Hào hứng phim châu Á

THU CÚC| 24/05/2010 00:25

Phim ảnh ngày càng gắn liền với hơi thở cuộc sống hơn. Có thể nói điều này khi dường như khủng hoảng kinh tế lần đầu tiên trong nhiều năm đã làm, Liên hoan phim Cannes, kéo dài từ 12 - 23/5, sụt giảm về số lượng phim dự thi.

Hào hứng phim châu Á

Phim ảnh ngày càng gắn liền với hơi thở cuộc sống hơn. Có thể nói điều này khi dường như khủng hoảng kinh tế lần đầu tiên trong nhiều năm đã làm, Liên hoan phim Cannes, kéo dài từ 12 - 23/5, sụt giảm về số lượng phim dự thi. Bộ mặt đại diện của phim ảnh các châu lục cũng được phản ánh qua thực trạng của các nền kinh tế: trong khi số lượng phim từ châu Âu, Mỹ giảm, thì các nhà làm phim châu Á lại hào hứng tung ra nhiều phim mới hơn.

Nhìn chung, Liên hoan phim Cannes năm nay diễn ra không mấy thuận lợi. Trước hết là trận bão đã thổi qua miền Nam nước Pháp, gây ra một số thiệt hại vật chất đáng kể cho các thành phố ven miền duyên hải, trong đó có Cannes. Nhưng khủng hoảng kinh tế mới là khó khăn lớn mà cả nhà tổ chức và nhà làm phim phải đối mặt. Những khó khăn này có thể giải thích vì sao số phim của năm nay lần đầu tiên giảm, đặc biệt là số lượng phim Mỹ dự giải năm nay ít hơn. Dấu ấn đáng ghi nhận trong giải năm nay là sự lấn lướt của điện ảnh châu Á.

Liên hoan có 19 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng, trong đó có 9 phim của châu Âu và 5 phim châu Á. Đề tài của các phim dự thi lần này khá thời sự, đề cập từ cuộc khủng hoảng tài chính, chiến tranh Iraq cho đến nạn khủng bố. Trong danh sách các phim châu Á có hai phim Hàn Quốc, một của Nhật Bản, một của Thái Lan và một của Trung Quốc.

Đa số các gương mặt châu Á ở đây đều đã từng tham gia Cannes trong những năm trước. Từ đạo diễn trẻ tuổi Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, cho đến Vương Tiểu Soái, một trong những tên tuổi đại điện cho thế hệ thứ sáu của Trung Quốc. Ngoài ra còn phải kể đến đạo diễn Nhật Takeshi Kitano, hai đạo diễn Hàn Quốc Im Sang Soo và Lee Chang Dong, đều là những gương mặt khá quen thuộc với các liên hoan phim quốc tế như Venise và Berlin.

Nhhìn chung các đạo diễn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho dự án làm phim. Nhưng dường như khủng hoảng kinh tế chưa tác động đến nền điện ảnh châu Á, mà thoạt nhìn vẫn giữ được nguyên vẹn sức sáng tạo. Đạo diễn Lee Chang Dong (cựu Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc) là một gương mặt khá quen thuộc đã tới Cannes với bộ phim Poetry, nói về câu chuyện gia đình xung quanh một bà cụ dần dần mất hết trí nhớ. Đạo diễn Im Sang Soo đã tham gia khá nhiều liên hoan phim quốc tế và năm nay ông xuất hiện trở lại với The housemaid (Người hầu), phiên bản mới của một bộ phim rất ăn khách tại Hàn Quốc những năm 1960 của đạo diễn Kim Ki-Young.

Đạo diễn Vương Tiểu Soái từng đi tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 2005 với Shanghai Dreams (Giấc mơ Thượng Hải), và nổi danh từ đầu những năm 2000 nhờ bộ phim Beijing bicycle (Xe đạp Bắc Kinh). Năm nay, đạo diễn trẻ này đặt hy vọng vào bộ phim Chongqing Blues (Nhật chiếu Trùng Khánh) kể lại câu chuyện của một thuyền trưởng, sau bao ngày phiêu bạt, nhận được hung tin con trai và người vợ cả của ông bị bắn chết. Bộ phim có rất nhiều minh tinh như Vương Học Kỳ, Phạm Băng Băng, Lý Linh Ngọc, Vương Khuê Vinh, Đinh Giai Lệ... cùng tham gia.

Như vậy có thể nói Cannes 2010 không phải là mùa bội thu về số lượng phim. Vì vậy, ban tổ chức cũng như khán giả chỉ đặt hy vọng vào sự sáng tạo đặc sắc của phim dự thi thể hiện qua tìm tòi, khám phá của các đạo diễn. Sau các nước Nam Mỹ và Đông Âu, Liên hoan phim Cannes năm nay mở cửa tiếp đón châu Phi với bộ phim Un homme qui crie (Một người đàn ông gào thét) của đạo diễn Mahamat-Saleh Haroun đến từ Tchad. Đây là lần đầu tiên có phim của Tchad đi tranh giải. Sự kiện này phần nào bù đắp lại cho sự thiếu sót của Liên hoan phim Cannes, đã từ lâu ít quan tâm đến châu Phi và ít tạo cơ hội cho lục địa này xuất hiện.

Điện ảnh tiếp tục phản ánh tình hình thế giới. Ống kính của các nhà đạo diễn từ Âu sang Á, từ châu Mỹ đến châu Phi vừa là nhân chứng, vừa là phương tiện để bắt mạch xã hội thời đại. Nhiều bộ phim bám sát thời sự và các chủ đề nóng bỏng một cách bất ngờ. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay tình hình chính trị bất ổn tại Đông Âu. Tiêu biểu là bộ phim tài liệu Inside Job của đạo diễn Mỹ Charles Ferguson, nói về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính lên thị trường lao động; phim truyện Money never sleeps (Tiền không bao giờ ngủ) của đạo diễn Oliver Stone nói về các sàn giao dịch chứng khoán, nhìn từ bên trong...

Về chính trị, xã hội, bộ phim My joy (Hạnh phúc của ta), do đạo diễn người Ukraina Sergei Loznitsa thực hiện, cũng gây được nhiều chú ý. Đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ tuổi này, kể lại hành trình xuyên Ukraina của một thanh niên hành nghề tài xế vận tải. Cuộc hành trình này là một ẩn dụ cho thấy toàn cảnh đất nước Ukraina với tất cả những biến động về mặt chính trị xã hội...

Bộ phim Bi đừng sợ của đạo diễn trẻ tuổi Việt Nam Phan Đăng Di đi tranh giải Ống kính vàng tại Liên hoan phim Cannes năm nay. Theo danh sách vừa được ban tổ chức công bố, tác phẩm của Phan Đăng Di đi tranh giải cùng với 6 bộ phim truyện khác, tất cả đều là tác phẩm đầu tay. Phan Đăng Di đã từng đến Cannes tháng 5/2008 trong khuôn khổ chương trình l’Atelier (Xưởng sáng tác). Năm nay, hy vọng rằng bộ phim truyện đầu tay của anh sẽ gặt hái được nhiều thành công. Phan Đăng Di đã từng quay hai bộ phim ngắn mang tựa đề Sen (giải nhất Liên hoan phim ngắn toàn quốc năm 2006) và Khi tôi hai mươi. Anh cũng là người đã viết kịch bản bộ phim Chơi vơi do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hào hứng phim châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO