Một ngôi làng mất đi như một cuộc đời khép lại...

BÍCH HỒNG| 24/06/2015 09:06

Trưởng làng Kon Sơ Lăl, Gia Lai ngậm ngùi nhớ ngôi làng cũ đã phải bỏ đi, nhường chỗ cho lâm tặc hoành hành chặt phá hết gỗ quý

Một ngôi làng mất đi như một cuộc đời khép lại...

Dịp Tết Nguyên đán cách đây hai năm, tôi có một chuyến hành trình thú vị đến thăm làng Kon Sơ Lăl ở huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Sau rất nhiều cuộc điện thoại kết nối, người trưởng làng còn trẻ đến đón chúng tôi vào nơi ở của bà con. Tôi ngán ngẩm nhìn những ngôi nhà tôn kiểu đồng bằng, chúng gợi nhớ các khu kinh tế mới thập niên 1980, cây cối chưa kịp mọc nhiều, những ngôi nhà cứ trơ trọi giữa cao nguyên.

Đọc E-paper

Trò chuyện một lúc, anh trưởng làng hiểu ra chúng tôi muốn tìm làng Kon Sơ Lăl cũ. Lại đi, lần này đi sâu vào thung lũng, và phải tách khỏi con lộ rộng, thẳng Nhà nước mới làm xong. Anh trưởng làng có vẻ lưu luyến con đường và chiếc xe hơi bỏ lại. Chúng tôi đi bộ thêm 3km.

Và ngôi làng cũ hiện ra, tuyệt đẹp với kiến trúc Bana đơn sơ, vừa hùng tráng trong cuộc sống giữa rừng, vừa nương tựa và chiến đấu, vừa mâu thuẫn, vừa hòa hợp trong cuộc sống với thiên nhiên. Tôi cảm nhận được tinh thần ấy qua hai ông bà Bok Chil, chính là cha mẹ ruột của anh trưởng làng. Bok Chil khi ấy 68 tuổi. Ngày chúng tôi ở đấy, Bok Chil vẫn ngồi đan gùi từ sợi mây rừng.

Ông đan xong cái nào lại gửi con trai mang về làng mới, đơn giản là để con cháu dùng. Nhưng tôi nhìn ông ngồi uốn mây, thắt từng nút mây giống như đang trong cuộc chiến chống lại cái gì đó mới mẻ mà ông không thích nó xâm nhập vào cuộc đời không còn bao lâu nữa của ông.

Vợ chồng già Bok Chil là hai người duy nhất không chịu về làng mới. Họ lủi thủi trong làng cũ, lên rẫy làm lúa, vào rừng lấy mây, có lúa thì gọi con cháu về lấy. Không thể quên được ánh mắt buồn buồn của ông bà nhìn chúng tôi háo hức chụp ảnh từ vòi nước xối xả không người sử dụng đến những dụng cụ đi rẫy vứt chỏng chơ trên cầu thang.

Đặc biệt nhất là kiến trúc nhà rông của làng Bana với mái rộng chở che và hàng cột bằng gỗ quý. Nhà rông im ỉm, bụi bặm vì quá lâu không còn lễ hội nào kể từ ngày làng dời ra quốc lộ. Trông ngôi làng chẳng khác nào tuổi xế chiều của một con người, cố gắng níu giữ quá khứ với sự hiện diện của cặp vợ chồng già.

Ngày ấy số phận ngôi làng đang nằm trong quy hoạch về một dự án du lịch văn hóa. Làng cổ trăm năm còn sót lại của người Bana trên Tây Nguyên với đầy đủ giá trị về kiến trúc, kỹ thuật dựng nhà và vật dụng sản xuất, đời sống đang được tính toán trùng tu, nâng cấp để làm du lịch. Dự án mới chỉ dừng lại ở kế hoạch, cũng chưa có nghiên cứu cụ thể việc khai thác những giá trị nào, người làng Kon Sơ Lăl sẽ tham gia khai thác tour du lịch này ra sao.

Tôi nhớ trưởng làng Kon Sơ Lăl lúc rửa chân ở vòi nước đầu làng đã bảo: "Dân làng nhớ làng cũ lắm, nhưng nó ở xa đường lộ, không thuận tiện gì, chúng tôi ở trong làng mới thấy khó chịu như con chim bị nhốt trong lồng, không có chút quen thuộc nào. Mấy năm rồi làng không đủ sức tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Bọn thanh niên bây giờ chỉ thích hát karaoke, uống rượu mỗi ngày. Chúng nó nghe lời lâm tặc, đòi dỡ làng, lấy gỗ quý đem bán, nghe nói có thể bán được vài tỷ đồng". Không biết đang buồn hay vui mà anh ấy cứ đứng kỳ cọ bàn chân trong dòng nước giá lạnh của buổi sáng đầu Xuân năm ấy.

Tôi nghĩ đến làng mới ở ven quốc lộ, rồi ngắm nhìn làng cũ trong thung lũng, thấy buồn làm sao cho số phận một ngôi làng, một trang văn hóa đứt gãy rất giống cuộc đời một con người vì mưu sinh phải gồng gánh gia đình, vợ con ra thành phố thành người bán hàng rong, chui vào các khu nhà trọ tồi tàn gần khu công nghiệp, bỏ lại ruộng đồng, những đình chùa hương tàn khói lạnh.

Thế rồi mới cách đây vài tuần, tin dữ đã đến. Một bản tin ngắn ngủi trên Báo Gia Lai cho biết, trong một cơn giông, sét đánh vào làng Kon Sơ Lăl và thiêu rụi toàn bộ hơn mười ngôi nhà trong thung lũng. Không còn gì trong đống tro tàn ấy, gió sẽ thổi nó bay đi, mưa sẽ làm nó tan ra và thấm vào lòng đất. Rồi cây dại sẽ mọc lên và hoàn tất việc còn lại: phủ kín tàn tích của ngôi làng. Lúc này có nói một lời tiếc nuối cũng đã muộn!

>Thăm ngôi làng có hơn 500 tỷ phú

>Ngôi làng bách niên giai lão

>Mai một làng mai

>Làng có thầy dạy vua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một ngôi làng mất đi như một cuộc đời khép lại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO