Định giá khoáng sản: Có dễ?

GS. ĐẶNG HÙNG VÕ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường| 14/01/2016 06:28

Hiện nay, khoáng sản không có quy trình định giá.

Định giá khoáng sản: Có dễ?

Tài sản quốc gia sẽ tăng cao nếu quá trình vốn hóa đất đai, khoáng sản được thực hiện tốt. Nước ta đang thiếu hoàn toàn một vế quan trọng: Tài chính khoáng sản. Hiện nay, khoáng sản không có quy trình định giá.

Đọc E-paper

Một vị thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng cho rằng, định giá khoáng sản đơn giản, không phức tạp. Thực ra, việc định giá khoáng sản chỉ dễ khi có quy trình, phương pháp, bởi riêng việc đánh giá trữ lượng khai thác đã là cả một quy trình từ khối lượng, trữ lượng cho tới tính toán giá trị. Đây là cơ sở để vốn hóa và chỉ khi vốn hóa được mới có thể tiến hành đấu giá hay không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Luật Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua vào năm 2010 nhưng phải tới năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có Quyết định số 411/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt I năm 2015.

Tuy nhiên, sau đợt đấu giá đầu tiên này, chỉ đấu giá được một số mỏ khoáng sản về vật liệu xây dựng, còn lại số mỏ khoáng sản trữ lượng lớn chưa được đấu giá. Điều này cho thấy, đây không phải là công cụ quản lý, chỉ là cách tiếp cận “nhích hơn một chút” về giá trị khoáng sản, kết quả chưa có gì đáng kể nếu nhìn từ khái niệm vốn hoá đối với tài nguyên. Những quy định đặt ra không dựa trên thực tế, nên không đi vào cuộc sống.

Cái yếu của luật pháp hiện nay là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh ra một phần khoáng sản để đấu giá, phần còn lại không phải đấu giá mà được cấp phép khai thác trực tiếp. Cơ chế này quản trị chưa tốt, chưa phòng chống được tham nhũng, cũng chưa tạo điều kiện quản lý được khai thác khoáng sản cũng như cấp phép cho khai thác khoáng sản.

Nước ta cần một cơ chế quản trị khác đủ sức loại trừ được rủi ro của tham nhũng và đấy là việc phải làm trong cấp phép khai khoáng. Trung ương cấp phép, cứ cho là có độ tin cậy cao hơn, nhưng việc luật pháp cho phép khoanh một phần khoáng sản không phải đấu giá đã khiến nhiều câu hỏi được đặt ra.

Cạnh đó là sự méo mó trong phân cấp quản lý. Chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện phân cấp Trung ương nắm giữ các mỏ có trữ lượng lớn, khai thác các mỏ mang tầm chiến lược, còn địa phương được khai thác những mỏ nhỏ lẻ, những mỏ tận thu. Chúng ta đã không nghĩ đến chuyện làm gì sau phân cấp, nên chỉ tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát, mà giám sát ở đây cũng chỉ dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, chưa phải cơ chế giám sát mang tính quản trị, chưa tạo điều kiện để người dân, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia giám sát.

Nhìn vào cách tiếp cận hiện nay, nước ta chưa thạo bài toán phân cấp quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản. Chúng ta thảo luận rất nhiều về phân cấp, phân quyền, nhưng quản lý đang rất kém, dẫn đến tình trạng các địa phương vượt quyền trong cấp phép khai thác khoáng sản. Phạm vi pháp luật quy định chỉ là nhỏ lẻ và tận thu nhưng địa phương vẫn cấp phép khai thác cả những mỏ lớn, thậm chí chia mỏ lớn ra thành 2,3 mỏ nhỏ để cấp giấy phép khai thác cho cùng một doanh nghiệp.

Phân cấp là một quá trình, không phải thời gian ngắn là có được cơ chế phân cấp tốt. Với những bất cập trong lĩnh vực khai khoáng hiện nay, việc phân cấp quản lý phải tuỳ thuộc vào tình hình thực tế.

Các địa phương cấp phép theo “kiểu riêng” của từng địa phương, tư duy của địa phương và gắn với quan hệ lợi ích. Điều này làm cho việc phục hồi môi trường trở nên tệ hại. Không còn đơn lẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn thể hiện ở tất cả các địa phương khai thác khoáng sản và người dân tại đó đang gánh chịu hệ quả rất lớn.

Tại Bắc Kạn đang phổ biến tình trạng khai thác khoáng sản và phá rừng, chất thải tuyển quặng không theo quy trình bảo vệ môi trường, không đảm bảo độ an toàn nước tưới của nông nghiệp. Cấp phép không đúng, không tương ứng với giá trị tài nguyên khoáng sản dẫn đến chuyện chi phí môi trường không đảm bảo.

Không có cách nào khác, Việt Nam cần sớm tham gia Ủy ban Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng quốc tế (EITI). Đừng ngụy biện theo kiểu thời bao cấp bằng lý do khoáng sản là “mật”, bởi chỉ có minh bạch, lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân mới được đảm bảo, cũng như giúp Chính phủ tăng nguồn thu.

>Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng

>Châu Phi hy vọng đổi đời nhờ khai khoáng

>7 đối tượng chịu thuế tài nguyên

>Thượng nghị sĩ Nhật: Độc chiếm khai thác tài nguyên sẽ bị đáp trả

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Định giá khoáng sản: Có dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO