Giải trí hay mang "hơi thở đời sống"

CUNG CẦU| 06/02/2010 09:46

Phim giải trí thường dễ thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, quảng cáo đổ vào phim cũng nhiều hơn các phim chính luận...

Giải trí hay mang

Trước hàng trăm tập phim giải trí nối đuôi nhau lên sóng, nhà đài cũng nhận ra, không thể phát triển tràn lan dòng phim giải trí mà cần có sự định hướng, điều chỉnh đề tài, khuyến khích các đơn vị xã hội hóa sản xuất những bộ phim mang hơi thở đời sống đương đại, phản ánh những vấn đề người dân quan tâm. Nhưng ai “điều chỉnh” và điều chỉnh ra sao?

Không mặn mà chính luận

“Phim giải trí thường dễ thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, quảng cáo đổ vào phim cũng nhiều hơn các phim chính luận, vậy ai dại gì mà lao vào làm phim với những đề tài vừa khó làm, vừa khó thu hút quảng cáo”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC nhận định. Còn lãnh đạo một đơn vị sản xuất phim truyền hình có tên tuổi ngoài Bắc cho rằng, không đơn vị tư nhân nào mặn mà với mảng chính luận, vì nếu lao vào thì khả năng thất thu cao hơn rất nhiều so với đầu tư làm phim giải trí.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách phim sẽ lên sóng màn ảnh nhỏ trong năm 2010, đã thấy le lói những tín hiệu vui. Bên cạnh rất nhiều nhà sản xuất chọn đề tài giải trí thì có một đơn vị xã hội hóa mạnh dạn tham dự đề tài chính luận và điều tra. Đó là Ám ảnh xanh (36 tập), bộ phim có chủ đề chống tham nhũng của Chi nhánh Hãng Phim truyện Việt Nam tại TP.HCM. Những nhân vật trong phim là biểu tượng của một thế hệ từng xả thân trong những năm tháng chiến đấu giành độc lập, tự do và họ vẫn còn đứng mũi chịu sào trong công cuộc bảo vệ an ninh đất nước, nhằm tạo dựng một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, văn minh...

Mặc dù vậy, mang tiếng đơn vị xã hội hóa nhưng nhà sản xuất Ám ảnh xanh vẫn là... Nhà nước. Hơn nữa, sản phẩm này được bảo đảm bởi tác giả là nhà văn Chu Lai. Nếu không phải Chu Lai mà là tác giả khác, không phải Hãng Phim truyện Việt Nam mà là nhà sản xuất tư nhân thì liệu “nhà đài” có tin tưởng?

Thay đổi tư duy duyệt phim

Phim truyền hình trở thành “món khoái khẩu” của khán giả, nhất là khi người xem luôn dành ưu ái cho phim nhà. Vậy nên việc các nhà đài tìm cách “đổi món” không những đem đến những bữa ăn tinh thần phong phú, hấp dẫn hơn, mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phim. Đa dạng đề tài không những hướng tới nhiều nhu cầu, nhiều đối tượng, mà đến lượt đề tài kích thích sự phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu của phim truyền hình.

Phim Bí thư tỉnh ủy được khán giả chờ đợi

Dĩ nhiên, lao vào những vấn đề xã hội đòi hỏi bản lĩnh của tác giả kịch bản, biên tập và hơn cả là lãnh đạo các hãng tư nhân dám đi theo con đường khó khăn, chông gai này để phả hơi thở cuộc sống vào phim truyền hình. Vì vậy, để khuyến khích hay kích thích các nhà làm phim xã hội hóa “mạo hiểm” thì cần thay đổi về tư duy duyệt phim... “Các nhà duyệt phim muốn thay đổi tư duy thì cần có thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai”, một vị trong Hội đồng Duyệt phim xã hội hóa của VTV chia sẻ.

Điều băn khoăn không phải ở chỗ các hãng phim xã hội hóa có mạnh dạn làm phim với những đề tài khác ngoài mảng giải trí hay không, mà như bà Thùy Linh, Phó giám đốc VFC, Ủy viên Hội đồng Duyệt phim xã hội hóa của VTV, cảnh báo: “Các nhà làm phim tự kiểm duyệt ngay từ chính họ mới là điều đáng lo ngại cho cả phía nhà sản xuất và phía duyệt nội dung”.

Đa dạng đề tài là câu chuyện dài còn được nhắc tới nhiều trong năm 2010 này khi “mâm cỗ” truyền hình như “trăm hoa đua nở”. “Hội đồng đang muốn thay đổi tư duy, nhưng không dễ một sớm một chiều để các đối tác thay đổi theo vì họ đã bị chi phối và tác động của loại phim "tuyên truyền" quá lâu...”, một thành viên Hội đồng Duyệt phim xã hội hóa của VTV bày tỏ quan ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải trí hay mang "hơi thở đời sống"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO