Nhiều người thường bị đau khớp cổ tay và lan xuống ngón tay cái, gây khó khăn khi cầm nắm vật nặng. Đây là một dạng bệnh mà phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới đến ba lần.
Đọc E-paper
Người mắc bệnh đau nhức cổ tay và khớp ngón tay có những triệu chứng rất dễ nhận biết, như cổ tay bị đau khi cử động, các ngón tay bị tê, sưng, nóng, đỏ, khớp ngón tay đau khi co duỗi, cảm giác ngón tay cứng khi thức dậy vào mỗi buổi sáng; nếu bệnh nặng hơn có thể dẫn đến teo cơ lòng bàn tay.
Sinh bệnh học của bệnh này cũng như sự biến dạng khớp, hư khớp là do sự biến đổi của màng hoạt dịch khớp. Sụn khớp bị hủy hoại do màng hoạt dịch bị viêm và ngay cả xương dưới sụn cũng bị tấn công. Bệnh hay xảy ra ở khớp ngón tay và cổ tay, có thể tấn công cả màng bao gân duỗi hoặc gấp, gây ra sự mất cân bằng của xương, khớp và dây chằng ở bàn tay.
Khi bị đau cổ tay và khớp ngón tay, nhiều người nhầm tưởng mình bị phong thấp vì có những biểu hiện tương tự. Nhưng nếu bị phong thấp, các khớp xương bên trong cơ thể bị đau hơn bình thường khi thời tiết thay đổi, đau cổ tay và khớp ngón tay có thể bất kỳ mùa nào, đặc biệt là vào buổi sáng.
Theo đông y sĩ Nguyễn Thanh Toàn, nguyên nhân đau cổ tay và khớp ngón tay là do sự lưu thông khí huyết không ổn định vì cơ thể lão hóa hoặc bị nhiễm lạnh.
Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ mắc chứng đau khớp cổ tay và ngón tay nhiều hơn nam giới đến ba lần, vì cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và yếu hơn nam giới, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ sau khi sinh, khả năng bị đau khớp cổ tay cao hơn nhiều so với bình thường do dễ thiếu vitamin B12, lại vừa phải trải qua sự thay đổi lớn về nội tiết tố nên dễ rơi vào trạng thái suy nhược, nếu gặp môi trường lạnh thì dễ tổn hại dây thần kinh cánh tay làm cho các cơ ở cánh tay bị cứng, nhức mỏi và đau.
Trong điều trị, thông thường các bác sĩ Tây y cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau, nếu không thuyên giảm sẽ dùng thuốc tiêm trực tiếp vào chỗ đau có tác dụng giảm đau từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, chỉ có thể sử dụng biện pháp này được vài lần, vì nếu tiêm quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mục xương. Trong trường hợp bệnh vẫn không thuyên giảm, phải tính đến phẫu thuật.
Quan niệm Đông y trong việc điều trị bệnh đau khớp cổ tay và khớp ngón tay là phải giải quyết triệt để vấn đề lưu thông khí huyết. Làm ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh sẽ khiến các gân không bị co rút và khớp không bị cứng. Đặc biệt với bệnh nhân là nữ giới thì phải chú ý các vị thuốc hỗ trợ điều tiết chu kỳ kinh nguyệt.
Với phụ nữ sau sinh, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, bổ sung canxi, vitamin D để tránh loãng xương. Đặc biệt bổ sung vitamin nhóm B cho cơ thể khỏe mạnh, giảm đau khớp cổ tay. Để khắc phục đau khớp cổ tay sau sinh, người mẹ cần làm nóng vùng đau để giảm đau, có thể dùng khăn ướt hoặc chườm gừng. Không nên mang vác nặng, vận động mạnh trong thời gian điều trị.
Vì đây là căn bệnh do tích tụ khí lạnh trong cơ thể lâu ngày đến khi đủ khả năng ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí huyết mà thành nên thật khó để phòng ngừa. Cách tốt nhất để tránh mắc chứng bệnh này là hạn chế để cơ thể bị nhiễm lạnh, cảm lạnh dẫn đến tích tụ khí lạnh trong người. Phải tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên để khí huyết lưu thông. Đối với những người làm việc văn phòng, nên đứng dậy đi lại, xoa bóp các khớp tay đều đặn cứ mỗi hai giờ một lần để điều hòa khí huyết. |
>Thói quen bẻ khớp tay không hề vô hại
>Điều trị đau cơ - xương - khớp bằng liệu pháp Shiatsu