Doanh nghiệp vẫn thừa thợ, đói đơn hàng

P.Thương - Ý Nhi| 10/11/2022 05:47

Những tháng cuối năm 2022, dưới tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp không ít khó khăn.

Xuất khẩu giảm 50%

Khác với thời điểm cùng kỳ của những năm trước, nhu cầu đơn hàng tăng cao, thì năm nay, khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, thì nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, thực phẩm, tiêu dùng giảm, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN xuất khẩu. Nhiều DN không có đơn hàng để sản xuất, buộc phải cắt giảm giờ lao động của công nhân hay thậm chí kết thúc hợp đồng với người lao động để giải quyết vấn đề tài chính.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, hiện nay trong tổng số 17 khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố có 51 DN báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Nổi cộm nhất trong tuần qua là việc Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) phải kết thúc hợp đồng lao động với 1.185 công nhân là một trong những trường hợp điển hình cho tình trạng thiếu đơn hàng của nhiều DN trong những tháng cuối năm 2022. Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cũng cho 1.500 lao động nghỉ việc; hay 51 DN trong KCX và KCN đã giảm gần 6.000 công nhân, lao động.

Nguyên nhân các DN giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa Đông ở châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm...

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công ty của ông vừa mới phục hồi được vài tháng thì hiện tại lại rơi vào khó khăn, doanh số bán hàng của công ty hiện đã giảm 80%, các DN khác giảm trung bình từ 40-50%. Đến quý IV, rất ít DN nhận được đơn hàng cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này, nhiều DN đã nhận được đơn hàng cho quý I, quý II năm sau. Nếu trước đây vào thời điểm này, Việt Thắng Jeans đã ký hợp đồng sản xuất đơn hàng theo quý, thì nay chỉ còn theo tháng. Dự báo khó khăn này có thể kéo dài sang năm 2023.

Đại diện một công ty cao su - nhựa tại TP.HCM cũng cho biết, mỗi tháng công ty này xuất khẩu 4 container sản phẩm cao su kỹ thuật sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Sản phẩm nhựa này được doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng cho linh kiện máy lạnh, máy giặt và đồ điện gia dụng xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay do hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn nên đơn hàng của đối tác đối với công ty cũng giảm gần một nửa so với trước. Đơn hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng cung ứng nội địa cũng còn khoảng 80% nhưng DN vẫn cố gắng duy trì việc làm cho gần 200 lao động.

Theo kết quả khảo sát nhanh tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm ở 52 DN hội viên HAWA, có hơn 90% DN giảm đơn hàng, 73% DN giảm doanh thu với mức giảm từ 10-90%, 65% DN cắt giảm lao động và phần lớn giảm trong khoảng từ 20-50%. 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may tăng trưởng tương đối tốt nhưng bước vào quý III, đơn hàng giảm rõ rệt.Nguyên nhân là các thị trường lớn như Mỹ và các nước EU lạm phát cao khiến người dân giảm chi tiêu, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều nhất. Các thị trường đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19 nên ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam. Thêm vào đó, DN dệt may phải chịu chi phí tăng tới 20-25% do giá nguyên phụ liệu từ đầu năm đến nay tăng rất nhanh, trong khi DN rất khó tiếp cận gói vay hỗ trợ 2 % lãi suất từ ngân sách nhà nước.

-5588-1668051855.jpg

Trong nước giảm chi tiêu, DN khó vay vốn

Không chỉ xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng trong nước cũng đang giảm tốc độ mua hàng. Ông Hồ Minh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Hòa (công ty chế biến thủy sản) cho biết: "Những tháng cuối năm, lượng đơn hàng giảm nghiêm trọng, sức mua của người tiêu dùng giảm, dẫn đến các siêu thị cũng chần chừ không đặt đơn hàng chúng tôi. Để có thể duy trì ổn định, chúng tôi buộc phải cắt giảm thời gian làm việc của nhân viên, đồng thời cắt giảm đi những vị trí không quan trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giải quyết tạm thời, nếu cứ tiếp tục tình trạng như thế này kéo dài thì sẽ là một thách thức rất lớn cho những DN vừa và nhỏ như chúng tôi".

Cũng những tháng cuối năm, DN phải tăng cường sản xuất nên cần dòng tiền lớn để quay vòng. Tuy nhiên để có thể vay vốn, DN phải đảm bảo không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... Trong khi đó, do Covid-19, dù đã khôi phục tái sản xuất nhưng nhiều DN vẫn chưa thoát khỏi nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận, gây ra nhiều khó khăn trong vay vốn ngân hàng. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng tăng theo khiến nhiều DN gặp khó khăn trong vay vốn. 

Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, các DN đang phải đối mặt với tình trạng tiền trả nợ ngân hàng tăng, trong khi khối lượng giao dịch giảm. Lãi suất cho vay tăng làm chi phí và giá thành sản phẩm tăng theo. Riêng với khách hàng của Công ty Lê Thành, đa số phải đi vay ngân hàng. Vì vậy, nhiều người không đặt cọc hoặc phải dừng lại việc mua nhà do không đủ tiền trả lãi hằng tháng, nhiều nhà đầu tư cũng rút lui khi lãi suất tăng.

Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, để sớm cải thiện tình trạng "đói" đơn hàng, DN phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng được nhu cầu mới, thị trường mới. Nhiều DN cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ thông qua việc giảm thuế, phí xăng dầu; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp vẫn thừa thợ, đói đơn hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO