Doanh nghiệp làm hàng Tết ứng phó ra sao khi sức mua vẫn yếu?

Hồng Nga| 03/02/2021 06:28

Tết Tân Sửu đã cận kề nhưng doanh nghiệp và người bán vẫn trông chờ vào những ngày cuối cùng của năm và phải lên phương án đối phó trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Doanh nghiệp làm hàng Tết ứng phó ra sao khi sức mua vẫn yếu?

Công nhân công ty Vissan đang tập trung cho sản xuất hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết

Trông chờ những ngày cuối

Những ngày này, 20 công nhân chuyên làm mứt Tết của Công ty Hương Sen Việt ở Đồng Tháp vẫn miệt mài với các công đoạn làm sạch, cắt, sấy mứt gừng mật ong để giao cho khách. Dù hiện tại, sức mua mới chỉ bằng 60-70% năm trước nhưng không vì thế mà xưởng sản xuất của Hương Sen Việt giảm nhiệt.

“Những năm trước, đến 23 Tết chúng tôi vẫn còn nhận những đơn hàng phát sinh giờ cuối. Năm nay, dù biết Covid-19 ảnh hưởng đến sức mua nhưng công ty vẫn phải làm và trông chờ vào những ngày cuối”, bà Nguyễn Thị Lài - Tổng giám đốc Công ty Hương Sen Việt cho biết.

Sức mua giảm mạnh nhưng bà Lài cũng không quá buồn vì năm nay, Hương Sen Việt của bà có thêm mững khách hàng mới là các doanh nghiệp ở các tỉnh đặt hàng làm quà biếu. “Năm nay, đơn đặt hàng của các siêu thị giảm nhưng bù lại chúng tôi có những khách hàng lẻ là các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM… Có khách hàng đặt mua 1.000 - 2.000 hộp mứt gừng sấy dẻo mật ong để đưa vào giỏ quà Tết biếu tặng đối tác, nhân viên. Đây là những khách hàng mới mà Hương Sen Việt có được sau 3 năm tham gia thị trường Tết”, bà Nguyễn Thị Lài cho biết.

tet-2020-11-1-4602-1612342802.jpg

Doanh nghiệp vẫn đang chờ vào những ngày cuối của năm

Tại TP.HCM, nhà xưởng sản xuất tại Củ Chi của Công ty sản xuất mứt Trí Đức cũng nhộn nhịp với hàng chục công nhân đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng trong để giao sản phẩm cho khách. Bà Nguyễn Thị Tâm Ái - Giám đốc Công ty sản xuất mứt Trí Đứt cho biết, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ và sản phẩm mới nên công ty tập trung sản xuất mứt trái cây sấy dẻo các loại phục vụ cho mùa Tết. Những sản phẩm này chủ yếu sử dụng nguyên liệu truyền thống của Việt Nam như cóc, ổi, thanh long, gừng, bưởi, tắc… Đặc biệt, Tết năm nay công ty tung ra thị trường hai sản phẩm mới là mứt trái cóc sấy dẻo và mứt cóc chua cay rất được khách hàng ưa chuộng.

Cũng theo bà Tâm Ái, từ tháng 12 âm lịch, công ty bắt đầu cung ứng cho các đơn vị, đặc biệt là các hệ thống siêu thị bán ra thị trường với số lượng 20 tấn mứt các loại. Thế nhưng, đến nay, sức mua thị trường giảm 20% so với năm ngoái.

Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức phức tạp, các nhân sự của Công ty Vissan phải liên tục đi khảo sát thị trường để đưa ra các kịch bản ứng phó. Dù đã vào cao điểm Tết nhưng theo đại diện doanh nghiệp này, sức mua vẫn rất chậm, chỉ bằng 80% so với cùng kỳ Tết 2020. Tuy nhiên, theo kế hoạch, Vissan vẫn giữ nguyên kế hoạch cung ứng ra thị trường 7.500 tấn hàng hoá, trong đó, hàng thực phẩm tươi sống tăng 5%, hàng thực phẩm chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

05-1608-1612342803.jpg

Doanh nghiệp vừa bán hàng vừa lên phương án đối phó Covid-19

Lên kịch bản ứng phó

Dù nhận định sức mua khó tăng mạnh trong mùa Tết này nhưng để phòng ngừa những tình huống bất ngờ của dịch bệnh, Vissan vẫn lên phương án đối phó. Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong cuộc họp ngày 2/2/2021, ban lãnh đạo công ty đã đưa ra kịch bản mới cho mùa Tết Covid-19 này. Bắt đầu từ ngày 24 âm lịch, công nhân nhóm sản xuất thực phẩm chế biến được nghỉ Tết nhưng một số được huy động để hỗ trợ cho bộ phận thực phẩm tươi sống. Những công nhân về quê ăn Tết phải đăng ký địa chỉ ở quê cũng như lịch trình di chuyển, số liên lạc… để vừa có thể phòng dịch vừa có thể nhanh chóng được huy động quay trở lại công ty làm việc nếu thị trường có nhu cầu lớn về mặt hàng như xúc xích tiệt trùng, đồ hộp…

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Phú, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên phòng cho trường hợp nhà máy chế biến của Vissan tại Bắc Ninh bị phong toả, nhà máy sản xuất của công ty tại TP.HCM phải làm việc hết công suất và làm suốt Tết để không xảy ra tình trạnh thiếu hàng.

“Một số mặt hàng thực phẩm chế biến như xúc xích tiệt trùng và đồ hộp phải nâng lượng dự trữ để phòng hờ trường hợp dịch bệnh lan rộng. Chỉ cần 50% số lượng công nhân công ty làm việc trở lại thì hàng hoá sẽ nhanh chóng được đáp ứng”, ông Nguyễn Đăng Phú cho biết.

Trong khi đó, với 5.000 tỷ đồng hàng hoá được dự trữ cho ba tháng trước, trong và sau Tết nên ban lãnh đạo Saigon Co.op không lo thiếu hàng dù năm nay người dân ở lại thành phố ăn Tết nhiều hơn. “Hàng hoá không thiếu nhưng chúng tôi đã lên phương án vận chuyển tốt nhất để sẵn sàng đáp ứng nhanh nguồn hàng cho những vùng có dịch”, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết.

Saigon-Co-op-da-m-ba-o-ca-c-nh-3815-5652

Sức mua mặt hàng trứng gia cầm mới đạt 60% so với cùng kỳ năm trước

Với nhóm hàng trứng gia cầm, năm nay, sức mua quá thấp dù đã vào những ngày cận Tết nên Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt phải chạy khuyến mãi “mua 10 tặng 2” trên tất cả các kênh trực tiếp và online. “Chưa có năm nào sức mua kém như năm nay. Chuẩn bị vào ngày 23 Tết mà sức mua mới đạt 60% năm rồi. Hiện nay, người dân thắt lưng buộc bụng và cũng đã có kinh nghiệm sau hai ba đợt dịch trước nên khó có tình trạng sốt hàng, đột biến hàng khi dịch lan rộng. Dù vậy, công ty cũng phải liên tục cập nhật tình hình để có phương án đối phó”, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám  đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp làm hàng Tết ứng phó ra sao khi sức mua vẫn yếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO