Khi J. K. Rowling đổi bút danh

QUÝ YÊN| 13/05/2015 06:13

Năm 2013, độc giả trên thế giới thích thú khi phát hiện ra người đã sáng tạo nên thế giới của Harry Porter, J. K. Rowling, còn có một bút danh đầy nam tính: Robert Galbraith.

Khi J. K. Rowling đổi bút danh

Năm 2013, độc giả trên thế giới thích thú khi phát hiện ra người đã sáng tạo nên thế giới của Harry Porter, J. K. Rowling, còn có một bút danh đầy nam tính: Robert Galbraith.

Đọc E-paper

Tiểu thuyết trinh thám đầu tay The Cuckoos Calling (bản dịch tiếng Việt là Con chim khát tổ, NXB Trẻ ấn hành) của nhà văn Robert Galbraith khi chưa lộ diện tác giả thực sự cũng là một tác phẩm bán chạy và nhận được nhiều đánh giá tốt của giới phê bình.

Vì sao tác phẩm của Robert Galbraith được đón nhận? Xoay quanh đời sống của thám tử kiêm cựu quân nhân Cormoran Strike, Con chim khát tổ dẫn dắt người đọc đến thế giới của những người nổi tiếng.

Cái chết của một ngôi sao người mẫu được kết luận là một vụ tự tử, nhưng sau hành trình tìm kiếm sự thật của Cormoran Strike đã lộ diện là một vụ giết người tinh vi. Lối hành văn giàu hình ảnh, cấu trúc nội dung đầy bất ngờ cùng với kiến thức phong phú về mặt xã hội đã khiến tác phẩm chinh phục được người đọc. Nếu không bị rò rỉ thông tin, Robert Galbraith chắc chắn cũng sẽ nổi tiếng, tất nhiên, sẽ chậm hơn rất nhiều so với hiện nay, khi mà J. Rowling đã thừa nhận đó chính là tác phẩm của mình.

Cái bóng của Harry Porter quá lớn. Loạt sách huyền ảo ấy được đánh giá là có khả năng chinh phục độc giả từ 7 - 70 tuổi hoàn toàn không ngoa. Dư âm của nó có khả năng tác động đến độc giả cũng như giới phê bình là có thật. Vậy thì, một cái tên mới rõ ràng sẽ nhận được cái nhìn khách quan nhất dành cho tác phẩm. Bởi lúc đó chỉ có tác phẩm chứ không có tác giả.

Nhà văn J. Rowling thừa nhận, bà muốn giữ bí mật này lâu hết mức có thể bởi khi ký tên Robert Galbraith, bà hoàn toàn được tự do trong sáng tạo. Cái tên mới của Rowling nói lên được đến hai tầng nghĩa. Thứ nhất là sự tự chủ, không muốn "ngủ quên" trong hào quang của chính mình. Và thứ hai là sự tự tin của một người viết có nghề. Rowling tin tưởng tác phẩm của mình đủ sức chinh phục độc giả mà không cần đến bất cứ tác động nào.

Năm 2014, phần tiếp theo của The Cuckoos Calling, The Silk Worm (Con tằm) chính thức ra mắt. Một lần nữa, người đọc được theo chân Cormoran Strike trong hành trình tìm kiếm bí mật về sự mất tích của một nhà văn hạng thường. Chiếc chân thọt của người thương binh không cản được quyết tâm tìm ra sự thật của tay thám tử kỳ tài, nghèo túng nhưng rất giàu nghĩa khí, sẵn sàng bỏ qua những khách hàng lắm tiền, trịch thượng để nhận một ca khó nhằn.

"Đã làm là làm đến cùng", lời Cormoran Strike khi anh phân bua việc mình đang chạy theo vụ điều tra không biết ai sẽ là người thanh toán hóa đơn khiến người ta hiểu hơn về J. Rowling, cây bút muốn đi đến tận cùng của những giới hạn trong bản thân mình. Thật thú vị khi kết quả là, chẳng có giới hạn nào cả trong tài năng của mỗi con người nếu chịu tìm tòi, khám phá.

Tạm khép lại hành trình của Cormoran Strike, trong lời cảm ơn độc giả, J. Rowling bảo, bà thật hạnh phúc vì đã có thể một lần nữa có được tác phẩm đầu tay. Với độc giả thì một lần nữa lại có được một tác phẩm trinh thám tuyệt vời. 

>Tác giả 'Harry Potter' chuẩn bị hầu toà
>Nữ tác giả bại não giành giải văn học danh tiếng
>Sách không tuổi, tác giả không biên giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi J. K. Rowling đổi bút danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO