Myanmar: sự phục sinh của mỹ thuật

ĐÔNG HÀ/DNSGCT| 17/11/2012 09:08

Khi những cấm vận đã qua đi, chúng tôi có thể triển lãm tác phẩm của mình nhiều hơn và có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn” – phát biểu của họa sĩ Nyein Chan Su.

Myanmar: sự phục sinh của mỹ thuật

“Khi những cấm vận đã qua đi, chúng tôi có thể triển lãm tác phẩm của mình nhiều hơn và có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn” – phát biểu của họa sĩ Nyein Chan Su. Với sự nới lỏng hoặc dỡ bỏ từng phần lệnh cấm vận đối với Myanmar của Mỹ, EU và một số nước phương Tây nhờ những cải cách chính trị sâu rộng của chính quyền ở Naypydaw, họa sĩ này đang hy vọng nền mỹ thuật nước nhà sẽ trỗi dậy mạnh mẽ sau nhiều năm dài bị ngăn cách với thế giới bên ngoài.

Đọc E-paper

Dù những năm qua tranh Myanmar cũng được giới thiệu ra nước ngoài, nhưng cũng chỉ bó hẹp ở vài nước Đông Nam Á và xa hơn là Trung Quốc. Bây giờ thì các gallery quốc tế từ Hongkong đến New York đã sẵn sàng để tìm kiếm những tài năng cũng như những tác phẩm mỹ thuật có giá trịở Myanmar.

Giá tranh chắc chắn sẽ tăng như mong đợi của Nyein Chan Su. Năm nay 38 tuổi, Nyein Chan Su hiện là thành viên sáng lập Studio Square, một gallery nhỏ bé của nhóm bốn họa sĩ bè bạn, đặt tại tầng hai một khu chung cưở Yangon, thành phố lớn nhất và từng là thủ đô của Myanmar.

Tranh đẹp giá bèo

Tranh của Nyein Chan Su vẫn có giá rất thấp so với giá trị thực của tác phẩm

Trong hơn hai thập niên Myanmar sống dưới chế độ quân phiệt, rất hiếm du khách phương Tây tìm đến quốc gia này do lệnh cấm vận, và nếu có thì số ít ỏi đó cũng chẳng chi tiêu gì nhiều vì họ chỉ có thể dùng tiền mặt. Tranh của các họa sĩ, kể cả những người xuất sắc nhất, được bán với giá rất thấp.

Ở gallery Studio Square chẳng hạn, chẳng có bức tranh nào được bán với giá trên 1.000 USD, phần lớn chúng có giá chừng 500 USD, dù đó là tác phẩm của nhóm các họa sĩ đương đại hàng đầu tại Myanmar hiện nay. Thật khó tin khi những bức tranh đặc sắc của Nyein Chan Su với những nhát màu phóng khoáng mà tài hoa, sống động mà giản dị lại bán chỉ với giá thấp như vậy.

Điều này khiến người ta không khỏi liên tưởng đến giá tranh của các họa sĩ Việt Nam nhiều năm trước đây. Trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1994, rất hiếm có họa sĩ bán tranh được với giá 1.000 USD, nhưng nay thì các tên tuổi “hot” nhất có thể bán với giá gấp mười lần hay hơn thế nữa.

Dù sao thì giá tranh tại Myanmar đã bắt đầu nhích lên, trước hết là với một vài tên tuổi được coi là thành công nhất về mặt thị trường như Min Wae Aung, người nổi tiếng từ lâu với những bức tranh khổ lớn vẽ các nhà sư khất thực, che quạt hay dù để tránh nắng, mưa. Có lẽ vì ông là một trong những họa sĩ thể hiện được cái hồn của một đất nước mà đạo Phật là quốc giáo.

Tranh siêu thực của họa sĩ Zaw Ko Ko

Cô Ma Thit, Giám đốc điều hành gallery New Treasure ở Yangon chỉ vào bức tranh Min Wae Aung vẽ bốn nhà sư đi dép, che dù cho biết: “Bức này có giá 9.000 USD”. Nổi lên như một hiện tượng mỹ thuật Myanmar vào thập niên 1990, các triển lãm cá nhân của Min Wae Aung đã được tổ chức tại Singapore và một số nước Đông Nam Á khác.

Đến năm 1998, khi Bảo tàng Mỹ thuật Singapore đưa một bức tranh của Min Wae Aung vào bộ sưu tập Đông Nam Á thì một số gallery ở Mỹ, châu Âu bắt đầu tìm mua tranh ông. Thậm chí ở một số gallery tại Paris, London và Hongkong, tranh của Min Wae Aung đã bán được với giá 20.000 USD.

Tuy nhiên Min Wae Aung là một ngoại lệ trong một đất nước từng có một thời gian dài số đông họa sĩ phải sống vô danh, không được ai biết tới, luôn lo sợ những gì họ sáng tác sẽ bị săm soi, kiểm duyệt về mặt chính trị nếu như họ muốn thể hiện những khía cạnh đa dạng cuộc sống. Ngay tại gallery New Treasure vào loại lớn nhất ở Yangon thì giá tranh trung bình hiện nay của rất nhiều họa sĩ chỉ khoảng 350 USD, như cô Ma Thit cho hay.

“Chúng tôi đang chờ đợi thời của mình”

Một trong những nguyên nhân chính khiến giá tranh ở các gallery trong nước không thể bán giá cao là vì “du khách (phương Tây) chỉ mang theo ít tiền mặt khi đi du lịch, và chúng tôi cũng chỉ nhận tiền mặt do không thể nhận thẻ tín dụng – hậu quả của lệnh cấm vận, do vậy giá tranh của hầu hết họa sĩ chẳng thay đổi trong nhiều năm qua – cô Ma Thít nói – Tất nhiên giá tranh rồi sẽ tăng khi cấm vận không còn nữa. Chúng tôi đang chờ đợi. Các họa sĩ đang chờ đợi”.

Tranh đề tài Phật giáo của Min Wae Aung hiện có giá cao nhất tại Myanmar cũng như ở các gallery nước ngoài

Trước năm 1993, đất nước với 60 triệu dân này chỉ có hai trường đào tạo mỹ thuật, một tại Yangon, một tại Mandalay. Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật quốc gia Myanmar được thành lập năm 1993, mở rộng đào tạo nghệ thuật cổ truyền có từ thời đất nước này còn là thuộc địa của đế quốc Anh. Sidney Cowell, chủ nhân gallery Asia Fine Art ở Hongkong cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy một nguồn dự trữ khổng lồ các nghệ sĩ tạo hình Myanmar, nhiều người trong số đó có phẩm chất nghệ thuật rất cao. Công việc của chúng tôi với Myanmar, với các nghệ sĩ xứ này thì sạch sẽ, có nguồn gốc rõ ràng. Chúng tôi chẳng bắt gặp bất kỳ tranh chép, tranh nhái nào; chẳng bắt gặp gì khác ngoài nghệ thuật”.

Cho dù thời thế đã thay đổi đến chóng mặt ở Myanmar thì đề tài Phật giáo vẫn thống trị lĩnh vực mỹ thuật, tuy nhiên nhiều họa sĩ đang tìm kiếm những chủ đề mới, những cách thể hiện mới và những kỹ thuật mới. Các hình thức nghệ thuật đương đại cũng bắt đầu được khai phá.

Ngay cả họa sĩ kỳ cựu Kyee Myintt Saw, 73 tuổi, tác giả của những tranh phong cảnh theo phong cách Ấn tượng vốn bán rất chạy tại các gallery trong nước nay cũng khám phá những chân trời mới mà lâu nay gần như là cấm kỵ trong một đất nước theo đạo Phật: tranh phụ nữ khỏa thân.

Tranh của họa sĩ Khin Zaw Latt vẽ bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh đối lập tại Myanmar, với gương mặt in hình ảnh của phụ thân bà: anh hùng dân tộc – tướng Aung San

Đất nước mở cửa, một dòng thác du khách tràn vào Myanmar, đem đến cho giới tạo hình bản xứ những thông tin mới mẻ, bên cạnh đó là những gì họ thu nhận được từ internet. New Zero Art Space, một gallery hoạt động phi lợi nhuận mới ra đời ít lâu đã bắt đầu tổ chức chương trình nhiệm trú sáng tác (artist-in-residence program), qua đó các nghệ sĩ nước ngoài đến sống, sáng tác và chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm nghệ thuật với các đồng nghiệp bản xứ.

Trong các gallery lớn, nhỏ ở Yangon và vài thành phố khác, bây giờ du khách có thể chọn mua tranh với nhiều chủ đề đa dạng chứ không chỉ có hình ảnh những đền chùa, Đức Phật và sư sãi. Ở gallery River nằm trong Khách sạn Strand ở Yangon, du khách có thể tìm thấy tranh với nhiều ngôn ngữ tạo hình, từ biểu hình đến bán trừu tượng và trừu tượng.

Gill Pattison, nữ chủ nhân đã điều hành gallery River được hơn sáu năm cho biết: “Nghệ thuật là cách tuyệt diệu nhất để hiểu được xứ sở này. Dù các chủ đề trong tranh vẫn nặng truyền thống thì đã có nhiều bức tranh đề tài khác rất đáng chú ý”.

Richard Streiter, người sáng lập gallery ArtAsia ở New York vốn gắn bó với mỹ thuật Myanmar từ nhiều năm nay cho biết: “Đây là một sự mở cửa thật ngoạn mục. Cánh cửa vừa được mở toang ấy đã từng đóng kín trong nhiều thập niên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Myanmar: sự phục sinh của mỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO