GS. Trần Văn Khê - Lá đã rụng về cội

HỒNG BÍCH| 01/07/2015 09:30

Những ngày tháng 6 giữa mùa Hè, truyền thông đưa tin sức khỏe GS. Trần Văn Khê ngày một xấu đi, và ông đã giã từ cõi tạm vào sáng ngày 24/6, để lại bao nỗi tiếc nhớ trong lòng những người yêu kính ông. Lá đã rụng về cội thật rồi, nhưng ông vẫn tình nguyện làm một chiếc lá bồi đắp cho đất mẹ thêm phong phú, màu mỡ!

GS. Trần Văn Khê - Lá đã rụng về cội

Những ngày tháng 6 giữa mùa Hè, truyền thông đưa tin sức khỏe GS. Trần Văn Khê ngày một xấu đi, và ông đã giã từ cõi tạm vào sáng ngày 24/6, để lại bao nỗi tiếc nhớ trong lòng những người yêu kính ông. Lá đã rụng về cội thật rồi, nhưng ông vẫn tình nguyện làm một chiếc lá bồi đắp cho đất mẹ thêm phong phú, màu mỡ!

Đọc E-paper

GS. Trần Văn Khê được Giải thưởng lớn Hàn lâm viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc Nhạc học năm 1960 và 1970, Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương cấp Officier do Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng Quốc tế về Dân tộc Nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật, 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999).

Giáo sư đã về với cội nguồn của mình. Lần thứ nhất ông về, không phải ngay tại Việt Nam, mà ở Paris, bằng tài năng thiên phú, ông hướng con đường nghệ thuật của mình vào phục vụ văn hóa dân tộc từ thập niên 1960. Thành lập Trung tâm Nhạc học Đông phương tại Paris chuyên dạy các môn âm nhạc truyền thống châu Á theo phương pháp truyền khẩu và truyền ngón (năm 1959). Tại đây ông làm nhiệm vụ Giám đốc Nghệ thuật và chuyên dạy đờn ca tài tử (tranh, kìm, cò).

Suốt 30 năm, trung tâm này đã đào tạo được trên 150 sinh viên Pháp và các nước am hiểu về nhạc tài tử Việt Nam. Ông làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp từ chức vụ khởi đầu là tùy viên đến giám đốc nghiên cứu với chuyên ngành ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam, đặc biệt trong đờn ca tài tử và các cách chuyển hệ (Metabole); so sánh âm nhạc đờn ca tài tử với âm nhạc thính phòng của nhiều nước khác ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ. Và còn rất nhiều việc khác như xuất bản băng đĩa, viết báo về âm nhạc dân tộc Việt Nam bằng tiếng nước ngoài để truyền bá văn hóa Việt rộng rãi.

Lần thứ hai ông trở về với cội nguồn bằng ý chí và quyết tâm, tha thiết muốn về sống tại Việt Nam, đưa gia tài văn hóa của ông về đây để cống hiến và phục vụ ngay trong lòng cái nôi văn hóa Việt. Những hồ sơ hàng nghìn trang để trình UNESCO xem xét về nghệ thuật đờn ca tài tử, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đều có sự tư vấn quan trọng của GS. Trần Văn Khê.

Chúng tôi đã gặp ông ngồi trên xe lăn đi đến tận các bản làng Tây Nguyên vào năm 2007. Ở đấy ông đắm mình vào một bản nhạc hoang dã của người Bana, hay sẵn lòng nói chuyện hàng tiếng đồng hồ về giá trị âm nhạc của từng dân tộc với các nhạc công núi rừng, dặn dò họ cố gắng gìn giữ, đừng để du lịch và thương mại lấn át, làm phôi phai các giá trị văn hóa nguyên bản.

Khi lắng nghe ông nói chuyện, tôi thấy rất xúc động trước hình ảnh con người đã đi đến chặng cuối cùng của đời người, sức khỏe không còn bao nhiêu mà ông vẫn tận tụy với từng nhạc công vô danh nếu như họ biết trân trọng âm nhạc của dân tộc họ giữa chốn núi rừng hoang sơ.

Và khi những tin tức xấu về sức khỏe của ông lan truyền, nhiều người Hội An bỗng nhớ đến hình ảnh một người thầy nhỏ bé nhưng có sức mạnh lan truyền cảm hứng khi ông ngồi xe lăn ở quảng trường sông Hoài nói chuyện giữa trời nắng chang chang. Sức mạnh của văn hóa đôi khi kết nối bất chấp tuổi tác, thời gian và sự khắc nghiệt của đời sống là vậy.

Chắc chắn người Hội An, người Tây Nguyên, người đờn ca tài tử vùng sông Tiền, sông Hậu sẽ nhớ ông da diết. Những em bé học sinh ở TP.HCM đã từng được ông đến tận trường nói chuyện về âm nhạc sẽ nhớ ông, và biết đâu sẽ có những hạt giống nảy nở, lớn mạnh. Và một người bạn đi trước, nhạc sĩ Phạm Duy, sẽ chờ đón ông, bởi hai người đã từng có những khoảng thời gian quý giá bên nhau trao đổi về âm nhạc.

Nhạc sĩ Phạm Duy xúc động vì một người bạn uy tín đã chiêm nghiệm âm nhạc của mình một cách sâu sắc và bài bản qua một cuốn sách nhỏ. GS. Trần Văn Khê thì khiêm cung đáp lại rằng ông chỉ thưởng thức một tài hoa âm nhạc qua cái nhìn văn hóa dân tộc. Tình bạn Phạm Duy - Trần Văn Khê sẽ nối dài ở cõi khác, từ nay!

Sự trở về Việt Nam của ông đã hình thành nên một địa chỉ văn hóa mới cho người Sài Gòn. Ngôi nhà ông ở giống như một điểm sinh hoạt âm nhạc dân tộc, một thư viện lớn cho thế hệ sau muốn tìm kiếm kiến thức âm nhạc dân tộc một cách hệ thống.

Rồi sau sự ra đi của ông sẽ còn có một Quỹ học bổng Văn hóa Trần Văn Khê, ông vẫn chìa tay cho thế hệ mai sau với những ấm áp, ân cần và hết sức thực tế như thế! Gia tài văn hóa đồ sộ ông để lại vừa hữu hình, vừa vô hình tùy theo cảm nhận của từng người. Nhưng cách sống, làm việc và cống hiến của ông là một hình ảnh và kinh nghiệm vô giá cho người hoạt động văn hóa trong nước học hỏi sự chuyên nghiệp.

>GS-TS Trần Văn Khê - Đại thụ âm nhạc, chuyên gia văn hóa ẩm thực

>Âm nhạc dân tộc chứa đựng những câu chuyện tâm linh

>Âm nhạc dân tộc về Thăng Long hội tụ

>Thủy chung với nghề làm đàn dân tộc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GS. Trần Văn Khê - Lá đã rụng về cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO