Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc

P.V| 24/11/2021 01:30

Kế thừa tinh hoa đúc rút từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

[Caption]

Chương trình nghệ thuật “Niềm tin và khát vọng” chào mừng Hội nghị diễn ra tối 21/11/2021. Ảnh: TTXVN

Sáng 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (Hội nghị), triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Hà Nội. 600 đại biểu, từ nhà quản lý tới những người sáng tạo văn hóa, các nhà nghiên cứu, sẽ tham dự tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội). Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức, được nhiều chuyên gia văn hóa đặt tên "Hội nghị Diên Hồng về văn hóa" bởi tầm quan trọng của nó. Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 24/11/1946, đây là lần thứ 3 một hội nghị văn hóa được gọi tên Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Theo chương trình dự kiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Link bài viết

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu trước khi đại diện Hà Nội, Thừa Thiên Huế, An Giang cùng đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo. Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng VH-TT&DL tiếp tục báo cáo việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ phát biểu kết luận.

Thoe Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, nội dung trọng tâm xuyên suốt Hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Sau khi nhìn lại những thành tựu, hạn chế qua 35 năm đổi mới, các cơ quan sẽ rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó "xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường".

"Chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân", ông Hùng nói.

Ông cũng nhấn mạnh, sau hội nghị, "chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước".

Nói về Hội nghị, nhà nghiên cứu văn hoá, TS. Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hoá phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, Hội nghị diễn ra có ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước ta. Thông qua hội nghị này nhằm khẳng định, nhìn nhận vai trò vị trí quan trọng của văn hóa. Khi văn hóa được coi là nguồn lực nội sinh, thì việc tiến hành Hội nghị có ý nghĩa cấp thiết, giúp chúng ta xác định được hệ giá trị của văn hóa Việt Nam, có cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển đề án đến giữa thế kỷ XXI.

[Caption]

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật "Niềm tin và khát vọng" do Bộ VH-TT&DL tổ chức chào mừng Hội nghị. Ảnh: VOV

Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam ngày hôm nay là vấn đề cấp bách, cấp thiết, có ý nghĩa cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Trong những nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam, sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ tạo nên sức hấp dẫn to lớn của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài, mà còn là nền tảng hình thành nội lực cho sự phát triển của đất nước. Sự đa dạng của các nền văn hóa, các cộng đồng văn hóa ở Việt Nam tạo ra môi trường để tăng cường tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các cộng đồng.

Quan trọng hơn, Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị cũng được kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới với những giá trị mạnh mẽ. Đó là những con người Việt Nam gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, phát triển toàn diện, yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức mạnh mẽ, biết thượng tôn pháp luật… Văn học nghệ thuật được phát huy giá trị mạnh mẽ hơn trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO