Ngày 26/5, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do ông Naigai Katsurou, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến Hà Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện Ngân hàng Mitsubishi Nhật Bản cho biết, tuy không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhưng Ngân hàng Mitsubishi có những hoạt động phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như giới thiệu cho các khách hàng của Ngân hàng tại Nhật Bản những ưu điểm của Việt Nam để các doanh nghiệp này đến đầu tư.
Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, Ngân hàng cũng giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất các nông cụ, nhà kính, nhà lưới...
Ngoài ra, Ngân hàng Mitsubishi cũng cung cấp vốn sản xuất cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời mua lại các sản phẩm nông nghiệp của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Suzuki Tooru, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mitsui Bussan Việt Nam - chi nhánh của một doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản đang có hoạt động thương mại trong lĩnh vực thu mua, chế biến và phân phối nông sản trên khắp thế giới, Hà Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng và là địa điểm lý tưởng để doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Đối với Hà Nam, công ty có ý định đầu tư trồng lúa an toàn ứng dụng công nghệ cao sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của Nhật Bản.
Ông Suzuki cho rằng, việc làm này nhằm nâng cao chất lượng và năng suất lúa trên cùng một đơn vị diện tích, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tỉnh có hai hình thức hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ nhất, doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Hà Nam; thứ hai là tỉnh sẽ giao đất để doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất. Tỉnh sẽ giao loại đất thích hợp với từng loại cây mà doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn.
Hiện, tỉnh đã quy hoạch vùng dành cho trồng rau củ quả sạch với diện tích 1.000ha ở khu vực ven sông lớn, thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, giao thông, nguồn nước tưới tiêu, hệ thống thủy lợi chủ động phòng chống lũ lụt và hạn hán.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm, Hà Nam sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh như nguồn điện, giao thông, nguồn nước, an ninh, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp Nhật Bản bước đầu nên sản xuất ở quy mô nhỏ để thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng sản xuất ở quy mô lớn hơn.
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng cần đảm bảo chất lượng, số lượng giống cây trồng, quy trình sản xuất nghiêm ngặt để sản phẩm làm ra có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường lớn.
Hà Nam xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân các vùng nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Hà Nam đã và đang xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương liên kết sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, nông dân nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam, như ở xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý), đã có thu nhập 170 triệu đồng/ha rau màu.
Các sản phẩm của Hà Nam được thị trường Nhật Bản ưa chuộng như khoai lang, đậu tương, rau, bí đỏ...
>Nhật đầu tư gần 1 tỷ USD xây KCN phụ trợ tại Hà Nội
>Khuyến khích DN Nhật đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam
>Khởi công xây dựng nhà máy Number One Hà Nam
>Hà Nam làm du lịch