồm ngôi chùa và toà đài dựng giữa hồ vuông. có tên chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Đài này quen gọi là chùa Một Cột, hình vuông, mỗi bề 3 mét, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ duy nhất. Cột có đường kính 1,2 mét, cao 4 mét, (chưa kể phần chìm dưới đất), đầu cột có những thanh gỗ, tạo thành bộ khung sườn kiên cố, đỡ cho ngôi đền dựng bên trên khác nào một đoá hoa sen vươn thẳng trên khu ao hình vuông có lan can bằng gạch bao quanh. Từ bên ngoài có lối nhỏ bằng gạch đi qua ao đến một chiếc thang xinh xắn dẫn lên Phật đài.

Chùa Một Cột ở Hà Nội

Chùa được xây dựng vào thời Lý, năm 1049. Truyền thuyết kể rằng, vua Lý Thái Tông (1028-1054) tuổi đã cao mà vẫn chưa có con, một đêm nằm chiêm bao thấy Phật Bà Quan Âm hiện lên trên đài sen, tay bế đứa con trai trao cho ngài. Quả nhiên sau đó không bao lâu, hoàng hậu sinh con trai. Vua bèn cho xây dựng một ngôi chùa có hình dáng như bông sen vươn trên mặt nước để tri ân Đức Phật.

Tại TP.HCM cũng có một ngôi chùa được xây dựng theo đúng kiến trúc của chùa Một Cột ở Hà Nội như nêu trên, gọi là “Nam Thiên Nhất trụ” hay chùa Một Cột phương Nam (xem ảnh). Chuyện kể rằng: Từ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt, nhiều người miền Nam “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” và nhiều người từ miền Bắc vào Nam sinh sống, ước muốn có một hình ảnh nào đó của Hà Nội hiện hữu ở Sài Gòn để được chiêm ngưỡng cho đỡ nhớ đất “ngàn năm văn hiến”.

Ngày 8/4/1958 (Mậu Tuất), hoà thượng Thích Trí Dũng cho xây dựng ngôi chùa Một Cột tại Sài Gòn (nay là số 511, đường Nguyễn Văn Bi, quận Thủ Đức), gọi là Nam Thiên Nhất trụ. Chùa được kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức thiết kế, toạ lạc trên diện tích khoảng 1 ha.

Chùa Một Cột ở Thủ Đức, TP.HCM

Cổng tam quan của chùa được nép bên hai bóng cây đa lớn. Từ tam quan, đi thẳng vào có một hồ vuông mang tên Long Nhãn, có nhiều loại cá quý và rùa. Giữa hồ là đài Liên Hoa được xây dựng bằng ximăng cốt thép. Đó chính là ngôi chùa. Trong chùa thờ Đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Gian giữa chánh điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các pho tượng Phật Bồ Tát, Hộ Pháp, các hương án, bao lam, phù điêu… là những công trình nghệ thuật do nghệ nhân Bá Nhâm thực hiện. Sau chánh điện là nhà lưu niệm và bảo tháp Nam Thiên được thiết kế công phu, bên trong có kim tĩnh được ghép 21 cánh sen lớn bằng men màu xanh nhập từ Nhật Bản. Nhà lưu niệm Hoà thượng Thích Trí Dũng có nhiều hình ảnh quý, đó là ảnh Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới, Hòa thượng Thích Trí Dũng và hình ảnh nhiều đoàn khách đến thăm chùa. Ngoài ra còn có bản kinh Phật trên lá bối do Thủ tướng Ấn Độ tặng năm 1964.

Trong khuôn viên chùa có tượng Quan Thế Âm đứng; tượng Di Lặc với nụ cười hoan hỉ như ban phước lành cho chúng sinh.

Đây là một trong những danh lam thắng cảnh, là một nét độc đáo trong đời sống văn hoá tâm linh chốn cửa thiền của người dân TP.HCM, nhất là các Phật tử và du khách vãn cảnh chùa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nam Thiên Nhất trụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO