* Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống mức 15-17% thay vì mức 20% như hiện nay. Ông nhận định thế nào về điều này?
- Tôi cho đây là điều rất tích cực. Các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN khởi nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ. Họ đang gặp khó khăn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Nhiều khách hàng chia sẻ với tôi về tình hình tài chính của DN, dù có phương án hoạt động tốt, có hàng tồn kho, có khoản thu nợ khách hàng, có thị trường... nhưng vẫn không vay được vốn ngân hàng. Tôi đi gặp lãnh đạo ngân hàng, họ nói rằng chỉ chịu thế chấp khoản phải thu cho các “ông lớn”, còn những DN nhỏ thì không.
Tôi cho rằng, mức thuế suất TNDN giảm xuống 10% sẽ hợp lý hơn vì các DN nhỏ có lợi nhuận thấp, khó vay vốn ngân hàng. Những DN này đang kinh doanh bằng vốn tự có, nếu để cho họ giữ lại nhiều lợi nhuận hơn, họ sẽ có điều kiện đầu tư, mở rộng kinh doanh.
* Như ông nói, một chính sách thuế thế nào sẽ thúc đẩy được DN phát triển ?
- Một chính sách thuế hài hòa giữa công ích và lợi ích của các thành phần kinh tế hết sức quan trọng. Thu thuế nhiều sẽ có lợi cho ngân sách nhưng lại bất lợi cho các thành phần kinh tế và ngược lại. Mức thuế quá cao sẽ lấy đi nguồn tài chính của DN, trong khi những nguồn tài chính này có thể được sử dụng để phát triển xã hội.
Song song đó, tôi cho rằng đã đến lúc các ngân hàng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của hệ thống ngân hàng Mỹ về cho vay theo công thức và tài trợ dựa vào tài khoản, đồng thời hình thành tập quán cho vay căn cứ trên khoản phải thu và hàng tồn kho. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng tiêu chí xếp hạng tín dụng cho hệ thống ngân hàng và cá nhân, để tạo cơ sở đánh giá cho vay. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có biện pháp tăng cường bảo lãnh tín dụng vì các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương hoạt động chưa hiệu quả. Khi đó, các DN nhỏ, DN khởi nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
* Ông biết rằng giảm thuế cho DN đồng nghĩa với giảm nguồn thu ngân sách?
- Việc giảm thuế cho DN chắc chắn sẽ làm hụt nguồn thu ngân sách, nhất là trong tình trạng bội chi như hiện nay. Nhưng, Chính phủ bù đắp cho phần ngân sách thiếu hụt từ giảm thuế cho DN bằng các nguồn thu khác. Ví dụ, từ lách thuế, trốn thuế của các DN cố tình vi phạm, hay tăng thuế ở các mặt hàng ngoài công ích, như bia rượu, các loại hàng hóa xa xỉ phẩm.
Để thu được thuế, cần hai yếu tố quan trọng: cơ chế truy thu thuế phải hợp lý và ý thức nộp thuế của DN và người dân. Tại VN, nhiều DN quan niệm thuế là gánh nặng. Họ không thấy rằng đóng thuế là tạo ra lợi ích công cộng, tạo ra lợi ích cho chính DN của mình khi Chính phủ hoạt động hữu hiệu. Thành ra, cần nhiều biện pháp hơn để tạo được ý thức về đóng thuế, trong đó có giáo dục để tất cả thành phần kinh tế và người dân hiểu được chính sách thuế của Nhà nước. Muốn vậy, phải có một chiến dịch tuyên truyền về vấn đề thuế, nhưng chiến dịch này chỉ hữu hiệu khi chính sách của Chính phủ hợp lý.
Một điều quan trọng nữa, Chính phủ phải công khai hơn, minh bạch hơn nữa các vấn đề về thuế. Tất cả chi phí về an sinh xã hội cần được minh bạch hóa. Bộ Tài chính cần có những giải trình rõ ràng về sử dụng tiền thuế, truy thu thuế trước Quốc hội và người dân. Đặc biệt, để giảm thiểu thất thu thuế, vấn đề chống tham nhũng phải triệt để hơn vì chính tham nhũng làm thất thu thuế.
* Cảm ơn ông!