Bài toán bảo vệ quyền trẻ em trong truyền hình thực tế

HOÀNG LÂM| 06/04/2016 00:55

Thách thức nhà sản xuất phải đối mặt chính là việc kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ người chơi trong vòng xoáy truyền hình.

Bài toán bảo vệ quyền trẻ em trong truyền hình thực tế

Ngày càng nhiều chương trình truyền hình thực tế lấy trẻ em làm đối tượng xây dựng. Thu hút được cả trẻ em lẫn người lớn, bài toán "rating" được đảm bảo..., tuy nhiên, thách thức nhà sản xuất phải đối mặt chính là việc kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ người chơi trong vòng xoáy truyền hình.

Đọc E-paper

"Nhí hóa" truyền hình

Ngày 30/3, chương trình Thần tượng Âm nhạc Nhí Việt Nam - Vietnam Idol Kids do Đài Truyền hình Việt Nam cùng Công ty BHD phối hợp thực hiện công bố ca sĩ, diễn viên Isaac là gương mặt giám khảo đầu tiên của Chương trình trong mùa đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Thần tượng Âm nhạc Nhí Việt Nam là phiên bản dành cho khán giả nhí Việt Nam của chương trình truyền hình giải trí nổi tiếng thế giới Idol Kids thuộc bản quyền của Fremantle Media. Đây chính là phiên bản "nhí hóa" của cuộc thi Idol nổi tiếng thế giới.

Sau 6 mùa giải Vietnam Idol - Thần tượng Âm nhạc Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn, tìm ra những ca sĩ thần tượng nổi tiếng cho làng âm nhạc Việt: Phương Vy, Quốc Thiên, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Nhật Thủy, Trọng Hiếu..., đây cũng là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên của nước ngoài đến Việt Nam và tạo ra cơn sốt trên sóng truyền hình gần 10 năm nay.

Vietnam Idol Kids đã khởi động hành trình tìm kiếm các tài năng ca hát tại Đà Nẵng, Hà Nội và sẽ tiếp tục đến với TP.HCM để phát hiện những tài năng ca hát. Đáng chú ý, cuộc thi này chấp nhận tuyển chọn các thí sinh từ 5 tuổi.

Trước Vietnam Idol phiên bản Kids, một sân chơi nghệ thuật khác là Siêu nhí tranh tài cũng chính thức phát sóng. Đây là chương trình dành cho các thí sinh từ 5 - 14 tuổi, có năng khiếu ở tất cả các bộ môn nghệ thuật. Tổng cộng có 16 thí sinh tham gia chương trình, trong đó có những em đã và đang hoạt động nghệ thuật và được nhiều khán giả khắp nơi ái mộ, và cũng có những thí sinh tài năng thuộc những bộ môn nghệ thuật ít người biết đến hơn như nhảy, múa, ảo thuật...

Tuy nhiên, đây chưa phải là sân chơi truyền hình thực tế có thí sinh tham gia nhỏ tuổi nhất. Giữ kỷ lục về tuyển chọn thí sinh nhỏ tuổi hiện nay là Người hùng tí hon (Little giants). Đây là chương trình được mua bản quyền quốc tế, dành cho các em thiếu nhi tài năng có độ tuổi từ 4 - 13. Ku Tin, tên thường gọi của cậu bé 4 tuổi Huỳnh Minh Hoàng, đã tỏa sáng ở sân chơi này. Hiện Ku Tin là cậu bé có lượng "fan" hâm mộ không kém cạnh những ngôi sao ca nhạc.

Con dao hai lưỡi

"Điểm đặc trưng trong sản xuất các chương trình dành cho trẻ nhỏ là lượng người xem và quảng cáo có thể được đảm bảo phần nào", bà Nguyễn Thị Bích Trâm, Giám đốc Vietcom Flim, tiết lộ. Nguyên nhân là đối tượng trẻ em có thể thu hút được cả khán giả nhỏ tuổi lẫn người lớn, nhất là những bà nội trợ, nên lượng quảng cáo đổ về tương đối ổn định.

Tuy nhiên, cái dễ này lại phát sinh cái khó khác. Theo bà Trâm, với người sản xuất, thực hiện các chương trình dành cho trẻ nhỏ rất áp lực, cũng như cầm con dao hai lưỡi, rất dễ đứt tay bởi sự nhạy cảm của thí sinh, sự quan tâm của cộng đồng... dành cho các em rất lớn.

Đồng quan điểm, nghệ sĩ, giảng viên Minh Nhí, một trong hai người dẫn chương trình Siêu nhí tranh tài, cho biết, áp lực khi làm những chương trình dành cho trẻ nhỏ rất lớn. Do phải ưu tiên hàng đầu thời gian học tập của các thí sinh nên có những hôm, tất cả các nghệ sĩ, đoàn phim... phải đóng máy ngồi chờ các bạn nhỏ vì các em kẹt lịch học.

Chưa kể, cách làm việc với những bạn nhỏ cũng không đơn giản, phải lựa lời, phải có kỹ năng truyền đạt..., thậm chí phải làm việc hai lần, một lần với phụ huynh để sau đó phụ huynh truyền đạt lại cho con em của họ. "Khán giả xem đài thường phản ứng vì cứ nghe Ban giám khảo khen thí sinh và nâng các bạn ấy lên bằng những lời "có cánh" nhưng thực ra, nếu không khéo léo, sự tổn thương gây ra sẽ sâu và dai dẳng vì sóng truyền hình có khả năng đưa hình ảnh thí sinh đi rất xa", nghệ sĩ Minh Nhí nói. 

The Voice, một format thi ca hát cũng nổi tiếng không kém, đến sau nhưng đã sớm đưa ra phiên bản nhí và thành công rực rỡ suốt 3 năm vừa qua ở Việt Nam. Ấn tượng mà The Voice Kids mang đến là sự chuyên nghiệp của một cuộc thi ca hát dành cho trẻ nhỏ. Để có được thành công này, phía sau The Voice Kids là cả một công nghiệp sản xuất truyền hình thực tế. Và tuổi quy định cho thí sinh nhỏ nhất được tham gia cuộc thi này là 9 tuổi, lứa tuổi phần nào đã cứng cáp.

Trở lại chuyện Vietnam Idol, theo đạo diễn Vũ Thành Vinh, người dàn dựng chương trình này từ những ngày đầu tiên, chìa khóa để Vietnam Idol thu hút khán giả nhiều năm liền là những thí sinh cực hay và cực dở, thậm chí những giọng ca ấy gây sốc càng tốt. Với phiên bản Kids, công thức ấy liệu có được nhà sản xuất tại Việt Nam áp dụng để gây chú ý hay không? Câu trả lời nằm ở việc cân đo của nhà sản xuất: khán giả hay người chơi.

>Hậu truyền hình thực tế cho trẻ em: Khoét sâu hay lấp đầy?

>Nhạc Việt "quên" trẻ em

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài toán bảo vệ quyền trẻ em trong truyền hình thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO