Một cõi riêng của Dương Đình Sang

VÕ XUÂN HUY/DNSGCT| 03/11/2012 01:02

Khi nói đến hội họa hiện đại xứ Huế, bên cạnh những tên tuổi như Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Vĩnh Phối…, không thể bỏ qua một gương mặt đã ra đi cách nay bảy năm: họa sĩ Dương Đình Sang.

Một cõi riêng của Dương Đình Sang

Khi nói đến hội họa hiện đại xứ Huế, bên cạnh những tên tuổi như Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Vĩnh Phối…, không thể bỏ qua một gương mặt đã ra đi cách nay bảy năm: họa sĩ Dương Đình Sang. Một triển lãm các tác phẩm của ông đã được tổ chức tại TP. Huế (tại 15 Lê Lợi, do Trung tâm văn hóa Phương Nam, New Space Arts Foundation, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế đồng tổ chức) từ 27/10 đến 7/11/2012.

Đọc E-paper

Tranh ba tấm vẽ năm 2001

Hai mươi bảy tranh sơn dầu khổ lớn và vừa, tranh đơn hoặc tranh ghép ba tấm, được trưng bày dịp này – đó là những gì được Dương Đình Sang vẽ trong khoảng vài năm trước khi họa sĩ đột ngột ra đi ở tuổi 55 (2005), cũng vì thế nên tranh không có tên mà chỉ có năm sáng tác.

Sự mê hoặc mà tranh Dương Đình Sang mang lại cho người xem chính là sự pha trộn giữa đường bay nét cọ tài tình và sự gợi hình tướng chứ không phải cách triết lý hay ôm đồm quá nhiều họa tiết, nhân vật trong tranh.

Tranh vẽ năm 2004
Tranh vẽ năm 2002

Với kỹ thuật dùng bay điêu luyện để miết, day, cào, gạt, kết hợp với những nét cọ, Dương Đình Sang đã tạo ra các cấu trúc bề mặt tranh biến hóa phong phú. Ta thường bắt gặp những đường bay dài ngắn, thuận chiều, đảo chiều, hằn sâu rồi tan biến vào nền tranh, tạo nên những lớp màu thô nhám, bóng láng, dày mỏng đan xen, xô đẩy, hô ứng cùng nhau.

Thường hình thể trong tranh Dương Đình Sang là kết quả cuối cùng sau khi tác giả đã tung tẩy hết cảm xúc với bay và cọ vẽ. Cũng vì thế, tranh Dương Đình Sang luôn kiệm hình. Các motif quen thuộc vẫn là chân dung, bàn tay, ngọn đèn dầu, cổng thành, mặt trăng hoặc mặt trời…

Tranh vẽ năm 2001

Chỉ chừng đó thôi nhưng chính sự phối kết giữa đường bay nét cọ biến ảo phong phú và sự gợi hình vừa đủ đã làm cho tranh ông rộng rãi khoáng đạt, vừa xa vừa gần, gợi nhiều hơn tả. Tranh không trực tiếp mô tả vùng đất quê nhà của ông nhưng luôn gợi cho người xem đến không khí, phong vị xứ Huế.

Màu sắc thường được quy về gam chủ đạo vàng – đỏ hay xanh – cam. Khái quát về mảng màu nhưng phong phú về sắc thái, đậm nhạt trong tự thân mỗi màu.

Tranh vẽ năm 2004

Triển lãm là dịp khái quát lại một giai đoạn sáng tạo của họa sĩ Dương Đình Sang. Và những gì ông còn để lại cho đời cũng đủ để in đậm trong tâm trí của công chúng, đặc biệt là những người xứ Huế và những người yêu Huế.

Anh lớn lên giữa điệu hò trên sông nước, quanh mình là lớp lớp thành quách chen giao với sắc màu thảo mộc của kinh thành: rất nhiều long não, nhãn, muối, phượng. Anh cũng như bao nhiêu bạn khác bị mê hoặc theo phong cảnh hữu tình nuôi dưỡng mình và cũng khởi đầu bằng những tranh phong cảnh.

Nhưng anh không vẽ phong cảnh đơn sơ theo từng lớp mỏng, mà vẽ dập lên nhau từng rặng cây phủ vây những kiến trúc cổ như thể tất cả đó được chất đầy trong ký ức, những hoài niệm qua nhiều lớp tuổi tác, hơn là phong cảnh có thực trong thiên nhiên…

Dương Đình Sang sớm từ giã tranh phong cảnh đậm màu vàng đất của mình để đi vào tranh hình thể. Về mảng này, dù chắc tay về hình thể, anh vẫn có xu hướng xô lệch và nghiêng lệch nét vẽ của mình để cho hình thể thường chỉ chiếm khoảng nhỏ trong tranh, và họa sĩ dành quyền đối thoại với khoảng trống mênh mông còn lại.

Dương Đình Sang có một loạt tranh cuối đời chưa kịp ra mắt. Loạt tranh này khổ lớn, không khí từ tranh toát ra có vẻ phiêu phất.

Hình người trong tranh lặng lẽ, nhường chỗ cho khoảng trống, khoảng lặng hút lấy người xem khiến người xem dường như không còn để ý đến bố cục tranh, không còn để ý đến cả bức tranh, không còn để ý luôn cả tác giả mà chỉ còn muốn buông mình rơi tự do vào khoảng không như là trạm cuối của đời người nghệ sĩ hay là, nói ngắn gọn, trạm cuối của đời người.

BỬU Ý trích bài viết trong vụng tập triển lãm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một cõi riêng của Dương Đình Sang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO