Leo lét ánh lửa Trù Sơn

NGUYỄN TÂM - HẢI DƯƠNG| 31/05/2013 09:50

Trù Sơn là một xã thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, vốn nổi tiếng với nghề làm nồi đất từ bao đời nay nhưng giờ đây, khi đời sống ngày càng hiện đại thì những chiếc nồi, niêu, siêu, ấm... bằng đất dường như không còn chỗ trong gian bếp của những bà nội trợ. Vì thế, ánh lửa trong lò nung của làng nghề làm nồi đất cũng leo lét qua ngày...

Leo lét ánh lửa Trù Sơn

Trù Sơn là một xã thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, vốn nổi tiếng với nghề làm nồi đất từ bao đời nay nhưng giờ đây, khi đời sống ngày càng hiện đại thì những chiếc nồi, niêu, siêu, ấm... bằng đất dường như không còn chỗ trong gian bếp của những bà nội trợ. Vì thế, ánh lửa trong lò nung của làng nghề làm nồi đất cũng leo lét qua ngày...

Đọc E-paper

Nồi đất Trù Sơn rất đa dạng, có tới khoảng 30 loại khác nhau: nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt, cá, nồi đình gánh nước, hông xôi, nấu rượu, các loại chảo, ấm, siêu sắc thuốc…, và vô cùng thô mộc, đơn giản, không có hoa văn, không men tráng, mỏng và rất nhẹ; màu của đất nung xen lẫn với những đốm cháy táp trong quá trình nung trở thành những điểm đặc trưng riêng có của sản phẩm làng Trù.

Xóm 11 Trù Sơn là một trong những xóm tiêu biểu về nghề làm nồi đất. Cả xóm có đến gần trăm hộ vẫn giữ nghề, nhưng chỉ khoảng chục hộ có người thồ nồi đi rao bán, còn phần lớn là bán cho thương lái đến mua tận nơi, và phương tiện thồ nồi trước đây là xe đạp giờ đã được thay bằng xe máy.

Anh Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1973, là một trong số những người hiếm hoi nay vẫn đẩy xe đạp đi bán nồi để mưu sinh vì mắt anh kém, không đi được xe máy. Anh theo nghề đã được 10 năm và rong ruổi hết huyện này đến tỉnh khác, từ Nghệ An đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Mỗi tháng anh đi hai chuyến, mỗi chuyến thường kéo dài khoảng 10 ngày với biết bao khó khăn, vất vả nhưng thu nhập từ mỗi chuyến chỉ khoảng 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ăn uống và những khoản hao hụt do rủi ro như ngã xe vỡ nồi chẳng hạn thì cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Tốn nhiều công sức mà thu nhập còm cõi như vậy nhưng khi hỏi anh có định chuyển sang làm nghề khác không thì anh buồn bã lắc đầu: "Tôi theo nghề cũng đã 10 năm và có cái thuận lợi là hàng có sẵn tại đây, chỉ lấy đem đi bán chứ không phải mất thêm thời gian đi nơi khác lấy, vả lại với tình trạng sức khỏe như hiện giờ thì tôi nghĩ mình khó thể làm được việc khác".

Chứng kiến cuộc sống diễn ra nơi đây, chúng tôi thấy rõ những nỗi vất vả, cực nhọc của người dân khi vẫn cố gắng duy trì nghề ông cha truyền lại. Thế nhưng, khó khăn dường như ngày một đè nặng trên đôi vai họ. Số hộ làm nghề được chia làm hai nhóm: hoặc làm thường xuyên, hoặc chỉ tập trung làm vào những tháng nông nhàn trong năm.

Hành trình mưu sinh của người dân làng Trù Sơn

Số làm thường xuyên ít hơn bởi công việc chính của những người dân nơi đây vẫn là làm ruộng, phải kết thúc mùa vụ thì họ mới rảnh rỗi để làm nồi. Bàn tay khéo léo của những người làm nghề, chủ yếu là phụ nữ, cứ thoăn thoắt qua nhiều công đoạn để cho ra những chiếc nồi.

Chị Phạm Thị Ngự, một cư dân khác của xóm 11, chưa tới 50 tuổi nhưng nỗi vất vả in hằn trên khuôn mặt và dáng đi khiến chị trông già hơn chục tuổi so với tuổi thật. "Người làm nồi đất hiền như đất", câu nói này quả không sai khi chúng tôi tiếp xúc với chị Ngự và những người dân nơi đây.

Chị Ngự gắn bó với nghề từ năm lên 10, tính đến nay tuổi nghề của chị cũng ngót nghét 40 năm, và những nỗi vất vả, cơ cực cũng theo chị suốt ngần ấy thời gian. "Giờ người ta dùng nồi nhôm, nồi điện chứ có mấy ai dùng nồi đất để đun nấu nữa đâu, thế nên cuộc sống của chúng tôi càng thêm khó”, chị thở dài than.

Chị cho biết, đất để làm nồi là loại đất sét có màu đỏ và rất dẻo, trước đây có sẵn trong làng nên người dân không phải lo lắng về vấn đề nguyên liệu. Nhưng nhiều năm gần đây, nguồn đất này đã cạn kiệt, những người làm nghề phải đi lấy đất sét ở Nghi Văn (Nghi Lộc) hoặc Yên Thành (Nghệ An), cách đó 8 cây số, với phương tiện chủ yếu là xe đạp và xe trâu.

Mỗi lần đi như thế, xe đạp có thể chở được 4 bì xi măng đất, còn xe trâu thì lấy được 12 bì. Đất do người dân tự đào và phải trả 10 ngàn đồng cho một xe đạp, 30 ngàn đồng cho một xe trâu. Nếu quá trình làm và nung thành công, cứ 4 bì đất có thể cho ra thành phẩm khoảng từ 100 - 200 chiếc nồi, siêu... với kích thước to, nhỏ khác nhau.

Hầu như mỗi gia đình ở đây đều có một lò nung. Những ngày nắng ráo, thời tiết hanh khô là thời điểm các lò nổi lửa. Nói nghề làm nồi đất phụ thuộc vào thời tiết một phần cũng vì thế. Mỗi mẻ nung kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ, thường từ 2 - 5 giờ chiều, khi nắng đã đạt "độ chín" và suốt quãng thời gian đó luôn phải có người coi sóc.

Những chiếc nồi đất, siêu đất... có giá bán dao động từ 3 ngàn đến vài chục ngàn đồng tùy theo sản phẩm, và chủ yếu là bán cho thương lái. "Lấy công làm lời chứ sao mà làm giàu được với cái nghề này!", người dân nơi đây nói với vẻ cam chịu, bởi thu nhập mỗi ngày của họ chỉ từ 30 - 40 ngàn đồng.

Chị Phạm Thị Ngự với mẻ nồi thành công

Gia đình chị Ngự là một trong những hộ tiêu biểu làm nồi thường xuyên của làng, mỗi tháng gia đình chị làm khoảng 5 mẻ nồi, cực khổ vậy nhưng thu nhập cả năm cũng chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng.

Có lẽ thấy tận mắt phải vất vả thế nào để làm ra những chiếc nồi nên thế hệ sau này rất ít người theo nghề và phần lớn không hiểu tường tận kỹ thuật làm nồi đất sao cho đẹp như những thế hệ đi trước.

Trong khi chị Ngự thiết tha: "Đến 80 tuổi mà còn sức tôi vẫn quyết giữ lửa lò nung, chỉ mong cho nồi đất làng Trù có cơ hội đến được những vùng đất thật xa", thì cô con gái thứ hai của chị năm nay đang học lớp 8 lại có suy nghĩ trái ngược hẳn với mẹ: "Sau này nếu không học lên cao được thì em đi làm công ty, chứ làm nồi đất như mẹ vất vả lắm".

Tâm huyết với nghề mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám là lý do khiến nghề làm nồi đất ở Trù Sơn có nguy cơ ngày càng mai một.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Leo lét ánh lửa Trù Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO