Mộc bản – hồn tâm linh

NGỌC MINH| 20/11/2009 08:27

Ngày 3/8/2009, Ủy ban Tư vấn Quốc tế thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đã công nhận mộc bản triều Nguyễn của VN là Di sản Tư liệu và xếp vào danh mục chương trình “Ký ức thế giới”.

Mộc bản – hồn tâm linh

Ngày 3/8/2009, Ủy ban Tư vấn Quốc tế thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đã công nhận mộc bản triều Nguyễn của VN là Di sản Tư liệu và xếp vào danh mục chương trình “Ký ức thế giới”. Kể từ đó cho đến nay, báo chí và giới nghiên cứu lịch sử đã tốn khá nhiều giấy mực để phân tích, đánh giá tầm quan trọng của mộc bản triều Nguyễn.

Từ “mộc bản” cũng dễ hiểu, đó là những bản gỗ khắc ngược chữ Hán, chữ Nôm hoặc các hình vẽ. Cũng cần nói rõ, không chỉ xuất hiện dưới thời Nguyễn, mộc bản đã có trong dân gian từ hàng trăm năm trước, đó là những bản khắc tranh thờ cúng làng Sình, tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ.

Một bản rập trong bộ mộc bản dùng để in kinh Phật hiện đang được cất giữ tại chùa Từ Đàm, Huế

Ngoài kho tàng gần 35.000 bản gỗ khắc chữ Hán, chữ Nôm hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - TP. Đà Lạt là chế bản của 152 đầu sách với nhiều chủ đề khác nhau, như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ... Sức lan tỏa của mộc bản đã gắn kết chặt chẽ với tục thờ cúng, tín ngưỡng của người Việt. Điều này được minh chứng rất rõ tại các ngôi cổ tự ở Huế, chẳng hạn như chùa Linh Mụ, Từ Đàm, Trúc Lâm vẫn còn cất giữ rất nhiều bản khắc gỗ quý hiếm dùng để in kinh Phật.

Ở làng Lại Ân, xã Phú Mậu, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước nhu cầu thờ cúng nhiều như ở Huế, một số ít gia đình vẫn còn dùng những bản khắc gỗ để chế tác tranh theo kiểu truyền thống. Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (một trong những người sở hữu những mộc bản về tranh cổ làng Sình): “Chúng ta cần đánh giá đúng hơn tầm quan trọng, giá trị của những bản khắc gỗ đang được lưu giữ rất nhiều trong dân, đừng chỉ nhìn ở một khía cạnh là những mộc bản trong các cung điện, lăng tẩm triều Nguyễn, hay ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV và một số bảo tàng khác trong nước mới là những mộc bản quý hiếm, có giá trị.

Mộc bản có giá trị ở chỗ nó gắn kết với đời sống làng quê bình dị, gần gũi với cuộc sống đồng ruộng chân chất của cư dân Việt, điều này thể hiện rất rõ trong việc in sớ, văn tự, tranh dân gian”. Mới đây, ông Lê Anh Tuấn ở xã Quảng Thành, tỉnh Thừa Thiên - Huế, người ưa thích nghiên cứu, sưu tầm những mộc bản mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh, đã chuyển nhượng cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế bộ sưu tập gồm 54 tấm mộc bản. Đây là những bản khắc gỗ dùng để in các bài văn cúng phổ biến, như cúng bổn mạng, cúng vãn sang, đạo lộ, cúng ao; các loại sớ như sớ bài vị cầu siêu và các con ảnh, ấn bùa.

Bộ sưu tập có những nét độc đáo, thú vị, thể hiện rõ từng loại hình thờ cúng, như cúng đất, cúng nhà mới, cúng chuồng heo, chuồng gà, hiệp kỵ, cáo tổ..., đây là phong tục thờ cúng từ xưa và cho đến nay vẫn còn được duy trì trong đời sống người Việt. Bộ sưu tập này trước đây cất giữ ở chùa Thiên Hòa tại thôn Hạ 1, xã Thủy Xuân, TP. Huế, là bộ sưu tập những bản khắc gỗ (mộc bản) có giá trị về mặt nội dung, quý về mặt tạo hình, kỹ thuật khắc chữ, bởi khắc ngược chữ Hán rất khó. Đây là lần đầu tiên ở Huế tìm thấy một bộ sưu tập mộc bản quý hiếm mang đậm văn hóa tâm linh, được cất giữ trong dân gian và gần như còn nguyên vẹn.

Nhận xét về mộc bản mang đậm văn hóa tâm linh, nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan cho rằng, cần có cách đánh giá đầy đủ tất cả các loại hình mộc bản, đặc biệt là những bản khắc gỗ quý hiếm mang đậm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng hiện còn được cất giữ tại các gia đình, các phủ đệ ở Huế. Phải làm sao để vừa giữ gìn, phát huy hết giá trị của các mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, vừa có kế hoạch bảo vệ những mộc bản hiện còn lưu giữ trong dân gian. Đó chính là những “báu vật của dân tộc”, ngoài giá trị về mặt lịch sử, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mộc bản – hồn tâm linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO