Sáng 7/3, tại Hội trường Thành ủy đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM và các doanh nghiệp (DN) trong nước năm 2017 với chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp”.
Đây là một trong hai hội nghị lớn được tổ chức hằng năm để các DN TP.HCM chia sẻ, đề xuất ý kiến đóng góp về những vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh doanh, phát triển của cộng đồng DN với chính quyền. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) là đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện.
Tham dự buổi gặp gỡ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đại diện lãnh đạo Thành ủy và UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành, đại diện HUBA và các hội ngành nghề, đại diện 328 DN trong nước tại TP.HCM.
Đại diện hơn 300 doanh nghiệp tham dự hội nghị "Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp" |
Tại buổi gặp gỡ, đại diện nhiều DN đã phân tích hiện trạng sản xuất kinh doanh, nêu ý kiến, đề xuất để lãnh đạo thành phố xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như tháo gỡ những vấn đề cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội TP.
Ông Kiều Huỳnh Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết: “Năm 2016 Chính phủ và Thành phố đã ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và đã đạt được những kết quả nhất định tuy nhiên. Tuy nhìn chung chính sách mới chỉ đến với một số ít DN. Còn lại rất nhiều DN chưa tiếp cận được với chính sách. Chỉ số tăng trưởng ngành CNHT của TP vẫn thấp hơn các địa phương khác. 80% DN ngành Cơ khí - Điện thuộc loại siêu nhỏ và nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) với quy mô nhỏ, rải rác, không hình thành chuỗi liên kết, không tiếp cận được với nhà sản xuất đầu cuối, không tạo được nguồn lực đủ mạnh xây dựng thị trường đầu cuối và do vậy cũng không đủ điều kiện vay vốn do không nằm trong KCN”.
Ông Sơn kiến nghị Thành phố áp dụng các chính sách hỗ trợ để đưa DN vào các cụm /tiểu khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành. Các tiểu khu này sẽ được cấp giấy phép kinh doanh riêng, hưởng các chính sách ưu đãi như Thành phố, từ đó hỗ trợ thúc đẩy ngành CNHT thành phố phát triển.
Từ góc độ nhà sản xuất thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food đề xuất: “Cần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tiêu dùng trong tiêu dùng thực phẩm sao cho an toàn, không nên tiêu dùng những sản phẩm giá rẻ nhưng không an toàn. Tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất thực phẩm về đạo đức kinh doanh. Kinh doanh không đạo đức sẽ gây hại đến sức khỏe của chính mình và người dân, không thể phát triển bền vững”.
Hội nghị "Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp" doanhnhansaigon |
Bà Lâm nhấn mạnh: “Nên có cơ chế tôn vinh những sản phẩm chất lượng, an toàn của Việt Nam. Nếu chúng ta để người tiêu dùng ấn tượng rằng sản phẩm nội không tốt, thì chúng ta thua trong cạnh tranh với hàng ngoại”. Bà Lâm cũng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ các nhà phân phối nội, vì thời gian qua, các nhà phân phối nội đã hỗ trợ nhiều cho các DN sản xuất trong nước thông qua chính sách chiết khấu thấp. Đại diện Saigon Co-op cho rằng cần có chính sách hỗ trợ các DN hình thành chuỗi giá trị.
Xây dựng thương hiệu thời công nghệ số cũng là một vấn đề nóng trong phát triển kinh tế. Tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Hương - Giám đốc điều hành Tập đoàn Truyền thông Golden đã phân tích sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu của thành phố trong thời đại công nghệ thông tin. Bà Hương kiến nghị, Thành phố cần tao hệ sinh thái để DN xây dựng thương hiệu, nên có website hướng dẫn DN tiếp cận thông tin, tăng cường truyền thông về vai trò của sở hữu trí tuệ, truyền cảm hứng về xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu đến với DN.
Các DN cũng phản ánh với lãnh đạo thành phố các vấn đề về chống hàng giả, dựng hàng rào kỹ thuật, chính sách đất đai, thủ tục thông qua dự án đầu tư còn mất thời gian…
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị |
Sau khi lắng nghe ý kiến các DN, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Thành phố tái cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN. Lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo tập trung hỗ trợ DN tốt nhất bằng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Sự thịnh vượng của doanh nghiệp chính là sự thịnh vượng của Thành phố”.
Ông Phong cũng chỉ đạo các lãnh đạo sở, ngành tổng hợp những vấn đề DN đề xuất, xử lý, báo cáo lãnh đạo thành phố giải quyết, tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng động viên: “Doanh nhân, DN tại TP.HCM phải là những doanh nhân, DN năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới và kể cả chấp nhận rủi ro. Mong DN mạnh dạn đổi mới thiết bị, công nghệ, tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thành công trong hội nhập”.
Cuối buổi gặp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng lãnh đạo thành phố và các DN thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp DN tại địa chỉ http://hotro.hiephoidoanhnghiep.vn/ được điều hành bởi HUBA. Nơi đây sẽ tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ DN, là công cụ gắn kết DN với cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho biết: “HUBA sẽ đồng hành cùng DN, làm cầu nối giữa DN và chính quyền cũng như giám sát việc giải quyết các đề nghị của DN với chính quyền…”.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho biết HUBA sẽ làm cầu nối giữa DN và chính quyền |
>>Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là cốt lõi phát triển kinh tế