Những mô hình liên kết thành công

ANH TUẤN| 18/09/2009 09:11

Sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông, không tập trung sẽ khó tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, đủ số lượng để cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Những mô hình liên kết thành công

Sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông, không tập trung sẽ khó tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, đủ số lượng để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Dĩ nhiên cả DN và nông dân đều bị thua thiệt. Sau đây là những dẫn chứng về sự liên kết thành công để làm ra nông sản theo yêu cầu của thị trường...

Từ liên kết với hợp tác xã...

Trang trại của ông Sáu Dương ở Bình Dương

Dù đang trong quá trình đô thị hóa nhưng đến năm 2008, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM) vẫn còn 1.030ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 293ha chuyên canh tác các loại hoa màu. Để nghề trồng rau của nông dân phát triển, không chỉ với số lượng dồi dào mà còn phải đảm bảo chất lượng và an toàn khi đưa ra thị trường, bên cạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất rau an toàn cho người trồng rau, cách đây 5 năm, 20 hộ nông dân tự nguyện thành lập Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Ngã Ba Giồng. Thông qua việc liên kết với Tập đoàn Metro Cash & Carry, Saigon Co.op, siêu thị Maximark, mỗi năm hợp tác xã (HTX) tiêu thụ cho nông dân hàng ngàn tấn rau, củ các loại. Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, chỉ riêng sản xuất rau an toàn, ngoài HTX Ngã Ba Giồng, còn có HTX Tân Quý Tây (Bình Chánh), mô hình liên kết của nông dân ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung và HTX rau an toàn xã An Nhơn (Củ Chi).

Theo bà Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đến 2008, Hội đã phối hợp với các ngành hữu quan ở địa phương giúp nông dân trồng cây ăn trái, xây dựng được 20 HTX sản xuất - tiêu thụ trái cây, trong đó có ba đơn vị ký được hợp đồng với DN xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài. Nhờ có HTX Lò Rèn mà người tiêu dùng ở Cộng hòa Liên bang Nga mới có cơ hội thưởng thức trái vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang).


Hằng năm, nông dân đồng bằng sông Cửu Long cung ứng 90% lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Thành tựu này không thể thiếu vắng vai trò của hàng loạt HTX dịch vụ - thương mại. Từng là lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp thời bao cấp, khi Nghị quyết 10/1988 của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý trong nông nghiệp” ra đời, HTX Bình Thành ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) nhạy bén giao toàn quyền tự chủ sản xuất cho xã viên và HTX thay mặt xã viên ký kết với một số đơn vị, trường đại học, các công ty cung ứng vật tư, các công ty lương thực và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang hoạt động dịch vụ, như cung cấp giống lúa đặc sản, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức các hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng cho xã viên. Kết quả, người nông dân ở HTX này thu lợi nhuận cao trên từng thước đất trồng lúa. Hơn thế, họ tiếp tục vững tin vào phương thức hợp tác kiểu mới. Rất tiếc, Luật Hợp tác xã có hiệu lực hơn 10 năm rồi mà những mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả như ở Bình Thành hiện chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

...Đến liên kết trang trại

Từ khi có Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại (KTTT), đến cuối 2007, cả nước có 116.062 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản trên diện tích hơn nửa triệu ha và thu hút nửa triệu lao động. Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ là hai khu vực có số lượng trang trại nhiều nhất (67.903). Sự ra đời của KTTT không những thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp mà còn góp phần hình thành nền sản xuất hàng hóa tập trung. Hơn thế, KTTT trở thành địa chỉ của các DN cung ứng dịch vụ đầu vào và tạo nguồn hàng cho DN kinh doanh nông sản tiêu thụ nội địa và tham gia xuất khẩu.

Ông Nguyễn Lợi Đức ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chủ nhân của trang trại 70ha sản xuất lúa giống chất lượng cao và lúa hàng hóa, đã huy động 11,5 tỷ đồng cải tạo mặt bằng đồng ruộng để hạ phèn, quy hoạch hai tiểu khu: 20ha chuyên sản xuất lúa giống, 50ha chuyên canh lúa xuất khẩu. Để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ông Đức coi “liên kết bốn nhà” là khâu không thể thiếu trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Ông cho biết: “Tôi liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang để được chuyển giao kỹ năng lai tạo lúa, hợp tác với một số nhà khoa học ở Trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM để tiếp cận kỹ thuật sử dụng thiết bị laser cải tạo mặt bằng ruộng; rồi còn liên kết với Công ty Giống cây trồng, Công ty Lương thực bao tiêu hai loại lúa của trang trại”.

Từ Q.12, TP.HCM, bà Nguyễn Thu Thủy lên xã Long Nguyên (huyện Bến Cát, Bình Dương) mua 14ha đất thành lập trang trại Thanh Thủy chuyên trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi gà công nghiệp, doanh thu mỗi năm một tỷ đồng. Để trái cây đủ sức cạnh tranh khi tham gia hội nhập kinh tế thế giới, kể cả tiêu thụ nội địa, trang trại Thanh Thủy liên kết với các nhà khoa học thực hiện quy trình công nghệ phun sương, sử dụng phân hữu cơ bón gốc giữ độ ẩm cho cây và phương pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh đảm bảo an toàn trái cây. Nhờ mối liên kết này, bưởi da xanh của trang trại vừa có chất lượng cao, vừa sạch bệnh, nên được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Bưởi da xanh Thanh Thủy”.

Nhằm tạo ổn định đầu ra, trang trại ký hợp đồng với siêu thị Lotte, Metro Cash & Carry cung cấp trái cây an toàn tới người sử dụng. Phát biểu về “ liên kết bốn nhà”, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định: “Nhờ sự liên kết mà trang trại được ngân hàng tạo thuận lợi vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhà khoa học và DN tận tình hỗ trợ, còn chính quyền cũng nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ diện tích sản xuất. Sắp tới, trang trại Thanh Thủy sẽ tiến hành các thủ tục để đưa sản phẩm sang thị trường châu Âu”. Không chỉ sản xuất trái cây, trang trại Thanh Thủy còn liên kết với Vecfa mỗi năm cung ứng 200.000 con gà thương phẩm cho Công ty này.

Rõ ràng, một nền sản xuất tập trung, quy mô lớn không chỉ tạo ra hàng hóa dồi dào, chất lượng đồng đều mà còn tạo thuận lợi cho DN dễ dàng tiếp cận để bao tiêu sản phẩm. Tại cuộc hội thảo “Phát triển kinh tế trang trại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối năm 2008 tại Bình Phước, ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ này phát biểu: “Nhà nước tạo điều kiện để DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trang trại theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Chính phủ. Các trang trại nên chủ động liên kết với nhau, liên kết với các HTX, với nông dân tạo vùng nguyên liệu lớn, phấn đấu vươn lên tự xuất khẩu hàng nông sản”. Theo ông Hồ Xuân Hùng, các bộ, ngành liên quan phải sớm quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa và khuyến khích tích tụ ruộng đất giúp kinh tế trang trại phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những mô hình liên kết thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO