Liên hoan phim châu Âu: Tính cá nhân được coi trọng

ĐỨC CHU| 21/11/2012 09:20

Khác với những liên hoan phim quốc tế lớn, Liên hoan Phim Châu Âu là sân chơi dành cho những tên tuổi kỳ cựu và nói không với những tài năng mới.

Liên hoan phim châu Âu: Tính cá nhân  được coi trọng

Khác với những liên hoan phim quốc tế lớn, Liên hoan Phim Châu Âu là sân chơi dành cho những tên tuổi kỳ cựu và nói không với những tài năng mới. Hình thành từ năm 1988, Ý là quốc gia năm lần nhận giải Phim hay nhất. Đối với các tín đồ nghệ thuật thứ 7, năm 2012 là năm mà giải thưởng điện ảnh châu Âu qui tụ được nhiều nhà làm phim mang tiếng nói cá nhân mạnh mẽ. Tình yêu, cảm xúc và trạng thái bất an... là những "keywords" lên ngôi tại giải thưởng này.

Cảnh phim Intouchables

Châu Âu thích thú với Melodrama

Hẳn nhiên Melodrama (dòng phim mà với đa số người trẻ bây giờ cho là buồn ngủ!) là thể loại phim không thể chối bỏ, thậm chí nó còn mang lại tiếng vang muôn đời cho những cây đại thụ điện ảnh. Thế nhưng, bây giờ ngồi nói về Melodrama liệu có còn hợp thời? Câu hỏi này có lẽ phải dành cho ban tuyển phim của giải thưởng điện ảnh châu Âu năm nay.

Bốn trong số sáu phim tranh giải Phim hay nhất đều thuộc thể loại Melodrama: Shame (của đạo diễn Steve McQueen, Anh), Amour (Michael Haneke, Áo), Barbara (Christian Petzold, Đức) và The Hunt (Thomas Vinterberg, Đan Mạch). Trong đó, Amour là ứng cử viên nặng ký với giải Cành cọ vàng đạt được vào mùa Hè vừa qua, chưa kể phim này dự đoán sẽ giành giải Oscar.

Amour được giới thiệu như là phim hay nhất của Haneke, một đạo diễn chuyên trị thể loại phim giật gân. Khi ông chuyển sang kể về tình yêu, nỗi đau và cái chết một cách nhẹ nhàng, và chậm rãi thì người ta nhận ra sự tinh tế cùng cực, sự lãng mạn day dứt hiếm có của Melodrama hiện tại, thời điểm mà phim giật gân mới có chỗ đứng.

Hai diễn viên đứng tuổi Emmanuelle Riva và Jean-Louis Trintignant đều nhận đề cử Diễn xuất xuất sắc, thậm chí Riva đang được giới chuyên môn nhận xét sẽ có nhiều khả năng tiến đến giải Oscar đầu năm sau.

Tuy nhiên, ứng cử viên nặng ký nhất đối đầu với Amour là phim hài được dân chúng nước Pháp gọi là "Beloved" - bộ phim Intouchables chất chứa tính nhân văn sâu thẳm về tình bạn, thân phận con người.

Dựa trên câu chuyện có thật, bộ phim ám chỉ những con người bị khinh thường. Hai nhân vật chính tuy có xuất phát điểm khác biệt nhưng khi gặp nhau, họ đều là những người nằm bên lề xã hội.

Một kẻ nghèo kiết xác, không việc làm... còn một kẻ có của cải, tri thức thì lại tật nguyền. Tuy nhiên, Intouchables không giống như những tác phẩm sặc mùi bi kịch và bi quan như của Mỹ, Nhật hoặc châu Á mà lại rất thanh thoát, hài hước và đượm buồn.

Những kẻ bị bỏ rơi

Kate Winslet, Michael Fassbender đều bị Oscar năm ngoái... lãng quên! Không phải Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ không thích họ, mà bởi vì chỉ có sân chơi châu Âu mới thích hợp với những bộ phim "khó xơi" của họ.

Kate Winslet được đề cử giải diễn xuất trong Carnage là một bất ngờ, bởi lẽ bộ phim đã phát hành cách đây khá lâu, đồng thời nhận toàn lời phê bình khi vừa ra mắt công chúng.

Tất nhiên, nàng Rose nước Anh khó có thể đọ lại với diễn viên hàng đầu nước Đức - Nina Hoss (vai một bác sĩ bị lưu đày tìm cách sống lạc quan trong Barbara) cũng như Emmanuelle Riva trong Amour đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, diễn viên Michael Fassbender rất được dân đồng tính yêu thích sau khi thể hiện xuất sắc người đàn ông nghiện sex và thu mình lại trong bộ phim Shame, đây cũng là bộ phim NC-17 gây chú ý nhất năm qua tuy nhiên không thoát khỏi qui tắc cũ của AMPAS là hà khắc với những thể loại kén người xem.

Trong khi đó, dân chúng châu Âu thần tượng Michael Fassbender và đạo diễn Steve McQueen và vì thế mà họ có cơ hội "nở mày nở mặt" năm nay, mặc cho Michael phải cạnh tranh khốc liệt với cặp bài trùng từng lấy đi nước mắt người xem: Francois Cluzet và Omar Sy (phim The Intouchables, Pháp) hay Gary Oldman, diễn viên được đề cử Oscar duy nhất vào năm ngoái (phim Tinker, Tailor, Soldier, Spy)...

Cứu "người dưng" nhưng ban tuyển phim lại bỏ rơi đứa con cưng là Marion Cotillard, ngôi sao của phim Rust & Bone. Buồn cười thay, cô đào người Pháp này đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều phía cho một trong năm vị trí đề cử Diễn viên nữ xuất sắc Oscar sắp tới.

Giải thưởng năm nay cũng bỏ quên luôn Once Upon a Time in Anatolia, một tác phẩm đậm chất thơ của đạo diễn kỳ tài Nuri Bilge Ceylan (anh chỉ được đề cử giải Đạo diễn); hai cô gái nghiệp dư diễn xuất chân thật trong Beyond the Hills của Cristian Mungiu cũng không nhận được sự chú ý cần có...

Thế nhưng, với nhiều người, bảng danh sách năm nay vẫn cho thấy rõ quan điểm của điện ảnh châu Âu đối với các tác phẩm mang nặng tiếng nói cá nhân, không chỉ từ nhân vật mà còn từ chính câu chuyện được kể.

Đầu tháng 12, danh sách trao giải sẽ được công bố, liệu có những bất ngờ nào xảy đến như năm ngoái khi bộ phim bị chỉ trích Melancholia lại vượt mặt The Artist (đoạt Oscar sau đó) để giành phần thưởng lớn nhất?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên hoan phim châu Âu: Tính cá nhân được coi trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO