Thêm giải pháp cho “Công ty nông dân”

NGUYỄN THANH SƠN| 03/09/2009 09:38

Nếu đặt vấn đề “Phải có công ty nông dân” theo tôi không thỏa đáng lắm, mà nên đặt vấn đề có hướng đi cụ thể hơn...

Thêm giải pháp cho “Công ty nông dân”

Trước tiên, qua bài báo “Phải có công ty nông dân” (DNSG số 59 ra ngày 26/8 - 1/9/2009), tôi xin cảm ơn những thông tin rất đặc sắc mà DNSG đã mang đến cho những người làm kinh doanh chúng tôi, cũng đồng thời mình cảm thấy một chút tự hào về thành phố mà mình đang sinh sống có rất nhiều DN năng động.

Tôi đã từng được nghe diễn thuyết cùng chủ đề cách đây khoảng 12 năm. Ngày đó, tôi đã cảm thấy những người đưa ra ý tưởng này tuy có tâm huyết nhưng chưa nghiên cứu thị trường nông thôn VN. Gia đình tôi có nhiều người làm nông nghiệp, bản thân tôi hồi nhỏ rất bất bình với mấy công ty cung cấp thuốc trừ sâu dỏm gây thiệt hại quá nhiều cho nhà nông, ngày nay lại có quá nhiều công ty bán phân bón và giống cây trồng, vật nuôi dỏm, giá cao! Vậy thử hỏi DN đã làm gì cho nông dân?

Nếu đặt vấn đề “Phải có công ty nông dân” theo tôi không thỏa đáng lắm, mà nên đặt vấn đề có hướng đi cụ thể hơn, nhân đây tôi xin đưa ra giải pháp:

Bước 1: DNSG đứng ra thành lập công ty cổ phần đầu tư nông sản (có thể đặt tên gì đó cho hay, nhưng chữ “nông sản” rất cần thiết), kêu gọi cổ phần từ các doanh nhân, DN... có quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp.

Bước 2: Công ty này tổ chức mua thông tin hoặc nghiên cứu mô hình tùy theo từng nhóm nông sản cụ thể. Theo đó, tập hợp những người có đất trong vùng tham gia dự án. Để làm được điều này, công ty cần phải cam kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm sao cho người dân góp đất thu được nhiều hơn họ tự làm như hiện tại.

Bước 3: Công ty quy hoạch lại quỹ đất, triển khai kỹ thuật... và chuyển giao cho bà con quản lý. Làm sao phải đạt chuẩn “công nhân nghề nông”, nhất là cơ giới hóa càng mạnh càng tốt. Điểm mấu chốt là không bắt nông dân bỏ tiền đầu tư, dù chỉ một đồng, thậm chí công ty ứng trước một phần thu nhập cho họ (sau này trừ vào doanh thu).

Bước 4: Xúc tiến thương mại.

Bước 5: Bán cổ phần lại cho nhà nông đã tham gia để họ được hưởng quyền lợi nhiều hơn.

Mô hình này không lạ gì với nhiều người, nhưng tôi thiết nghĩ cần giải thích một vài điểm:

1. Bản chất nông dân ít nghĩ “chiến lược” nên cần có kết quả cụ thể để khuyến khích họ tham gia.
2. Công ty có chữ “nông sản” để mọi người đều cảm nhận rằng họ tạo ra sản phẩm cho xã hội.
3. Một khi đã xây dựng được mô hình thành công, chắc chắn việc gọi vốn cho công ty này càng thuận tiện.

Một vài ý cùng chia sẻ trước những bức xúc xã hội, thiết nghĩ DNSG nên tiên phong kêu gọi DN, doanh nhân tham gia, ý tưởng này chắc chắn thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm giải pháp cho “Công ty nông dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO