Lồng tiếng cho phim chiếu rạp: Thị phần hấp dẫn

HOÀNG LINH LAN| 12/03/2015 06:53

Phim chiếu rạp phiên bản lồng tiếng đang ngày càng được người xem ưa chuộng. Theo thống kê, số lượng phim lồng tiếng sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới.

Lồng tiếng cho phim chiếu rạp: Thị phần hấp dẫn

Phim chiếu rạp phiên bản lồng tiếng đang ngày càng được người xem ưa chuộng. Theo thống kê, số lượng phim lồng tiếng sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới.

Đọc E-paper

Hoàng Phi Hồng - Bí ẩn một huyền thoại, bước thử nghiệm thứ ba của nhà phát hành trong việc lồng tiếng cho phim người đóng

Tăng dần đều

Trước năm 2011, tại Việt Nam xuất hiện một vài bộ phim nước ngoài được xem là "lồng tiếng", gồm Đi tìm Nemo (Finding Nemo, 2004) và Open Season (2006).

Dù tập hợp lực lượng diễn viên lồng tiếng khá hùng hậu nhưng việc lồng tiếng không tạo được nhiều ấn tượng nơi người xem. Lý do, lồng tiếng thời điểm đó thực ra là chồng tiếng theo kiểu thuyết minh. Thế là lồng tiếng cho phim rơi vào quên lãng.

Mãi đến năm 2010, nhận thấy nhu cầu thưởng thức một tác phẩm điện ảnh nước ngoài có chiều sâu của khán giả, cộng với sự phát triển rầm rộ của phiên bản lồng tiếng tại nhiều thị trường châu Á, Nhà phát hành MegaStar (CGV hiện tại) đã mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho phiên bản lồng tiếng bộ phim hoạt hình RiO, bên cạnh phiên bản phụ đề như thường thấy.

Bước sang năm 2011, đã có 4 phim nước ngoài chiếu rạp tại Việt Nam thực hiện phiên bản lồng tiếng, gồm: RiO, The Smurfs, Puss in Boots và Alvin and The Chipmunks: Chip-Wrecked (trong đó, 3 phim do CGV phát hành, 1 phim của Galaxy).

Con số này tiếp tục tăng dần đều lên 7 phim (2012, CGV có 6 phim), 12 phim (2013, 11 phim của CGV) và 14 phim (2014, đều do CGV phát hành). Với phiên bản 2D và 3D, lồng tiếng và phụ đề, rõ ràng, nhu cầu thưởng thức của người xem được đáp ứng khá đa dạng.

Đại diện Nhà phát hành CGV, ông Trịnh Thành Thịnh, cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại đã có 37 bộ phim nước ngoài phát hành tại Việt Nam có phiên bản lồng tiếng, trong đó 34 phim là của CGV. Chúng tôi vô cùng tự hào vì đã góp phần Việt hóa sản phẩm nước ngoài, mang lại cho công chúng cơ hội hiểu bộ phim sâu hơn".

Lý giải nguyên nhân đầu tư vào phiên bản lồng tiếng với kinh phí khá lớn, ông Thịnh thẳng thắn: "Chúng tôi không xem việc lồng tiếng là một ý tưởng mới lạ. Nó bắt nguồn từ nhu cầu thưởng thức trọn vẹn và hiểu sâu câu chuyện điện ảnh của người xem mà không bị áp lực đọc chữ, nhất là với khán giả nhí và người lớn tuổi. Có những câu thoại, nếu dịch đúng như nguyên bản, người xem có thể không hiểu hết được. Song nếu được Việt hóa, sẽ gần gũi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc lồng tiếng sẽ giúp cho các anh em trong ngành có thêm một số công việc để họ thay đổi môi trường làm việc. Và đam mê nữa của chúng tôi chính là sự kết nối giữa các nhà làm phim nước ngoài với Việt Nam. Do mọi khâu trong quá trình lồng tiếng đều tuân thủ theo sự giám sát của nhà phát hành tại nước ngoài nên anh em trong nghề sẽ được học hỏi nhiều hơn, từ đó kỹ năng được nâng cao hơn".

Theo thống kê của CGV, tỷ suất người xem phiên bản lồng tiếng tăng dần theo mỗi năm, đó chính là sự khích lệ lớn nhất để họ tiếp tục duy trì công việc này. Cụ thể, nếu như năm 2011, tỷ suất người xem phiên bản lồng tiếng là 38% thì đến năm 2014, con số này là 65%. Cá biệt có Big Hero 6 lên đến 66,2% và là phiên bản lồng tiếng có doanh thu phát hành cao nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Big Hero 6, bộ phim có phiên bản lồng tiếng đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam

Thách thức và thử nghiệm

Do chi phí đầu tư cho việc lồng tiếng khá cao, các công đoạn chuẩn bị để lồng tiếng cho một bộ phim nước ngoài vô cùng vất vả nên việc chọn bộ phim nào để lồng tiếng trở thành thách thức không hề nhỏ đối với nhà phát hành tại Việt Nam.

Theo đó, chỉ có việc thu là thực hiện tại Việt Nam, còn phần mixing và dubbing đều được làm tại nước ngoài, nhằm đảm bảo âm thanh đạt chuẩn Hollywood. Có thể thấy, khởi đầu, để lồng tiếng cho phim RiO, CGV phải mất 4 tháng chuẩn bị, từ khâu đàm phán, tuyển chọn diễn viên lồng tiếng phù hợp với đề nghị của nhà phát hành nước ngoài.

Sáu tháng sau mới có thể tiếp tục lồng tiếng cho bộ phim tiếp theo là Mèo đi hia (Puss in Boots). Hiện tại, với đội ngũ đã được chuyên nghiệp hóa, một năm lồng tiếng cho 5, 6 bộ phim đã trở thành chuyện bình thường.

Và những bộ phim này hầu như đều mang lại doanh thu khá cao cho nhà phát hành. Thành quả này phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ của nhà phát hành với các hãng phát hành quốc tế.

Cần phải nói thêm rằng, trong số 37 phim nước ngoài có phiên bản lồng tiếng, số lượng phim hoạt hình chiếm ưu thế. Chỉ có 3 bộ phim người đóng có phiên bản lồng tiếng là: Người đẹp và Quái vật (Beauty and The Beast, phim Pháp, 2014), Monkey King (phim Hồng Kông, 2014) và Hoàng Phi Hồng - Bí ẩn một huyền thoại (Rise of the Legend, 2014).

Cả 3 đều do CGV phát hành và lồng tiếng, trong đó, Monkey King có tỷ suất người xem cao nhất ở phiên bản lồng tiếng, Hoàng Phi Hồng - Bí ẩn một huyền thoại chỉ ở mức trung bình khá.

Ông Thịnh cho biết: "Chúng tôi cân nhắc khá kỹ khi lồng tiếng cho những bộ phim người đóng, vì biết rõ khán giả vẫn quen thuộc và thích nghe trực tiếp giọng nói của nhân vật hơn. Đây chỉ là một vài bước thử nghiệm của chúng tôi. Như đã nói, lồng tiếng cho phim nước ngoài chiếu rạp không phải là ý tưởng kinh doanh mà xuất phát từ nhu cầu hiểu rõ hơn nội dung phim của khán giả”.

Trả lời cho câu hỏi: Liệu nhu cầu thưởng thức phiên bản lồng tiếng có chững lại, ông Thịnh khẳng định: "Tôi nghĩ con số sẽ không dừng lại ở mức 65% mà sẽ là 90% trong tương lai gần".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lồng tiếng cho phim chiếu rạp: Thị phần hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO