Có một cô Lan không yếu đuối

QUÝ YÊN| 29/02/2016 01:18

Làm mới lại một cốt truyện đã quá quen thuộc, sân khấu Hoàng Thái Thanh thuyết phục khán giả bằng cách truy đến tận cùng bản chất của những nhân vật đã làm nên thiên tình sử Lan và Điệp.

Có một cô Lan không yếu đuối

Làm mới lại một cốt truyện đã quá quen thuộc, sân khấu Hoàng Thái Thanh thuyết phục khán giả bằng cách truy đến tận cùng bản chất của những nhân vật đã làm nên thiên tình sử Lan và Điệp.

Khi nghe đến Lan và Điệp, dù chưa xem nhưng chắc chắn, khán giả nào cũng sẽ có hình dung sẵn về chuyện tình u buồn giữa chàng Điệp và cô Lan. Họ yêu nhau, không đến được với nhau. Anh Điệp lấy vợ giàu, để cô Lan đi tu rồi bỏ thân nơi cửa Phật vì tâm bệnh. Thế nhưng, khi xem Lan và Điệp trên sân khấu kịch Tết của Hoàng Thái Thanh, có quá nhiều bất ngờ được mở ra. Ở đó, vẫn là cô Nguyễn Thị Lan và anh Nguyễn Khắc Điệp, vẫn là mối tình đẹp từ thủa còn thơ nhưng Lan không đi tu mà có một chọn lựa khác, sau khi nhận ra bản chất của Điệp là một chàng trai nhu nhược, yêu bản thân hơn các thứ. Đó là một cái kết đẹp cho Lan. Bởi, nếu cưới Điệp, sống với một người ham giàu sang nhưng lúc nào cũng che giấu bản chất bằng vẻ ngoài đạo mạo thì bi kịch của Lan, có lẽ còn khốc liệt hơn việc buồn đau đến chết nơi cửa thiền.

Không còn là cô gái trắc nết, hỗn hào, Thúy Liễu của Hoàng Thái Thanh là một cô gái có tình, có xúc cảm, biết yêu thương nhưng lại vướng vào bi kịch của môi trường đầy cái gọi là lý trí, sáng suốt. Để rồi, hết làm một tặng vật để cha leo cao hơn đến làm một bình hoa cho đẹp mặt gia đình...

Hoàng Thái Thanh đã làm gì các nhân vật kinh điển? Chỉ đơn giản là đi sâu hơn một chút vào những cá nhân, để từ đó cho khán giả thấy, vì sao Điệp lại chấp nhận cưới Thúy Liễu, vì sao chàng trai ấy không dứt mình ra khỏi dinh thự giàu sang kia để trở về với vùng quê nghèo khổ... Cách kể chuyện thuyết phục. Kịch bản kín kẽ và mang đến khán giả nhiều bất ngờ.

Đứng ở đằng sau, NSƯT Thành Hội không có mặt trên sân khấu nhưng hiện diện của ông ở vai trò đạo diễn rất rõ nét. Có lẽ không ai có thể đưa cái chất "Nam bộ rặt" lên sân khấu được như Thành Hội. Từng lời thoại, từng tình tiết... đều cho người xem cảm nhận được đời sống của người dân miền Nam ngày trước. Hào sảng, nghĩa tình và hài hước. Cùng với Thành Hội là sự tỏa sáng của Hoàng Vân Anh, Đoàn Thanh Tài, Lương Duyên, Ngọc Tưởng... Điểm nhấn của dàn diễn viên, còn có thể kể đến Guillaume Faugere, một đạo diễn, diễn viên người Pháp đang sống và làm nghề ở Việt Nam. Bén duyên với sân khấu từ vở kịch Tình duyên thuở trước, Guillaume Faugere giống như một "đặc sản" của Lan và Điệp mà người xem phải chờ đợi. Không chỉ vì đó là một nhân vật mới được đưa vào mà còn vì lối diễn xuất chân thật, không kém hài hước.

Một kịch bản tốt, một dàn diễn viên lành nghề và một bàn tay điều tiết khéo léo, tất cả làm nên một vở diễn chỉn chu, hấp dẫn. Tuy khả năng gây tranh cãi là khá cao vì không giống với nguyên tác, người xem có thể hài lòng hoặc không nhưng có thể nói rằng, Lan và Điệp trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, lạ lắm. Không nước mắt, ít tiếng cười nhưng người xem sẽ nhớ nhiều...

>Carmen - Vở nhạc kịch của tự do

>Nghệ sĩ Việt trên sân khấu Broadway

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một cô Lan không yếu đuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO