Ikebana trên thủy tinh

SONG QUỲNH| 26/11/2014 06:43

Sự sáng tạo trong Ikebana chưa bao giờ vì mục đích lợi nhuận, vì vậy, để cảm nhận được một phần những gì thuộc về Ikebana buộc người ta phải buông bỏ những phù phiếm của cuộc sống hằng ngày.

Ikebana trên thủy tinh

Sự sáng tạo trong Ikebana chưa bao giờ vì mục đích lợi nhuận, vì vậy, để cảm nhận được một phần những gì thuộc về Ikebana buộc người ta phải buông bỏ những phù phiếm của cuộc sống hằng ngày.

Đọc E-paper

Nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã có từ rất lâu, được truyền từ đời này qua đời khác trong hệ thống các tăng lữ ở Nhật Bản. Xuất phát từ niềm tin tôn giáo kết hợp với quan niệm triết học đơn giản nhưng rất sâu sắc, họ sử dụng cỏ cây, hoa lá để tạo nên những sản phẩm dâng lên Đức Phật nhằm thể hiện lòng thành.

Đòi hỏi khắt khe vậy nên không phải ai cũng có điều kiện hưởng thụ những tinh túy của nghệ thuật Ikebana trong cuộc sống hối hả ngày nay. Thế nên những tranh ảnh, các bản vẽ đúng chất Ikebana luôn được trân trọng, nâng niu ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Nó có thể khiến cho một góc bàn làm việc, một khoảng phòng khách trở nên sinh động, hay có thể làm bừng sáng cả một khuôn viên. Ikebana là một trong số những loại hình nghệ thuật mà người ta có thể thấy rõ bản chất của người sáng tác nó, kết nối những người cảm nhận nó và tạo ra được những luồng năng lượng mới cho người thưởng thức nó.

Khi biết họa sĩ Đỗ Hương tham gia cuộc chơi của Ikebana, rất nhiều người đã ngạc nhiên. Bởi từ lâu nữ họa sĩ này được xem là người có khả năng truyền tải và khơi cảm xúc qua nét vẽ, mảng màu. Nhưng sử dụng màu không trôi, đưa thủ pháp vẽ Ikebana lên chai, ly thủy tinh thì có lẽ chị là người đầu tiên thực hiện ở Sài Gòn.

Đỗ Hương kể, cái duyên đến khi chị đi mua họa cụ, tình cờ biết được có các tuýp màu dùng vẽ trên kính. Theo dõi thêm các tác phẩm tranh trên kính của các họa sĩ toàn cầu, chị nhận ra đó chỉ là những bức ký họa nhỡ tay, kiểu như các nghệ nhân vẽ ra hình gì thì là hình đó chứ không thả hồn bay bổng.

"Tôi mua luôn tất cả các màu họ bán ở đó về vẽ thử. Ngay lúc đó, trong đầu tôi đã nghĩ sẽ không vẽ mặt người hay tóc tai, tĩnh vật. Khi thử màu mới thấy lúc vẽ và lúc thành hình, màu biến đổi hoàn toàn khác. Nét vẽ màu khi khô cũng không đúng như mình vẽ ban đầu", họa sĩ Đỗ Hương chia sẻ.

Khả năng khúc xạ ánh sáng của thủy tinh cao cấp dễ tạo nên những quầng sáng đẹp. Chị kết hợp quầng sáng này với những nét vẽ tối giản đơn sắc đúng theo tinh thần Ikebana - sử dụng tối thiểu vật liệu để đạt hiệu quả tối đa. Bàn tay tài hoa đã thổi hồn vào từng lá cây, ngọn cỏ trên các sản phẩm.

Nói không ngoa, trên mỗi chai, lọ, ly, chén là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt nhưng lại kết hợp với nhau chặt chẽ theo từng chủ đề. Đỗ Hương cho biết, khi sử dụng chất liệu này, chị thấy nó không đòi hỏi sự định hình nguyên tắc của sơn dày hay acrylic.

Một cách sáng tác thật sự tự do nhưng quan trọng hơn là tranh trên mặt kính cho chị thấy ánh sáng của đời sống đẹp hơn khi những đường nét khô dần và trong lại.

Hữu xạ tự nhiên hương, bạn bè biết, tới Phòng tranh Life Art (533/7 Huỳnh Văn Bánh, P.14, Q. Phú Nhuận) ngắm, cảm, rồi từ đó đặt hàng.

Cảm hứng của khách mộ điệu được truyền tải rồi ứng biến thành cảm hứng của người nghệ sĩ, từ đó làm nên những bộ chai, lọ đầy màu sắc, được chuyển đi làm đẹp cho cuộc sống của những con người yêu và cảm nhận được nét đẹp cũ mà rất mới trong mảng nghệ thuật Ikebana.

"Bản thân họa tiết kính đã là thiên nhiên nên dù dùng màu hay đơn sắc, tác phẩm đều phải mang đến sự thanh thoát cho người xem", họa sĩ Đỗ Hương nói về nguyên tắc cuộc chơi của chị như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ikebana trên thủy tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO