Hoàng tử Bé với những ước lệ

ĐÔNG THỤ| 14/11/2012 09:50

Diễn dịch một tác phẩm văn học đầy tính tự sự và giàu chất thơ như Hoàng tử Bé ra một ngôn ngữ nghệ thuật khác chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Hoàng tử Bé với những ước lệ

Diễn dịch một tác phẩm văn học đầy tính tự sự và giàu chất thơ như Hoàng tử Bé ra một ngôn ngữ nghệ thuật khác chưa bao giờ là việc dễ dàng. Luôn có điều gì đó cần khám phá, cần đào sâu, cần suy ngẫm, cần mơ mộng... hơn nữa với một tác phẩm như thế.

Đọc E-paper

Mặc dù đã có phim điện ảnh, phim truyền hình, có múa ballet, hát opera về chàng hoàng tử tí hon..., nhưng một nhóm các diễn viên nước ngoài, nhóm Dragonfly, vẫn "liều lĩnh" đưa ánh nhìn trẻ thơ của chàng Hoàng tử Bé lên sân khấu.

Câu chuyện thời trẻ thơ

Vở kịch khởi đầu bằng cảnh người phi công ngồi trước tấm màn đóng kín kể câu chuyện thời trẻ thơ của mình, thời mà cậu phải khép lại ước mơ vẽ nên thế giới khi cậu cố dọa mọi người bằng hình vẽ con voi nằm trong bụng con trăn mà người lớn thì cứ "tại sao lại phải sợ một cái mũ?".

Thế là họa sĩ tí hon phải thôi ước mơ, hòa mình vào đám đông, trở thành một phi công tỏ ra "thiệp liệp thấu lẽ thị phi" (Bùi Giáng dịch), biến mình thành một người lớn hoàn toàn. Các hình ảnh minh họa được chiếu lên màn ảnh nhỏ đặt bên hông sân khấu (phụ đề tiếng Việt của vở kịch cũng được hiển thị ở đây, nhưng cỡ chữ nhỏ sẽ làm khó những người xem kịch có vốn tiếng Anh hạn chế).

Cách "kể” kịch này khiến người xem lo lắng về độ "nghèo" của kịch. Thế nhưng, thật may là khi màn kéo ra, mọi thứ đã khác.

Thiết kế sân khấu tuy không hoành tráng nhưng mỗi cảnh vẫn có các đạo cụ chủ đạo, việc chồng chất các đạo cụ trong các màn liên cảnh như lúc Hoàng tử Bé du hành qua các hành tinh, gặp vị vua không có thần dân, kẻ làm áp phe, người đốt đèn, kẻ say sưa và người khoe khoang (đã thành cô người mẫu mặc đồ siêu mỏng, hát nhạc trẻ trong kịch), tất cả các đạo cụ bày một lần trên sân khấu, cuộc du hành đi một lượt diễu qua mà không cần chuyển phông đã khiến cái thế giới người lớn hợp lý hiện ra hoàn toàn ngớ ngẩn và phi lý.

Thêm vào đó, các quy ước như tấm phông sa mạc và bầu trời sao được vẽ trên hai mặt tấm bảng, tùy vào số lượng cảnh được lật mặt ra sân khấu mà người xem tự hiểu ước lệ là sa mạc, vũ trụ hay lời kể của Hoàng tử Bé cho chàng phi công hư máy bay về hành tinh mình sống. Các ước lệ ấy khiến những người đã đọc sách thấy thú vị vì tham dự được vào một quy tắc bí mật với vở kịch.

Những điểm sáng đáng trân trọng

Có thể, vì yêu thích tác phẩm văn học, một số khán giả sẽ không thích cách diễn "thậm xưng", đồ đậm tính đỏng đảnh quá quắt và rất "người lớn" của bông hoa hồng trên tiểu tinh cầu B612 (Ngô Thủy Bích thủ vai), trong khi mối quan hệ của Hoàng tử Bé và hoa hồng vốn rụt rè, thi vị và đầy suy tư, chiều chuộng kiểu trẻ con.

Có thể khán giả không thích hình tượng người đốt đèn kiên nhẫn vô bờ trong một trách nhiệm lớn lao với một công việc chán ngắt, đầy tính hủy diệt trở thành một ông già lọm khọm và đầy chán chường trong kịch...

Như đã nói, diễn dịch là một công việc nhọc nhằn, nhưng vở kịch cũng có nhiều điểm sáng như hình tượng nhà vua mê quyền lực mà lại không có người để sai khiến trong trang phục Elvis Presley (Đỗ Trần Anh Minh đóng), hát bài ngợi ca quyền lực và cúi người cám ơn điệu nghệ như con lật đật trước tiếng vỗ tay điện tử làm cả rạp nghiêng ngả bất ngờ.

Việc đưa âm nhạc hiện đại vào và biến cải các nhân vật theo hướng giễu nhại như cô người mẫu đồ siêu mỏng đã nói ở trên là sự sáng tạo để nối kết khán giả vào tính đương đại của triết lý trong truyện đã viết ra cách đây 60 năm.

Nhưng có lẽ khả năng của diễn viên Lan Phương trong vai Hoàng tử Bé mới là điểm sáng nhất của vở kịch. Phát âm tiếng Anh chuẩn và không vấp bất cứ lời thoại nào của cô có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng giọng nói trẻ con trong trẻo, nũng nịu mà đầy cả quyết "như một vòi nước nhỏ” mới làm khán giả yêu làm sao cậu hoàng tử trong chiếc áo choàng màu xanh ngắt.

Nhóm kịch Dragonfly (Chuồn chuồn) được Jaime Zuniga và Aaron Toronto thành lập vào tháng 12/2010, khi nhìn thấy nhu cầu về nhà hát ngôn ngữ tiếng Anh chuyên nghiệp tại TP.HCM. Mục tiêu của nhóm là không chỉ tạo ra các loại hình sân khấu ở những địa điểm chuyên nghiệp và với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà còn giúp tạo ra một cầu nối giữa các cộng đồng người nước ngoài và Việt Nam tại TP.HCM.
Vở hài kinh điển của Oscar Wilde, The Importance of Being Earnest, được biểu diễn vào tháng 10/2011 là sản phẩm đầu tay của nhóm. Tiếp theo đó là vở nhạc kịch Broadway The Last Five Years của Jason Robert Brown, The Little Prince là sản phẩm thứ ba của họ.

Những bước chân sáo đúng lúc, tiếng nấc vui tươi trong một gàu nước mát sau hành trình tự nhiên trong sa mạc, cú duỗi chân thoải mái dựa lưng bạn bè với chú chồn, cú dụi mắt hồn nhiên khóc cười với người phi công chưa quên thuở bé thơ..., nét diễn có nghề đến mức hồn nhiên ấy làm người xem đôi khi quên mất mình đang ngồi trong nhà hát, mà cứ tưởng đã lạc vào cảm nghĩ năm nào khi thả mình đi rong qua những trang sách, ngỡ đã đứng trong sa mạc thẳm sâu mà chứng kiến nguồn hồn nhiên ngọt lành như người phi công sa tay lái.

Hoàng tử Bé - Lan Phương và Hoàng tử Bé của kịch bản đã làm được điều cần làm nhất của vở kịch này: chinh phục những khán giả trẻ em.

Tôi đã thấy các bạn nhỏ thích thú dõi theo Hoàng tử, đã ở lại đến phút cuối cùng để có thể đứng nép vào tấm áo choàng, cạnh thanh gươm của Hoàng tử mà cười toe chụp hình. Các bé nhận ra bản thân mình - các hoàng tử bé, và chúng ta, những người lớn ước mong.

Nói như trong trang sách, "con trẻ phải nên rất mực độ lượng với những người lớn", chúng ta xem kịch và mong cầu sự độ lượng vì đã để những con rắn cắn vào Hoàng tử Bé của riêng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoàng tử Bé với những ước lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO