Bản sắc điện ảnh Pháp

VI ANH| 25/08/2016 06:18

Từng có lúc chìm nghỉm trong ma trận toàn bom tấn của Hollywood và bị chính khán giả nội địa bỏ quên, nhưng phim Pháp vẫn giữ được bản sắc riêng biệt nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Bản sắc điện ảnh Pháp

Từng có lúc chìm nghỉm trong ma trận toàn "bom tấn" của Hollywood và bị chính khán giả nội địa bỏ quên, nhưng phim Pháp vẫn giữ được bản sắc riêng biệt nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Đọc E-paper

Chính sách của chính phủ

Không đặt nặng tính giải trí, không tìm mọi cách lôi kéo khán giả đến rạp, không đắp lên tác phẩm những màu sắc bắt mắt, tại Pháp, làm phim là một công việc nghiêm túc. Và phim luôn được xếp vào mảng nghệ thuật, không bị đánh đồng với các hình thức giải trí hoặc sản phẩm công nghiệp.

Sau Thế chiến II, điện ảnh Mỹ trỗi dậy, đẩy tất cả các nền điện ảnh khác rơi vào khủng hoảng. Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (Centre national de la cinématographie - CNC) trực thuộc Bộ Văn hóa đã được Chính phủ Pháp thành lập năm 1946. Năm 1948, CNC đề ra quy chế lập các quỹ hỗ trợ tài chính cho điện ảnh Pháp, và Bộ Văn hóa Pháp còn có chính sách bảo vệ bản sắc văn hóa Pháp với một loại thuế đánh vào tiền bán vé để đầu tư ngược lại cho điện ảnh.

Từ thập niên 1980, khi màn ảnh nhỏ bắt đầu phát triển mạnh, Chính phủ Pháp cũng "bắt buộc" truyền hình phải "nuôi" điện ảnh, có năm "rót" tới gần 70% ngân sách cho CNC.

Năm 2012, trong khi hầu hết các nước châu Âu đều cắt giảm tài trợ cho điện ảnh xuống còn trên dưới 100 triệu euro thì số tiền trợ giá cho điện ảnh của Pháp lên đến 700 triệu euro, lấy từ số thuế 11% đánh trên vé xem phim và trên DVD bán ra.

Hiện nay, Pháp sản xuất khoảng 250 phim điện ảnh mỗi năm - nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào và chủ yếu chiếu phục vụ thị trường nội địa. Để quảng bá cho điện ảnh, hằng năm tại Pháp có nhiều liên hoan phim (LHP) lớn được chính phủ đầu tư, đáng kể nhất là LHP Cannes ra đời từ năm 1946 và luôn giữ vững vị thế LHP hàng đầu thế giới.

Đặc biệt từ năm 1976, Viện Hàn lâm Kỹ nghệ và Nghệ thuật điện ảnh Pháp còn thành lập giải César với những buổi lễ trao giải hoành tráng không kém gì giải Oscar của Mỹ. Ngoài hỗ trợ tài chính, Chính phủ Pháp còn phát động các chiến dịch kêu gọi công chúng ủng hộ điện ảnh nước nhà.

Cảnh trongThe Artist - phim đoạt giải Phim hay nhất tại Oscar 2012
Người Pháp từng quay lưng với phim nội địa trước làn sóng Hollywood quá mãnh liệt, hấp dẫn. Nhưng bây giờ đến các rạp chiếu phim vào cuối tuần sẽ thấy hàng dài khán giả xếp hàng mua vé xem phim nội. Tóm lại, dù việc đóng thuế trên các kênh truyền hình, tăng giá vé để đầu tư vào điện ảnh từng gặp chỉ trích nhưng Chính phủ Pháp đã vực dậy một nền điện ảnh mang tính nghệ thuật cao trước sức ép từ những bộ phim "bom tấn" của Hollywood.

Và không chỉ có vậy, những quỹ điện ảnh của Pháp còn tài trợ cho các nhà làm phim độc lập tài năng nhưng thiếu tiền từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các nước châu Phi và châu Á. Chẳng hạn như nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp của Việt Nam đã nhận được tài trợ từ các quỹ điện ảnh của Pháp để làm bộ phim Đập cánh giữa không trung (đã tham dự nhiều LHP quốc tế và đoạt được giải thưởng).

Không nổi bật nhưng riêng biệt

Với khán giả nước ngoài, phim Pháp thuộc dòng phim "hạng sang", chỉ nhắm đến đối tượng khán giả trí thức, nội dung thường khó hiểu, khi xem phải suy nghĩ, có cảnh nóng nhưng không dung tục, mạch phim chậm rãi, hài hước nhưng triết lý hay lãng mạn, chân thật, say đắm nhưng trong chừng mực nào đó lại hơi... sến.

Nói chung, điện ảnh Pháp hiện đại vẫn bị xem là bảo thủ, ít chiều theo thị hiếu người xem, tôn thờ "chất" Pháp, phong cách Pháp. Bởi vậy phim Pháp không được "vồ vập" như phim Hollywood - dòng phim dễ hiểu, kịch tính, hoành tráng và biết chiều theo thị hiếu khán giả.

Trên thực tế, đầu thập niên 1960, các đạo diễn Jean Luc Godard, Eric Rohmer, Francois Truffaut, Claude Chabrol, Jacques Rivette đã làm nên trào lưu "làn sóng mới", được xem là một trào lưu nghệ thuật đáng chú ý nhất của lịch sử điện ảnh thế giới. Thế nhưng chỉ cải tổ và thay đổi về cách dựng, cách quay phim, một loạt tên tuổi lớn của điện ảnh Pháp sau này như Jean Renoir, Robert Bresson, Jean Pierre Melville, Jacques Audiard vẫn gói ghém tinh thần Pháp, văn hóa Pháp, truyền thống Pháp trong nhiều bộ phim nổi tiếng trong thập niên 1980 - 2000.

Gần đây nhất là bộ phim đen trắng The Artist (Nghệ sĩ) đoạt 5 giải Oscar 2012 (trong đó có giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim hay nhất...) mang đậm văn hóa Pháp, con người Pháp, không trộn lẫn với bất cứ tác phẩm nào khác dù vang danh toàn thế giới, đặc biệt đình đám ở Hollywood.

Hiện nay, xét về mức độ đại chúng, quy mô, mức thành công hay lợi nhuận thì điện ảnh Pháp vẫn thua xa Hollywood và còn phải đối mặt với nhiều nền điện ảnh mới nổi, tràn trề sinh lực như Hàn Quốc, Nam Phi, Ấn Độ... Tuy nhiên, để bứt phá, điện ảnh Pháp đang tận dụng thế mạnh "con người Pháp" khi cố gắng xây dựng một đội ngũ diễn viên có thực lực, đủ sức vượt qua biên giới.

Có thể nói, cách làm phim khắt khe, nặng về tâm lý đã góp phần tạo nên nhiều lớp nghệ sĩ Pháp giỏi nắm bắt cảm xúc, nghiêm túc, tận tâm với nghề. Sau khi đã thuyết phục được các đạo diễn bảo thủ ở thị trường Pháp, họ sẽ làm nên chuyện ở những thị trường khác, cụ thể là Hollywood. Và khi khán giả toàn cầu đã yêu mến nghệ sĩ Pháp, ngưỡng mộ họ rồi thì sẽ tìm xem những bộ phim Pháp có họ đóng.

Từ rất lâu, khán giả thế giới đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa và tài năng xuất chúng của các diễn viên Brigitte Bardot, Catherine Deneuve, Alain Delon, Gérard Depardieu, Juliette Binoche...

Còn hiện nay, Hollywood đang chào đón không ít tài năng sáng chói đến từ điện ảnh Pháp như: Marion Cotillard - người Pháp thứ hai giành Oscar với vai diễn trong phim La vie en rose (2007); Eva Green đã đóng các phim Dark Shadows, 300: Rise of an Empire; Omar Sy tham gia các phim X-Men: Days of Future Past, Jurassic World, Inferno...

Nói chung, nhờ chính sách phát triển điện ảnh thiết thực của chính phủ, nhờ chất Pháp, tinh thần Pháp mà phim Pháp vẫn đứng vững trước làn sóng phim Hollywood.

>Bérénice Bejo: Tâm điểm của điện ảnh Pháp

>Điện ảnh Trung - Hàn trỗi dậy, Hollywood có "sốt ruột"?

>Điện ảnh châu Á nhìn vào tương lai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản sắc điện ảnh Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO