Đem “sao” đi hát xứ người

HOÀNG YẾN| 22/08/2009 08:24

Việc ca sĩ VN tìm cách đưa sản phẩm của họ vào dòng chảy của âm nhạc khu vực châu Á là nỗ lực đáng ghi nhận...

Đem “sao” đi hát xứ người

Việc ca sĩ VN tìm cách đưa sản phẩm của họ vào dòng chảy của âm nhạc khu vực châu Á là nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng, để có được lượng khán giả yêu thích hay chiếm được một thị phần nhỏ nhoi trong thị trường âm nhạc xứ người, họ phải được nhà sản xuất nước ngoài lựa chọn, đầu tư và lăng xê.

Xuất ngoại làm album

Hai album vol.5 Vút bay và vol.6 Trở lại của ca sĩ Mỹ Tâm đều có các phần hòa âm, phối khí, thu âm... được thực hiện tại Hàn Quốc. Đức Tuấn vừa phát hành album Music of the night được thực hiện ở Canada. Minh Thư mới giới thiệu album Listen được thu, phối khí và thiết kế hình ảnh tại Thái Lan. Tùng Dương sang Đức để chuẩn bị làm album vol.3...

Ca sĩ Mỹ Linh trong chuyến phát hành album tại Nhật Bản

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương cho biết sẽ phát hành album Năng lượng ở Trung Quốc và Hàn Quốc, và 50% nội dung album được thay đổi cho phù hợp với nơi phát hành. Cô sẽ hát tiếng Hoa trong album phát hành ở Trung Quốc và khi giới thiệu sản phẩm tại Hàn Quốc, cô hát tiếng Hàn.

Cuối năm ngoái, ca sĩ Mỹ Linh và ê-kíp đột phá thị trường Nhật Bản với bộ ba album Chat với Mozart. Tập đoàn Japan Tourism Board (JTB) cử người “thị sát” thị trường âm nhạc châu Á và Mỹ Linh được chọn cho chiến lược đầu tư đầu tiên của JTB. Sau album của Khánh Ly (nhạc Trịnh Công Sơn), Hồng Hạnh và Tam ca Áo Trắng, đây là lần đầu tiên bộ ba album ca nhạc hoàn toàn “made in Vietnam” được phát hành chính thức tại một trong ba hệ thống phát hành băng, đĩa nhạc lớn nhất của Nhật Bản là Pony Chanyon Distributor.

Dù Mỹ Linh tự tin với bộ ba album tại Nhật nhưng không hẳn là cô đã “xác lập được một vị thế mới”. Ca sĩ Hồng Hạnh, một trong những người đi tiên phong trong việc tổ chức chương trình biểu diễn và phát hành album riêng tại Nhật Bản - quê hương của chồng cô, thừa nhận, ở tuổi cô cách đây trên 10 năm cũng đã không còn cơ hội để phát triển sự nghiệp âm nhạc ở nước ngoài. “Ngoài giọng hát, ngoại hình..., ngôi sao còn phải được đào tạo từ tuổi mới lớn, đồng thời phải thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá tên tuổi. Do vậy, cần có thời gian mới chinh phục được khán giả nước ngoài”, Hồng Hạnh nói.

Bao giờ sáng sao?

Có người cho rằng, ngôn ngữ là rào cản ca sĩ Việt ra nước ngoài. Thật ra, ca sĩ người Nga hay người Nhật vẫn trở thành những ngôi sao sáng chói với các ca khúc hát bằng tiếng mẹ đẻ. “Với một cái tên ca sĩ mới, nhất là không phải ca sĩ trong nước, người nước ngoài thường tìm hiểu kỹ trước khi bỏ tiền mua vé đi xem buổi diễn hay mua đĩa của ca sĩ đó”, Hồng Hạnh khẳng định.

Việc ca sĩ VN tìm cách đưa sản phẩm của họ hòa vào dòng chảy của âm nhạc khu vực châu Á là nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng, để có được lượng khán giả yêu thích hay chiếm được một thị phần nhỏ nhoi trong thị trường âm nhạc ở xứ người, họ phải được nhà sản xuất nước ngoài lựa chọn, đầu tư và lăng-xê. Ca sĩ Thanh Lam cho rằng: “Làm sao để ca sĩ Việt tự hào về sản phẩm âm nhạc bản địa và bản sắc của mình mới là điều quan trọng khi bước ra thị trường âm nhạc nước ngoài”.

“Chúng ta chưa đủ lực để nhìn nhận cái mới với các góc độ của thời đại. Một quốc gia chỉ vừa gỡ bỏ (ít nhiều) thành kiến với rock và hip hop, rụt rè với các trào lưu mới như Parkour hay X-Games..., thì sẽ còn lâu mới có chuyện nhìn nhận hoặc có được sự góp mặt của những góc cạnh nghệ sĩ độc đáo. “Ngôi sao - theo cách xưng tụng của giới truyền thông trong nước, hiện chỉ là những học trò nhỏ của thế giới nhưng lại ít khi chịu nhìn nhận mình như vậy”, nhạc sĩ Tuấn Khanh - người từng có kế hoạch đưa nhóm nhạc Trio 666 đến với MTV châu Á từ cách đây hơn chục năm, chia sẻ với báo giới về câu hỏi “Vì sao chúng ta không có nổi một ngôi sao có đẳng cấp để bắt nhịp với dòng chảy âm nhạc của khu vực?”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đem “sao” đi hát xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO