Doanh thu phòng vé Nhật Bản bùng nổ nhờ cải cách

Hồng Như| 19/09/2019 08:00

Từ đầu năm đến nay, số lượng phim chiếu rạp tại Nhật Bản tăng 16% gồm cả phim trong nước và quốc tế, bất chấp sự thu hẹp về dân số và sự gia tăng của các nền tảng trực tuyến.

Doanh thu phòng vé Nhật Bản bùng nổ nhờ cải cách

Năm 2007, Nhật Bản trở thành thị trường điện ảnh đứng thứ hai thế giới sau Bắc Mỹ và là năm kỷ lục của các bộ phim Hollywood khi chiếm 50% doanh thu phòng vé tại đây, nhưng kể từ năm 2013, vị trí này đã được Trung Quốc thay thế. Đến năm 2019, con số này mới bắt đầu vực dậy và để lại nhiều ấn tượng.

Sau 27 tuần trụ rạp, Bohemian Rhapsody mang về 115,7 triệu USD tại phòng vé Nhật dù đã công chiếu toàn cầu trước đó. Aladdin đạt mức 1 tỷ USD với doanh thu tại Nhật là 110 triệu USD. Tương tự, Toy Story 4 ra mắt vào tháng 7 cũng thu được 81,1 triệu USD và vẫn trụ rạp đến nay. Mặc dù, The Lion King (Vua sư tử) bị tranh cãi vì tương tự với bộ truyện tranh Kimba the White Lion của hoạt sĩ Osamu Tezuka nhưng sức hút của nó vẫn không giảm khi khởi chiếu. Chỉ sau ba ngày từ ngày 9/8, bộ phim đã thu về hơn 9 triệu USD.

Aya Umezu - người sáng lập và CEO của công ty phân tích dữ liệu và tiếp thị phim GEM Partners cho biết: “Thị trường phim tại Nhật Bản đang bị điều khiển bởi sự kết hợp mạnh mẽ giữa Disney (hiện tại bao gồm cả Fox) và gã khổng lồ Toho - công ty phân phối phim và sản xuất sân khấu của Nhật Bản”.

Toho hiện đang nắm giữ nhiều ưu thế trên thị trường với doanh thu phòng vé nửa đầu năm 2019 đạt kỷ lục 392 triệu USD, tăng 39% so với năm trước và riêng tháng 7 đã tăng đến 122%. Nhờ vào hai bộ phim Hollywood là Pokemon: Thám tử Pikachu và Godzilla: King of the Monsters, Nhật Bản lần lượt thu về 27 triệu USD và 25,4 triệu USD, trở thành thị trường quốc tế lớn thứ hai ngang hàng với Trung Quốc.

Tính riêng trong tháng 7/2019, doanh thu phòng vé Nhật Bản đã tăng thêm 30% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này nằm trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang thực hiện hàng loạt cải cách về giảm giờ làm, tăng thời gian giải trí cho người lao động có hiệu lực từ tháng 4/2019. Trung bình, người lao động Nhật chỉ sử dụng một nửa số ngày nghỉ hàng năm của họ. Tình trạng thiếu lao động đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống 2,3% và công nhân được tăng lương sau nhiều thập kỷ bị lạm phát. “Mọi người đang tìm cách dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Với đa số người dân Nhật Bản, đi xem phim là một lựa chọn giải trí rất được ưa chuộng”, Shinnosuke Takeuchi - nhà phân tích của Jefferies Group nói.

Theo nghiên cứu của GEM Partners, hơn một nửa số thuê bao SVOD (dịch vụ đăng ký xem video theo yêu cầu) ở Nhật Bản cũng thường xuyên xem phim tại rạp. Sự trỗi dậy của Netflix, Amazon và các đối thủ trong nước khác vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận so với thị trường điện ảnh hiện tại ở Nhật Bản. Trong một nghiên cứu vào năm 2017, Takeuchi dự đoán thị trường điện ảnh của Nhật Bản đang tăng trưởng mạnh mẽ và đây là thời điểm tốt để chuyển mình.

(Theo Hollywood Reporter)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh thu phòng vé Nhật Bản bùng nổ nhờ cải cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO