Doanh nghiệp châu Âu “đón đầu” TPP tại Việt Nam

P.V thực hiện| 22/04/2014 08:55

Một hệ thống nhà kho trên diện tích 4.000m2 với công suất đóng gói 1.000 tấn trong năm đầu tiên sẽ được xây dựng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM cho mục tiêu phân phối và phát triển các sản phẩm phân bón cao cấp tại thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp châu Âu “đón đầu” TPP tại Việt Nam

Một hệ thống nhà kho trên diện tích 4.000m2 với công suất đóng gói 1.000 tấn trong năm đầu tiên sẽ được xây dựng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM cho mục tiêu phân phối và phát triển các sản phẩm phân bón cao cấp tại thị trường Việt Nam.

Đó là nội dung được thống nhất trong buổi làm việc giữa Tập đoàn Atlantica của Tây Ban Nha và Công ty TNHH SX-DV-TM Trung Hiệp Lợi - đơn vị được chọn làm đại diện phân phối tại Việt Nam của Atlantica. Tổng giá trị đầu tư cho dự án trên là 2 triệu đô la, dự kiến sản phẩm sẽ được xuất khẩu vào năm thứ hai sau khi công trình được đưa vào hoạt động.

Theo kế hoạch, ở giai đoạn đầu, hàng hóa sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam để phân phối trên cả nước. Tiếp theo, Atlantica sẽ mở rộng nhà máy tại Việt Nam để sản xuất các loại phân bón lá, phân bón vi lượng, phân bón hữu cơ với công nghệ sản xuất tiên tiến cùng với nguồn nguyên liệu dồi dào có sẵn ở Việt Nam. Dự kiến đến năm 2016, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ được tiêu thụ tại nội địa khoảng 20%; 80% xuất sang các thị trường tiềm năng mà Atlantica đã có khách hàng từ trước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Brunai, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Như vậy, Atlantica là tập đoàn đầu tiên của Châu Âu đặt nhà máy sản xuất phân bón tại Việt Nam.

Là đại diện phân phối duy nhất của Atlantica tại Việt Nam, ông Trần Quang Vinh - Phó giám đốc Công ty TNHH-SX-DV-TM Trung Hiệp Lợi chia sẻ: Atlantica là một thương hiệu lớn tại Châu Âu với các sản phẩm chất lượng cao dựa trên những nghiên cứu khoa học tiên tiến, sản phẩm của công ty mang tính đột phá, đem lại năng suất cao cho cây trồng. Thêm nữa, các sản phẩm của Atlantia đều được chứng nhận là sản phẩm “hữu cơ”, phù hợp với các tiêu chí và quy định của EU. Vì vậy nông sản của nông dân sẽ tiến thêm một bước dài để xâm nhập thị trường EU có tiếng là khó tính.

* Tiếp nhận cơ hội này, Trung Hiệp Lợi định hướng hoạt động ra sao, thưa ông?

- Ông Trần Quang Vinh: Năm 2014, thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với năm 2013, tuy nhiên công ty vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách. Là một doanh nghiệp trẻ được thành lập từ năm 2007, Công ty Trung Hiệp Lợi hiện nay là đại diện cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng tại Châu Âu như Simonis, Valagro, Baltic Agro và giờ là Atlantica. Công ty cũng là đại diện của các nhà máy tại Châu Á như PK Fertilizer Malaysia. Doanh số của chúng tôi trong năm 2013 đạt 76 tỷ đồng, tương đương 5.800 tấn. Dự trù năm 2014 sẽ tăng trưởng bình quân 20%. Như vậy theo kế hoạch doanh số của năm 2015 sẽ vượt 100 tỷ. Cùng với sự phát triển của đất nước, Công ty Trung Hiệp Lợi đang dần khẳng định mình bằng việc phát triển thương hiệu, khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường phân bón Việt Nam. Công ty luôn quan tâm chăm sóc khách hàng một cách chu đáo với phương châm “Khách hàng là thượng đế”.

* Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà công ty phải đối diện?

- Ông Trần Quang Vinh: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là nhân sự giỏi ngoại ngữ, mạnh dạn giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài. Đó là điểm yếu của các sinh viên mới ra trường.

Quan trọng không kém là yếu tố tác động từ nhà nước. Sự thiếu bền vững, nhất quán của chính sách kinh tế, luật pháp Việt Nam là 1 “điểm trừ” trong mắt hầu hết các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Cuối cùng, trăn trở lớn nhất của chúng tôi là đầu ra cho nông sản. May mắn là Atlantica sẽ hỗ trợ chúng tôi điều đó, họ hứa sẽ đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm thanh long, cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.

* Được biết, tính cạnh tranh trong ngành phân bón hiện nay khá gay gắt. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

- Ông Trần Quang Vinh: Phân khúc thị trường của Công ty Trung Hiệp Lợi là các sản phẩm phân bón cao cấp. Thường thì phân khúc này chỉ chiếm 10-20% tổng giá trị thị trường, tuy nhiên việc cạnh tranh cũng gay gắt không kém. Thậm chí còn có cả hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như truyền thông những nội dung không chính xác làm ảnh hưởng đến thương hiệu của nhau. Cạnh tranh lành mạnh là một yếu tố giúp doanh nghiệp phải phấn đấu, cải thiện công nghệ, hạ giá thành, người đầu tiên được hưởng lợi sẽ là người nông dân. Đó cũng là điều mà chúng tôi mong muốn.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp châu Âu “đón đầu” TPP tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO