Không khí Tết đến sớm

MỘC MIÊN| 05/02/2010 05:15

Dọc đường Âu Cơ gần với các làng đào, làng quất thuộc quận Tây Hồ, đã thi thoảng gặp những người trồng đào bán những cành đào nở sớm với giá tùy hứng cho những người Hà Nội muốn chơi hoa Tết sớm.

Không khí Tết đến sớm

Dọc đường Âu Cơ gần với các làng đào, làng quất thuộc quận Tây Hồ, đã thi thoảng gặp những người trồng đào bán những cành đào nở sớm với giá tùy hứng cho những người Hà Nội muốn chơi hoa Tết sớm. “Giá đào sẽ rẻ hơn mọi năm” là dự đoán của những người chơi đào, trong khi nhiều chủ vườn lại lạc quan về giá cả trong dịp Tết.

Nhìn chung, đào cành nhỏ, giá thấp nhất cũng 60 - 100 ngàn đồng/cành, những cành lớn, đẹp có giá 200 - 250 ngàn đồng, còn đào thế thì giá vô cùng, từ vài triệu đến 7 - 8 triệu đồng/gốc, nhiều vườn đào ở Nhật Tân đều có sẵn chờ khách. Không khí hồ hởi và sẵn sàng cho Tết tại đây đang được nhen lên...

Đánh đu - trò chơi của người Việt có tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, được xem là một điểm vui chơi lý thú trong dịp Tết sắp tới, đã sớm công bố chương trình “Vui xuân Canh Dần” từ đầu tháng Chạp. Theo đó, từ 17 - 21/2/2010 (tức mùng 4 đến hết mùng 8 tháng Giêng), Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách với những chương trình nhiều sắc màu, âm thanh và hương vị cổ truyền của nhiều không gian văn hóa dân gian, nhiều tộc người, nhiều vùng miền.

Từ mùng 4 Tết, phường rối Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) đã bắt đầu biểu diễn rối nước bốn ca mỗi ngày với nhiều tích trò hấp dẫn và mang đậm sắc thái đồng quê ở khu vực thủy đình phía trước khuôn viên nhà người Kinh. Khán giả nhỏ tuổi sẽ có cơ hội điều khiển những con rối trong sân khấu rối nước thu nhỏ đặt trên sân gạch. Rất nhiều trò chơi cho trẻ em và người lớn như pháo đất, đánh đu, kéo co, đi cà kheo, tô vẽ hổ đất, mặt nạ hổ, nặn hổ bằng bột... của người Kinh; ném còn của người Tày; các trò chơi dân gan của người Thái...

Hơn 20 người dân tộc Giẻ Triêng đến từ tỉnh Kon Tum có mặt tại Bảo tàng và góp vui bằng âm nhạc cồng chiêng kết hợp với vũ điệu tập thể, đồng thời giới thiệu một số loại nhạc cụ và một số điệu dân ca của cộng đồng. Cũøng chừng ấy các diễn viên quần chúng người Thái ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, sẽ đem tới nhịp chày khua đuống cùng những điệu cồng trong lễ mừng lúa mới và ngày hội đầu năm.

Một góc Bảo tàng sẽ là nơi những nhà thư pháp có uy tín được mời đến và “cho chữ” - cho lộc đầu năm. Các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) không chỉ trình diễn in những bức tranh dân gian nổi tiếng, mà còn hướng dẫn người đi chơi Tết tự tay in tranh đem về. Tại đây, du khách cũng có thể thưởng thức lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường hun khói trên gác bếp, xôi màu, các loại bánh cóc mò, pẻng khô, khẩu sli... và rượu men lá của Lạng Sơn.

Trước Tết ba tuần, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội đã có báo cáo cụ thể về chương trình thăm và tặng quà cho 761.948 người có công với cách mạng, người cao tuổi, cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu hoặc nghỉ mất sức, các hộ nghèo trên địa bàn thành phố với kinh phí gần 109 triệu đồng.

Tiền lương, thưởng Tết của doanh nghiệp trong năm vừa qua cũng đã được Sở công bố với những con số chi tiết. Theo đó, khối doanh nghiệp nhà nước có mức lương tháng bình quân thấp nhất là 1,1 triệu đồng, trung bình 2,8 triệu đồng và cao nhất là 25 triệu đồng/tháng/người; mức thưởng tương ứng từ 500 ngàn - 1,8 triệu đồng và cao nhất là 30 triệu đồng. Khối doanh nghiệp tư nhân lương thấp nhất 800 ngàn đồng/tháng, thưởng Tết 200 ngàn đồng/người; mức trung bình 2,29 triệu đồng lương tháng, 1,8 triệu đồng thưởng tết/người và mức cao nhất 50 triệu đồng lương/tháng và thưởng Tết 50 triệu đồng thưởng/người.

Khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài mức lương thấp nhất và mức lương trung bình đều tương đương hoặc thấp hơn khối doanh nghiệp nhà nước (1,1 triệu đồng/tháng và 2,3 triệu đồng/ tháng) nhưng mức lương cao nhất thì vượt hẳn lên với 140 triệu đồng/người. Riêng mức thưởng Tết của đối tượng này, Sở cho biết “vẫn chưa có số liệu cập nhật”. 

TRƯỚC ĐẠI LỄ NGÀN NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI

Bắc Ninh vừa trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm văn hiến và anh hùng". Sau lễ phát động cuộc thi, đại diện của 17 huyện, thị, Thành Đoàn và các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trực thuộc đã ký giao ước thực hiện các hoạt động tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp trước, trong, sau Tết và các hoạt động lễ hội đầu Xuân Canh Dần 2010.

Triển lãm ảnh “Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa” (từ 25 - 31/1/2010) do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức, cho biết sẽ có 100 chủ đề lần lượt giới thiệu với công chúng. Dịp này, nhà sưu tập bưu ảnh nổi tiếng người Pháp Philippe Chaplain sẽ trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội nhiều hiện vật quý hiếm gồm: 5 bức bưu thiếp nguyên bản về Hà Nội cổ, cuốn sách “Nguồn gốc chinh phục xứ Bắc Kỳ”...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không khí Tết đến sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO