“Một thời chân đất”: Quyển sách của tình người

Phan T. Tuyết Mai| 27/03/2021 08:39

Thanh niên xung phong - 45 năm trước họ đã sống trọn nghĩa với quê hương, họ có quyền lưu nhớ và tự hào về những năm tháng ấy - những năm tháng của Một thời chân đất.

h3-2673-1616746001.jpg

Tôi được mời dự buổi giao lưu và ra mắt giới thiệu tập sách Một thời chân đất nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập thanh niên xung phong (TNXP) của TP.HCM (28/3/1976-28/3/2021). Khi bước vào, tôi nhìn thấy màu áo xanh đặc trưng của TNXP đứng, ngồi gần như kín cả hội trường. Những mái tóc bạc bên cạnh vài mái đầu xanh; họ tay bắt mặt mừng, ôm nhau rưng rưng nước mắt. Tôi chợt hiểu, những đồng đội một thời đã lâu không gặp, nhờ có dịp này họ mới gặp nhau. Nụ cười của những người đã không còn trẻ nữa, song ánh mắt của ai cũng rực sáng, dẫu ở đuôi mắt đã hằn lên rất rõ dấu chân chim.

Tôi lặng nhìn và lắng nghe...

Họ như sống lại những ngày tuổi trẻ thuở nào. Tiếng hát dường như vẫn hùng tráng lắm...

“Xa nông trường ra biên giới

Có đôi khi đi không trở lại

Nhưng trong lòng nghe tiếng nói

Những gian nan sẽ đo lòng người...”

Những tháng ngày ấy họ dư giả gian nan, thừa thãi nhọc nhằn; song nơi nào có TNXP thì tiếng cười, tiếng hát của họ luôn vang lên không ngớt. Mỗi người đến với TNXP đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có chung một lý tưởng. Mồ hôi của họ đã đổ xuống những cánh đồng, những nông trường, những dòng kênh... Và hơn thế nữa, có những người đã ngã xuống, vĩnh viễn không về... góp phần làm nên biên giới Tây Nam bình yên đến hôm nay.

Ngày 20/3/2021, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và “nhóm thực hiện” (gồm 8 cựu TNXP) cho ra mắt tuyển tập Một thời chân đất và trao quà cho đồng đội cựu TNXP đang gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

135 phần quà (mỗi phần trị giá 4,5 triệu đồng tiền mặt cùng một tập sách). Xét ở góc độ nào đó thì số tiền này quá nhỏ bé, so với nhu cầu của những người từng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Họ, ngày xưa nơi chiến trường, có khác gì người lính, nhưng tiếc thay họ là những người lính không quân hàm, không quân tịch. Để ngày trở về họ chẳng có gì! Nay họ đã là những người đang bước những bước nhọc nhằn phía bên kia triền dốc cuộc đời. Tuổi già ập đến, sức yếu, chân chồn, cuộc sống trăm bề vất vả gian nan. Thế nhưng, khi khó khăn chồng chất khó khăn, bệnh tật triền miên, ăn bữa trưa lo cho bữa tối... thì số tiền mà họ nhận được từ đồng đội hôm nay, quả là phần quà quá ý nghĩa đối với họ! Bởi số tiền đó không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là cái tình, là ngọn lửa của đồng đội gửi đến để sưởi ấm tâm hồn, mà lâu nay tưởng đã không có, không còn!

Để được số tiền thu về từ việc phát hành sách, dùng chăm lo cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật này, trước hết phải nói đến ý nghĩa chương trình Một thời chân đất và vai trò của nhóm thực hiện.

Một điều thú vị, trong tuyển tập 416 trang với 48 tác giả và 8 họa sĩ góp mặt, có một số tác giả là doanh nhân và bên cạnh đó, doanh nhân đã đóng góp tặng trọn số tiền in ấn 4.500 quyển sách cho việc làm ý nghĩa này.

Ngay trước chỗ tôi ngồi là hai cựu TNXP ngồi trên xe lăn đến dự buổi họp mặt. Trong hai người, có một người không tự vận động được, muốn di chuyển phải có người hỗ trợ - hai chân đã quá yếu, còn hai tay thì co quắp (bởi di chứng của bệnh tiểu đường và bệnh gout lâu năm). Khi nhìn anh ấy đón nhận phần quà một cách khó khăn, mắt tôi chợt rưng rưng, tôi không hiểu người cựu TNXP ấy đang vui hay buồn nữa - anh cứ cúi xuống, lấy vành mũ che đi đôi mắt của mình. Rồi tôi nghĩ: “Có lẽ anh ấy vui vì được đồng đội quan tâm, ân cần thăm hỏi; buồn vì một thời cống hiến nhưng hình như đang bị ai đó lãng quên...!”.

Hai chữ “đồng đội” sao thiêng liêng quá, vì ngoài nhóm thực hiện tuyển tập Một thời chân đất còn có hàng trăm người trong và ngoài TNXP tham gia (bằng mọi hình thức) trong quá trình thực hiện tuyển tập. Người lo thu nhận và biên tập bài, người lo tài chính, người lo tìm đồng đội khó khăn, người lo phát hành - tạo nên những mắt xích nối kết với nhau. Bộ phận này lôi kéo, trợ giúp bộ phận kia. Nhờ uy tín cá nhân của từng người trong nhóm thực hiện, dẫn đến việc vận động mọi người “gửi tiền ủng hộ”, đến “mua sách khi chưa phát hành”, cho đến “tài trợ in ấn miễn phí hoàn toàn”... Mỗi người một tay, cuối cùng có đủ số tiền lo cho đồng đội đang gặp khó khăn.

Lật từng trang Một thời chân đất tôi bất giác cười rung cả người, với lối viết dí dỏm của tác giả Nguyễn Nhật Ánh trong lá thư tỏ tình “tôi yêu me!” trên đường xóa mù chữ. Rồi ngay sau đó, tôi đau thắt cả tim với hồi ký của nhà báo Trần Ngọc Châu, viết về cô Ngọc Lan bị trúng đạn xuyên tim hấp hối trên tay đồng đội, nhưng vẫn động viên mọi người tiếp tục mở đường. Rồi tôi đã nghiêng mình kính phục sự chịu đựng của Đàm trong truyện ngắn Chết thay của Bùi Nguyễn Trường Kiên, khi anh bị hàm oan bởi tội “quan hệ với người dưới tuổi vị thành niên”. Mãi đến lúc chết, khi khám nghiệm tử thi, những người thân nhất của anh mới biết rằng, anh đã gởi lại ở chiến trường năm xưa một phần thân thể của mình - nơi người đàn ông duy trì nòi giống...

TNXP - 45 năm trước họ đã sống trọn nghĩa với quê hương, họ có quyền lưu nhớ và tự hào về những năm tháng ấy - những năm tháng của Một thời chân đất.

Tác phẩm Một thời chân đất vừa đến tay bạn đọc, chưa thể đánh giá sức hấp dẫn của nó nhưng tôi chắc rằng chương trình “phát hành sách gây quỹ hỗ trợ đồng đội” đã thành công, tạo tiếng chuông lớn cho xã hội: “Hãy quan tâm hơn nữa đối với cựu TNXP”!  

PHAN T. TUYẾT MAI - Tổng giám đốc Công ty TMTM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Một thời chân đất”: Quyển sách của tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO